Đại án Oceanbank: PVN - 800 tỷ - 0 đồng và trách nhiệm
VOV.VN -Là cổ đông chiến lược với 20% cổ phần tại Oceanbank, PVN mất trắng 800 tỷ với sự sụp đổ của Oceanbank cùng vụ án Hà Văn Thắm.
Chưa nhận được báo cáo về nguy cơ tại Oceanbank
Ngày 8/3, Tòa án Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Một trong những lý do được nêu ra trong quyết định trả hồ sơ là liên quan đến số tiền thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Với mục tiêu xây dựng một tập đoàn đa lĩnh vực, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, năm 2008, PVN bắt đầu đầu tư vào Oceanbank.
Ông Hoàng Văn Dũng - đại diện PVN |
Ông Hoàng Văn Dũng – đại diện của PVN tại tòa cho biết, tập đoàn góp 20% vốn điều lệ vào Oceanbank là chủ trương của Chính phủ và PVN thực hiện chủ trương này.
Năm 2008, PVN góp 400 tỷ, năm 2009 tăng thêm 300 tỷ và đến năm 2011 tăng thêm 100 tỷ đồng, tương ứng với việc tăng vốn điều lệ của Oceanbank qua các thời kỳ nhằm đảm bảo tương ứng 20% sở hữu của tập đoàn tại Oceanbank.
Thực hiện quy chế của PVN về quản lý vốn tại doanh nghiệp khác, nên tập đoàn này đã cử 3 người giữ các vị trí trong HĐQT, ban giám đốc và ban kiểm sát tại Oceanbank. Mục đích của PVN là kiểm soát chặt chẽ Oceanbank.
Nhiệm vụ trách nhiệm của 3 người đại diện theo quy định của PVN là hàng tháng, hàng quý, hàng năm phải có báo cáo về HĐQT (sau này là HĐTV) của PVN tất cả các hoạt động, xin ý kiến của HĐTV về tất cả quyết định của họ bên Oceanbank.
Ngoài ra, việc kiểm soát qua báo cáo và cử trực tiếp nhân sự sang Oceanbank thì PVN còn thực hiện chế độ giám sát thông qua người giám sát bên ngoài của đơn vị, là luôn kiểm tra, kiểm soát những báo cáo của người PVN trong Oceanbank.
Qua quá trình kiểm soát thì thấy rằng không thấy bất kỳ sai phạm nào trong quá trình góp vốn tại Oceanbank. Đồng thời từ năm 2009 đến năm 2013, PVN đều được chia lãi cổ tức.
Một câu hỏi được HĐXX đặt ra trong quá trình thẩm vấn đối với đại diện của PVN, đó là, năm 2012 đã có cảnh báo về những dấu hiệu xấu tại Oceanbank nhưng 3 vị trí giám sát này vẫn báo cáo lãi, điều này nói lên điều gì?
Và thực tế đến quý I/2014 thì Oceanbank lỗ hơn 10.100 tỷ đồng, bằng 294,63% vốn chủ sở hữu (tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần). Sau đấy Oceanbank được NHNN mua lại với giá 0 đồng thì khoản 800 tỷ đồng của PVN cũng bằng 0.
Trả lời hội đồng, đại diện PVN cho rằng, trong các báo cáo gửi về không có báo cáo nào thể hiện nguy cơ mà Tập đoàn có thể bị ảnh hưởng quyền lợi của mình. Tất cả các báo cáo đều được đánh giá là ổn thỏa. Lợi nhuận từ 20% cổ phần tại Oceanbank được người đại diện cho biết hoạch toán vào ngân sách. Về kết luận của thanh tra NHNN đối với Oceanbank, theo PVN họ không nhận được.
Tuy nhiên ông Hoàng Văn Dũng cũng cho rằng, nếu giả định lỗ xảy ra thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về những người đại diện vốn góp của PVN tại Oceanbank. Họ phải chịu trách nhiệm được quy định trong điều lệ của PVN và quy định của pháp luật.
Oceanbank có bị áp lực từ PVN?
Quá trình thẩm vấn, LS tham gia tranh tụng tại phiên tòa cũng đặt ra câu hỏi đối với đại diện PVN liên quan đến việc chi chăm sóc lãi ngoài.
Trách nhiệm của Nguyễn Xuân Sơn và những người liên quan đến khoản tiền 800 tỷ đồng được HĐXX đề nghị xem xét ngay trong giai đoạn 1 vụ án Hà Văn Thắm |
LS đưa ra câu hỏi việc PVN có biết Oceanbank có chủ trương chi chăm sóc khách hàng. Đáp lại câu hỏi của LS, ông Hoàng Văn Dũng cho rằng: “Chúng tôi là cổ đông góp vốn. Chúng tôi không phải là pháp nhân, nên không quá quan tâm về điều hành hoạt động ngân hàng”.
- “Như vậy là không biết, coi như là không biết?”, LS nêu vấn đề
- “Chúng tôi không khẳng định việc này”, đại diện PVN trình bày.
- “Một là biết hai là không biết”, LS tiếp tục câu hỏi
- “Việc chăm sóc khách hàng là nội bộ của ngân hàng, chúng tôi là cổ đông góp vốn, chúng tôi không có nghĩa vụ phải biết”.
Vấn đề được LS đưa ra là xác định thiệt hại của PVN trong đại án Oceanbank. Theo người đại diện, xác định thiệt hại ở đây thuộc về cơ quan giám định, PVN không phải là cơ quan đưa ra phán xét.
Về trách nhiệm của người được PVN cử sang quản lý vốn góp tại Oceanbank, trả lời LS, người đại diện cho rằng, đã tách và điều tra trong giai đoạn hai vụ án Hà Văn Thắm.
Cũng trong diễn biến phiên xử đại án, quá trình thẩm vấn, HĐXX liên tục đưa ra câu hỏi với Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch Oceanbank và Nguyễn Minh Thu – cựu TGĐ (người thay thế vị trí của Nguyễn Xuân Sơn tại NH, sau khi bị cáo này trở lại công tác ở vị trí lãnh đạo PVN) là Oceanbank có chịu áp lực chi lãi ngoài hợp đồng từ PVN. Với Nguyễn Minh Thu HĐXX đặt câu hỏi có chịu sự điều hành, chỉ đạo nào từ PVN. Cựu TGĐ cho biết chỉ chịu sự điều hành từ HĐQT của NH. Hà Văn Thắm cũng trả lời không.
Oceanbank sau đó được NHNN mua lại với giá 0 đồng, đồng nghĩa với số tiền 800 tỷ của PVN tại Oceanbank cũng mất trắng.
Trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, HĐXX của tòa án Hà Nội đã đề nghị cơ quan điều tra phải làm rõ trách nhiệm của Nguyễn Xuân Sơn – cựu TGĐ Oceanbank và những người có trách nhiệm liên quan trong việc đầu tư, góp vốn, quản lý và sử dụng số tiền này để xử lý theo quy định của pháp luật./.
Đại án Oceanbank: Tiền chi ngoài hợp đồng cho đối tác đang ở đâu?