Đe dọa cướp chiếc áo thiếu nữ đang mặc, 25 năm trốn truy nã... tại nhà
VOV.VN -Phát hiện nhóm thanh niên đi lễ hội Đền Gióng, nhóm đối tượng xông vào cướp, đặc biệt còn cướp luôn chiếc áo măng tô mà thiếu nữ đang mặc.
Ngày 19/10, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Phạm Văn Nhật (53 tuổi) và Dương Văn Toản (50 tuổi) - cùng ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2015, hai bị cáo bị TAND Hà Nội tuyên phạt lần lượt 40 tháng tù và 36 tháng tù giam về tội Cướp tài sản. Đây là vụ án xảy ra hơn 25 năm.
Theo bản án sơ thẩm, vào mùng 6 Tết âm lịch năm 1988, trên đường đi lễ hội Đền Gióng (huyện Sóc Sơn) Nhật và Toản gặp nhóm của Vũ Bá Bừng (cùng xã). Họ rủ Nhật đi cướp tài sản của khách thập phương.
Hai bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. |
Khi đến chùa Non nước, họ phát hiện nhóm sinh viên gồm 4 người (2 nam, 2 nữ) đi vãn cảnh chùa.
Lúc Bừng vờ hỏi xin thuốc lá, những người khác trong nhóm nhảy ra dùng tay chân đánh 2 nam thanh niên.
Tranh thủ lúc hỗn loạn, Bừng xông vào lột chiếc áo bò, máy ảnh, áo nhung và 5.400 đồng của nhóm nam nữ thanh niên.
Thấy chị Đặng Thị Hoa đang mặc chiếc áo măng tô, một tên trong nhóm đe dọa rồi bắt thiếu nữ cởi áo đang mặc. Đám cướp chia nhau số tài sản cướp được.
Sau khi bị cướp tài sản, nạn nhân đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Năm 1990, TAND Hà Nội xét xử Vũ Bá Bừng 40 tháng tù, các đồng phạm khác lĩnh án 20-36 tháng tù và phải bồi thường thiệt hại 150.000 đồng. Nhật và Toản bỏ trốn đến tháng 12/2013 (tức 25 năm sau) bị bắt theo lệnh truy nã.
Tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay, bị cáo Toàn khai không trốn truy nã như phán quyết của bản án sơ thẩm.
Bị cáo Toàn cho biết, từ năm 1991 đến nay liên tục sinh sống ổn định ở địa phương, có đăng ký kết hôn và thực hiện các quyền công dân như: bầu cử, bỏ phiếu...
Bị cáo Toàn cho biết, bản thân không bị truy nã. Xem xét hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy, chỉ có quyết định truy nã không có lệnh truy nã. Đại diện VKS đề nghị hủy án.
Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, trong lời khai của các bị cáo còn nhiều mâu thuẫn, không thể hiện việc cơ quan điều tra ra quyết định truy nã đúng quy trình, không xác định được hành vi của các bị cáo còn hiệu lực pháp luật hay không. Do vậy, HĐXX quyết định hủy bản án sơ thẩm, đồng thời thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với hai bị cáo từ tạm giam sang tại ngoại./.