Gần 200 tháng tù cho 12 cán bộ, nhân viên “xâu xé” đất rừng

VOV.VN - Sau hơn 1 tuần xét xử sơ thẩm, vụ án liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã khép lại.

Gần 200 tháng tù giam là tổng hình phạt mà Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên đối với 12 đối tượng liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ sau hơn 1 tuần diễn ra phiên xét xử sơ thẩm và kết thúc vào chiều 14/11.

Người bị tuyên án nặng nhất là ông Nguyễn Đức (SN 1971, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ giai đoạn 2012-2017) với tổng hình phạt 84 tháng tù giam đối với hai tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. HĐXX nhận định, mặc dù phạm các tội từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng nhưng tại phiên tòa ông Đức đã thiếu thành khẩn, không thừa nhận tội lỗi. 

Ông Nguyễn Đức nhận mức án nặng nhất với 84 tháng tù giam.

Tiếp đó, HĐXX tuyên ông Đặng Văn Cườm (SN 1975, nguyên Kế toán trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ) mức án 39 tháng tù giam đối với 2 tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”. 

Với tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, các ông Mã Phi Bình (cán bộ địa chính xã Diên Phú) nhận mức án 18 tháng tù giam; Ngô Văn Bằng (SN 1966, Chủ tịch UBND xã Diên Phú giai đoạn 2007-2016) nhận mức án 15 tháng tù giam; Tưởng Tín (SN1960, Trưởng Ban quản lý rừng Bắc Biển Hồ giai đoạn 1996-2011) mức án 12 tháng tù giam; nhóm các đối tượng Trương Văn Hoàn, Phạm Thị Trầm, Lê Huy Phong thuộc Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Pleiku nhận các mức án lần lượt là 9 tháng, 8 tháng và 6 tháng tù giam.

Cùng phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng được tuyên án cải tạo không giam giữ gồm nhóm đối tượng: Nguyễn Tiến Dũng, Ngô Xuân Hiền, Phạm Thị Bích Thủy và Nguyễn Thành Tiên, thuộc Phòng TN-MT và Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Pleiku, với tổng hình phạt 30 tháng.

HĐXX cũng đã tuyên 12 đối tượng phải nộp tổng số tiền hơn 800 triệu đồng đã làm thiệt hại trong quá trình phạm tội.

Đối với diện tích gần 17.000m2 do UBND thành phố Pleiku cấp trái luật trên đất rừng cho ông Nguyễn Đức, HĐXX tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao diện tích này lại cho Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý theo luật định.

Vụ án gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lấn chiếm, tham nhũng tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp bởi chính những người thực thi pháp luật về bảo vệ rừng.

Trường hợp bà Mai Thị Ngọc Thỏa (cựu nhân viên Ban QLRPH Bắc Biển Hồ) đã lấn chiếm hơn 30.000m2 đất rừng, đã được UBND thành phố Pleiku cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã bán cho nhiều người, HĐXX xác định bà Thỏa đã thu lợi bất chính 750 triệu đồng. Qua đó, HĐXX tuyên bà Thỏa phải trả lại số tiền này để nộp vào ngân sách.

Tuy vậy, HĐXX không bày tỏ quan điểm về hành vi của bà Thỏa có phạm tội hay không và cũng không nhắc đến diện tích hơn 30.000m2 đất rừng bà này đã lấn chiếm phải được xử lý như thế nào.

Trước đó, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai, quá trình điều tra xác định bà Thỏa đã có hành vi chiếm đất lâm nghiệp trái phép, có dấu hiệu của Tội vi phạm các quy định về đất đai, quy định tại Điều 228 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, cáo trạng dẫn quy định của Điều 228, nếu chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép thì không đủ căn cứ để xử lý hình sự. Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai không đề cập xử lý hình sự đối với bà Thỏa. Hiện nay thời hiệu xử lý hành chính đối với bà Thoả về hành vi chiếm đất lâm nghiệp trái phép đã hết, cho nên cũng không thể đề nghị xử lý hành chính bà Thỏa.

Như vậy, sau hơn 1 tuần xét xử sơ thẩm, vụ án liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã khép lại. Cùng với việc bước đầu làm rõ được những hành vi phạm tội của các đối tương, phiên tòa cũng đã chỉ ra được cách thức đất rừng bị “hô biến” thành đất của cán bộ bảo vệ rừng, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lấn chiếm, tham nhũng tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp bởi chính những người thực thi pháp luật về bảo vệ rừng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

11 đối tượng được thuê chặt phá rừng với giá 10 triệu đồng
11 đối tượng được thuê chặt phá rừng với giá 10 triệu đồng

VOV.VN - 11 đối tượng khai nhận, được Đào Văn Thanh (37 tuổi) thuê phát dọn thực bì, cưa cây rừng với giá 10 triệu đồng.

11 đối tượng được thuê chặt phá rừng với giá 10 triệu đồng

11 đối tượng được thuê chặt phá rừng với giá 10 triệu đồng

VOV.VN - 11 đối tượng khai nhận, được Đào Văn Thanh (37 tuổi) thuê phát dọn thực bì, cưa cây rừng với giá 10 triệu đồng.

Còn nhiều điểm chưa rõ trong xử lý vụ phá rừng ở Tủa Chùa
Còn nhiều điểm chưa rõ trong xử lý vụ phá rừng ở Tủa Chùa

VOV.VN - Sự việc dù đã được các cơ quan chức năng giải quyết, nhưng chưa thỏa đáng, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Còn nhiều điểm chưa rõ trong xử lý vụ phá rừng ở Tủa Chùa

Còn nhiều điểm chưa rõ trong xử lý vụ phá rừng ở Tủa Chùa

VOV.VN - Sự việc dù đã được các cơ quan chức năng giải quyết, nhưng chưa thỏa đáng, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Lâm Đồng mật phục bắt đối tượng phá rừng, chiếm đất
Lâm Đồng mật phục bắt đối tượng phá rừng, chiếm đất

VOV.VN - Tại cơ quan chức năng, bà Vũ Thị Phước đã thừa nhận hành vi thuê người phá rừng lấn đất để sản xuất.

Lâm Đồng mật phục bắt đối tượng phá rừng, chiếm đất

Lâm Đồng mật phục bắt đối tượng phá rừng, chiếm đất

VOV.VN - Tại cơ quan chức năng, bà Vũ Thị Phước đã thừa nhận hành vi thuê người phá rừng lấn đất để sản xuất.