Hành trình thoát khỏi tay bọn buôn người của 4 cô gái
Bốn cô gái nhẹ dạ nghe lời bạn trai quen qua mạng xã hội và cuối cùng lọt vào tay bọn buôn người.
4 cô gái tại huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) vừa được giải cứu trở về đoàn tụ với gia đình sau khi bị nhóm bạn mới quen qua mạng xã hội lừa bán sang Trung Quốc cách đây vài hôm.
Ngày 2/11, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã bàn giao 4 cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc về với gia đình gồm: Bàn Thị T (15 tuổi), Nguyễn Thị D (23 tuổi), Bàn Thị U (17 tuổi) và Bàn Thị L (13 tuổi)
4 cô gái giá 200 triệu đồng
Chưa hết bàng hoàng, Nguyễn Thị D tường trình lại sự việc: Khoảng 15h30 ngày 24/10, D được T rủ đi chơi với hai người bạn trai mới quen qua mạng xã hội.
4 cô gái tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (tỉnh Lào Cai). |
Chính D còn hướng dẫn đường vào bản cho hai người bạn trai mới quen nhưng cũng không biết rõ tên họ của những người này.
Một trong số đó tên Dương và gã còn là Vũ hay Vi gì đó. Sau khi 4 cô gái gặp 2 người bạn trai mới, cả 6 đã lên hai xe máy tới chợ Bảo Hà (huyện Bảo Yên) chơi.
Qua vài vòng chợ, trời đã sang chiều, L liền rủ mọi người đi về. Lúc này, một trong hai gã bạn trai đưa ra đề nghị, lên nhà bạn ở phố Lu chơi, có nhiều thứ rất hay.
Sau một hồi bàn tính, 4 cô gái đồng ý lên đó thử xem sao. Sáu người tiếp tục lên 2 chiếc xe máy của hai gã bạn mới đi theo những cung đường ngoằn nghoèo trên triền núi mà không hề biết gì về ý đồ đen tối của bọn họ.
Khi trời nhá nhem, hai gã bạn rẽ vào cây xăng bên đường để tiếp nhiên liệu rồi đi tiếp.
Khoảng 20h, cả 6 người đến khu vực Cốc Lếu rồi ghé vào một quán ăn bên đường.
Một trong hai gã đã rút điện thoại gọi thêm hai người bạn khác đến cùng ăn và giới thiệu với mọi người đây là Phúc và Đức.
Ăn tối xong, Đức nói, “giờ khuya rồi mọi người lên nhà anh ngủ”. 4 cô gái nhất loạt từ chối và nói: “Bọn em không vào nhà bây giờ, bọn em muốn về nhà”.
Đức khẽ gật đầu song vẫn cùng những gã bạn ra lấy xe máy và tiếp tục thực hiện ý đồ xấu.
Trong khi đó, cả 4 cô gái vẫn hồn nhiên, không mảy may biết gì về kế hoạch buôn người của chúng.
Bốn cô gái sau đó được cho lên 3 xe máy của những người bạn lạ rồi lao vút đi trong đêm tối.
Tới đoạn đường vắng, một người bạn của Đức nói với 4 cô gái: “Khuya quá rồi, bây giờ anh đưa bọn em vào nhà chị gái ngủ”.
Không còn lựa chọn nào khác, 4 cô gái đành thuận theo ý định của những người bạn này vì bản thân họ cũng không biết mình hiện đang ở khu vực nào.
Theo Bàn Thị L, vừa đi được một đoạn đường thì Đức bảo với mọi người là xe bị thủng săm. Dứt lời, Đức rút điện thoại gọi cho hai người khác, không rõ tên họ, đến.
Sau đó, Dương nói mọi người lên xe đi tiếp. Khi tới một ngôi nhà 3 tầng, lúc này cả 4 cô gái đã không thấy bóng dáng của Dương và Vũ - những người bạn mới quen qua mạng xã hội rủ đi chơi từ hồi chiều.
Cả 4 bị đẩy vào một căn phòng tầng 1 và khoá cửa. Một người gác cửa cho 4 cô gái biết: “Hai thằng người Việt Nam bán chúng mày cho tao với giá 200 triệu đồng. Bây giờ nếu muốn về Việt Nam thì mỗi đứa phải cho tao 50 triệu đồng thì tao mới cho chúng mày về. Nếu không có thì phải ở lại đây làm vợ cho người Trung Quốc”.
Lúc này, 4 cô gái hiểu rằng mình đã bị lừa bán vào nhà chứa và bị đưa sang đất Trung Quốc.
Chưa dừng lại, bọn buôn người tiếp tục đưa 4 cô gái đến một ngôi nhà khác - theo nhẩm tính của những cô gái trẻ - có quãng đường phải tới cả vài chục kilomet.
Bàn Thị T - người đưa ý định bỏ trốn - tường trình, khi bị nhốt trong nhà này, nhân lúc bọn buôn người sơ hở, cả nhóm chốt cửa chính rồi âm thầm phá cửa sổ rồi lần lượt leo theo ống nước xuống mái căn nhà cấp 4 bên dưới.
Bốn cô gái dùng chân đạp vỡ mái ngói fibrô-ximăng của căn nhà này để vào bên trong.
Rất may, khi phát hiện có người vào nhà, chủ ngôi nhà cấp 4 người Trung Quốc này đã không hô hoán mà lại ra tay cứu giúp.
“Người đàn ông không hiểu được tiếng Việt nhưng cho chúng tôi lẩn trốn trong nhà vệ sinh”, T tường trình.
Khi màn đêm buông xuống, chủ nhà đã thuê xe chở cả 4 cô ra gần biên giới. Chủ nhà người Trung Quốc đã ra hiệu cho 4 cô gái phải giữ im lặng và không phản kháng khi ra xe.
Các cô gái quen qua mạng xã hội là mồi ngon cho bọn buôn người
Thiếu tá Hà Trọng Hiền - Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Lào Cai, người trực tiếp điều tra vụ việc - cho biết, sau khi nhận được đơn trình báo của gia đình các nạn nhân về việc 4 cô gái trên bị lừa bán sang Trung Quốc, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã tổ chức lực lượng tiến hành giải cứu. Ngày 30/10, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã phối hợp với lực lượng công an, biên phòng Trung Quốc giải cứu thành công 4 nạn nhân trên. Đến ngày 1/11, các nạn nhân đã được đưa về Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tỉnh Lào Cai để chăm sóc và hỗ trợ về tâm lý.
Nói về vụ việc giải cứu 4 cô gái, thiếu tá Hiền cũng khái quát hành vi phạm tội các đối tượng là thành lập các đường dây, ổ nhóm, cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nước ngoài với các đối tượng ở địa bàn khu vực biên giới và các đối tượng từ các tỉnh nội địa, sử dụng công nghệ thông tin (chat qua mạng điện thoại) để làm quen, dụ dỗ, lừa gạt bằng thủ đoạn yêu đương, đưa đi thăm gia đình, đưa đi chơi, sau đó cùng đồng bọn đưa nạn nhân vào khu vực hẻo lánh; ép buộc sang Trung Quốc bán cho các chủ chứa mại dâm để khai thác, bóc lột tình dục; tổ chức đường dây cho thuê gái vào nội địa Trung Quốc bán dâm thu lợi.
Một số trường hợp công dân Trung Quốc trực tiếp làm quen phụ nữ Việt Nam, chủ yếu là người dân tộc Mông, Dao, Dáy lừa gạt, dụ dỗ, lôi kéo sang Trung Quốc bán làm vợ đàn ông khác.
“Đáng lưu ý, vụ lừa bán 4 cô gái vừa qua là hoạt động nhằm vào nhóm đối tượng thanh niên là người dân tộc thiểu số, lợi dụng quan hệ dân tộc, thân tộc và sự nhẹ dạ cả tin của phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên là người cùng dân tộc, chúng đã dụ dỗ, lừa gạt, cùng đồng bọn đưa nạn nhân vào khu vực biên giới hẻo lánh, bắt trẻ em đưa sang Trung Quốc bán”, thiếu tá Hiền nói.
Về thủ đoạn, theo thông tin tổng hợp đấu tranh khai thác của Bộ Chỉ huy biên phòng Lào Cai, các đối tượng mua bán người thường cấu kết chặt chẽ với nhau, giữa người mua và người bán, người môi giới dẫn dắt.
Các đối tượng chủ động làm quen, tìm cách dụ dỗ, lừa gạt, hẹn giúp đỡ đưa đi tìm việc làm có nhập cao hoặc chúng lợi dụng phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số như phong tục kéo vợ của người Mông để giả vờ yêu đương hứa hẹn kết hôn, dụ nạn nhân đi thăm nhà và lừa đưa qua biên giới bán.
Đặc biệt, để tránh sự phát hiện, truy bắt của cơ quan công an, bộ đội biên phòng, bọn tội phạm cũng có sự thay đổi về thủ đoạn, như môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành xuất nhập cảnh qua cửa khẩu hoặc hướng dẫn để nạn nhân tự vượt biên trái phép, đưa nạn nhân đi sâu vào nội địa Trung Quốc.
Các đối tượng sử dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, thỏa thuận mua bán, vận chuyển, giao nhận nạn nhân.
Nạn nhân thường tập trung ở các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Thắng, Sa Pa, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em trong độ tuổi từ 15 - 30 ở vùng sâu vùng xa, trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội, pháp luật còn hạn chế, thiếu việc làm, khó khăn về kinh tế.
Một số nạn nhân là học sinh, sinh viên tại các trường phổ thông cơ sở và trung học chuyên nghiệp. Cá biệt có những trường hợp nạn nhân là trẻ em chỉ mới 12-13 tuổi. “Có những trường hợp bị bắt cóc đưa đi từ năm 12 tuổi, khoảng 7 năm sau khi trở về thì không còn nói được tiếng Việt nữa”, ông Hiền cho hay.
Ngoài ra, ông Hiền cho biết, đối diện với tỉnh Lào Cai là huyện Kim Bình và Hà Khẩu - hai khu vực mới phát triển năng động của Trung Quốc. Với điều kiện thuận lợi về giao thông, thông tin liên lạc, du lịch nên lưu lượng người đến Lào Cai làm ăn, hoạt động thương mại, tham quan du lịch mỗi ngày một tăng.
“Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động. Lào Cai được xác định là địa bàn trọng điểm, trung chuyển nạn nhân của tội phạm mua bán người”, thiếu tá Hiền nói./.