Làm gì để bảo vệ trẻ em trước ma trận video nhảm nhí trên mạng?

VOV.VN - Mặc dù pháp luật đã có những biện pháp răn đe, xử lý các trang mạng xã hội, Youtube cũng có chính sách kiểm duyệt nội dung nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều video có nội dung phản cảm, ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.

Hiện nay, việc giải trí trên kênh Youtube nói riêng, mạng xã hội nói chung trở nên khá phổ biến và không thể thiếu của rất nhiều người, nhất là giới trẻ. Nhu cầu xem, tạo video ở Việt Nam vì thế cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. 

Thống kê của Youtube cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 350 kênh trên một triệu lượt đăng ký. Những kênh này đem về thu nhập từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng cho những người chủ sở hữu nó. Kênh càng nhiều người đăng ký, có số lượng xem lớn thì càng cho thu nhập cao. 

Tuy nhiên, bên cạnh các kênh Youtube với nội dung hữu ích, có tính chất giáo dục thì cũng có rất nhiều kênh bị đánh giá là nhảm nhí, dung tục, đăng tải những video giật gân, chỉ với mục đích “câu view”,  gây ảnh hưởng xấu đối với người xem, nhất là trẻ em.

Cụ thể, trên YouTube hiện có hàng trăm tài khoản chuyên thực hiện những video có nội dung “troll” (chơi khăm) hoặc các video thoá mạ, chửi thề, đe doạ, xuyên tạc… theo xu hướng bạo lực. Các video này có tới hàng triệu lượt xem, đối tượng quan tâm nhiều nhất là người trẻ và trẻ em. 

Có thể kể đến những Youtube hay Vlog nổi đình đám, với lượt view khủng và nổi tiếng trong cộng đồng mạng trong thời gian qua như: Bà Tân Vlog, Hưng Vlog, Lâm Vlog, NTN Vlog… Đi cùng với sự nổi tiếng là nguồn thu nhập khủng của các chủ kênh Vlog hay Youtube. Một trong những tiêu chí để kiếm thu nhập từ Youtube là lượt xem càng lớn thì tiền kiếm được càng nhiều, cứ 1.000 lượt xem sẽ nhận được 0,3-0,7 USD. Chính vì thu nhập cao như vậy nên các chủ kênh Youtube, Vlog sẵn sàng “sáng tạo” để các video của mình có nội dung “sốc”, giật gân, độc, lạ nhằm “hút” người xem. 

Cá biệt, mới đây, chủ nhân kênh Hưng Vlog đã đăng tải các video không phù hợp với thuần phong mỹ tục khi đăng tải 2 video là "nấu cháo gà nguyên lông" và “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết”…

Một kênh khác là kênh NTN Vlog, từng dính nhiều ồn ào với các video như: "Thử thách 3 ngày ở nghĩa địa", "làm ngôi nhà với 5.000 ống hút nhựa", "thả 100 con dao từ trên xuống"… 

Các kênh Vlog này đều đã bị cơ quan chức năng “sờ gáy” và xử phạt thỏa đáng do đăng tải những video không đúng với quy định của pháp luật Việt Nam (kênh của Hưng Vlog đã bị Youtube xóa vĩnh viễn). 

Trước đó, năm 2019, kênh Youtube Khá "Bảnh" hay Dương Minh Tuyền với hàng triệu lượt đăng ký cũng bị xử phạt, sau đó cũng bị Youtube xóa bỏ kênh vì có "hành vi tiêu cực, làm tổn hại đến danh tiếng chung của cộng đồng nhà sáng tạo"…

Loạt video với những nội dung nhảm nhí, ít có tính giáo dục đã khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo ngại có thể ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của con em mình, khó kiểm soát.

Chị Hoàng Thu Nga (ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy) chia sẻ, thời gian gần đây, chị cảm thấy rất lo lắng khi mà con trai mình (học lớp 6) cứ “cắm đầu” vào TV youtube hoặc Ipad để xem video của các chủ kênh Youtube, Vlog đang “nổi” hiện nay. Đáng nói, con trai chị có thể thuộc làu các câu nói xuyên tạc, thiếu tính giáo dục trong các video đó chỉ qua 1,2 lần xem. Sau đó, cháu áp dụng ngay khi nói chuyện với bạn bè hay khi giao tiếp với người lớn…

Chị Nga băn khoăn, với sự bùng nổ của thế giới giải trí mạng hiện nay, cái xấu nhiều hơn cái tốt, liệu cơ quan chức năng có cách nào để quản lý được nội dung các kênh Youtube này, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của các em nhỏ?

Thời gian qua, mặc dù pháp luật đã có những quy định, biện pháp răn đe, xử lý các trang mạng xã hội, Youtube cũng có chính sách kiểm duyệt nội dung nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều video có nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong, mỹ tục, lọt lưới kiểm duyệt và thu lợi. 

Theo các luật sư, những kênh Youtube đăng tải nội dung phản cảm, đi ngược với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội có thể bị xử phạt theo Luật hình sự, Luật xử phạt vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Tuy nhiên, việc xử phạt sẽ không dễ dàng bởi pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng thế nào việc nào là một video có nội dung nhảm, độc hại.

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, những thông tin trên mạng xã hội có tác động rất mạnh tới giới trẻ - thế hệ được tiếp cận nhiều nhất và thường xuyên nhất với những kênh thông tin này. Nhiều nội dung được chia sẻ trên Youtube thường có tác động lớn đến người xem, trong đó phần lớn là trẻ em – đối tượng chưa hoàn thiện về mặt nhân cách, trí tuệ sẽ dễ dàng học theo, bắt chước những hành vi xem được trên Youtube. 

Ông Cường dẫn chứng, vụ việc cháu bé xem hướng dẫn trên YouTube rồi thực hiện hành vi tự tử là một câu chuyện hết sức đau lòng, đây là hệ lụy xấu của các đối tượng vì câu view, muốn tăng lượt theo dõi, tương tác trên mạng xã hội mà đã thực hiện các hành vi trái pháp luật. Ngoài ra còn có các video dạy cách chế tạo súng, dạy cách chế tạo ma túy tổng hợp, hướng dẫn cách tự tử... 

Đối với những hành vi này, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý hình sự về tội đưa truyền dữ liệu trái phép trên mạng internet. Tuy nhiên, trước khi xử lý được đối tượng vi phạm thì hậu quả đau lòng đối với trẻ em đã xảy ra. Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan chức năng là cần rà soát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời, các gia đình có trẻ em cũng cần có trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em có thể tự bảo vệ mình trên mạng xã hội.

“Các gia đình có trẻ em thì nên quản lý những trang mạng xã hội chặt chẽ, ẩn hoặc chặn những kênh có nội dung tiêu cực, tránh việc các em xem và bị ảnh hưởng bởi những nội dung đó. Khi phát hiện những nội dung, thông tin trên mạng xã hội có thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục, trái đạo đức xã hội hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì người dùng nên báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần có sự vào cuộc gắt gao và mạnh mẽ hơn nữa để có thể xử lý kịp thời những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật, giúp cho mạng xã hội, mạng internet trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng xã hội”, luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khó xử lý video nhảm trên mạng xã hội
Khó xử lý video nhảm trên mạng xã hội

VOV.VN - Những clip nhảm nhí trên mạng đang thu hút hàng triệu người theo dõi, có thể sẽ có những tác động không nhỏ tới nhận thức, lối sống, đặc biệt là đối tượng trẻ em.

Khó xử lý video nhảm trên mạng xã hội

Khó xử lý video nhảm trên mạng xã hội

VOV.VN - Những clip nhảm nhí trên mạng đang thu hút hàng triệu người theo dõi, có thể sẽ có những tác động không nhỏ tới nhận thức, lối sống, đặc biệt là đối tượng trẻ em.

Xử lý video nhảm nhí, độc hại: Quyền trong tay người sử dụng mạng
Xử lý video nhảm nhí, độc hại: Quyền trong tay người sử dụng mạng

VOV.VN - Khi nhà cung cấp dịch vụ nhận được nhiều báo cáo về cùng một nội dung xấu, chủ kênh có thể bị giảm mức độ tương tác hoặc thậm chí bị loại bỏ ra khỏi hệ thống.

Xử lý video nhảm nhí, độc hại: Quyền trong tay người sử dụng mạng

Xử lý video nhảm nhí, độc hại: Quyền trong tay người sử dụng mạng

VOV.VN - Khi nhà cung cấp dịch vụ nhận được nhiều báo cáo về cùng một nội dung xấu, chủ kênh có thể bị giảm mức độ tương tác hoặc thậm chí bị loại bỏ ra khỏi hệ thống.

Video nhảm, xấu, độc...như một thứ dịch tai hại khó kiểm soát
Video nhảm, xấu, độc...như một thứ dịch tai hại khó kiểm soát

VOV.VN - Những nội dung nhảm, xấu và độc xuất hiện trên mạng xã hội như một loại dịch bệnh, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dễ lây lan, bùng phát.

Video nhảm, xấu, độc...như một thứ dịch tai hại khó kiểm soát

Video nhảm, xấu, độc...như một thứ dịch tai hại khó kiểm soát

VOV.VN - Những nội dung nhảm, xấu và độc xuất hiện trên mạng xã hội như một loại dịch bệnh, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dễ lây lan, bùng phát.