Luật sư vụ chạy thận: BV Hòa Bình chạy thận không phép suốt 6 năm?
VOV.VN - Luật sư bào chữa cho bị cáo Quốc cho rằng để xảy ra sự cố làm 9 người tử vong, trách nhiệm chính thuộc về nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Chiều 23/5, phiên tòa xét xử vụ án chạy thận làm 9 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bước vào phần tranh tụng.
Ông Trương Quý Dương phải có phần trách nhiệm
Tại phiên tòa chiều 23/5, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (nguyên Giám đốc Công ty Trâm Anh) gửi lời xin lỗi đến gia đình các bệnh nhân trong vụ án chạy thận nhân tạo và cám ơn đại diện người nhà bị hại đã xin giảm hình phạt cho mình.
Ba bị cáo trong vụ án. |
Sau đó, Quốc xin nhường phần bào chữa cho vị luật sư của mình là ông Nguyễn Tiến Dũng.
Tại phiên tòa, ông Dũng đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của Thiên Sơn trong vụ án bởi công ty trên mới là đơn vị ký hợp đồng trực tiếp với bệnh viện. Hơn nữa, thời điểm xảy ra sự cố tháng 5/2017, không có hợp đồng ký giữa 2 Công ty Trâm Anh và Thiên Sơn.
Theo luật sư Dũng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã không ban hành quy trình bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành hệ thống vì trước khi xảy ra sự cố Quốc đã nhiều lần đều dùng các hóa chất như hôm 29/5/2017 để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình mà không bị ai nói gì.
Do vậy, vị luật sư cho rằng bệnh viện phải chịu trách nhiệm phần lớn và ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) phải chịu trách nhiệm chính.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng phải có trách nhiệm, vì sau khi sự cố xảy ra, Bộ Y tế mới ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan. Trước khi xảy ra sự việc trên, Bộ Y tế, chưa ban hành quy định về quy trình, kỹ thuật chạy thận nhân tạo.
VKS: Chưa đủ căn cứ xác định trách nhiệm cá nhân liên quan
Đối đáp với luật sư Dũng, đại diện VKS cho rằng công ty Thiên Sơn và Trâm Anh đều khẳng định có thỏa thuận hợp đồng với nhau. Đây là hợp đồng dân sự nên vẫn có hiệu lực và trách nhiệm thuộc về Công ty Thiên Sơn.
Đại diện VKS tại phiên tòa xét xử vụ chạy thận. |
VKS cũng cho rằng, chưa đủ căn cứ để xác định trách nhiệm của đơn vị, cá nhân liên quan như luật sư nêu.
Về trách nhiệm của Bộ Y tế, VKS thấy có những sơ hở trong công tác quản lý của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Bộ Y tế. Cụ thể ở đây là công tác xã hội hóa về chạy thận chưa được kiểm tra. Do đó, cơ quan chức năng chưa có quy định cụ thể về điều kiện chủ thể được phép sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế vật tư tiệt trùng nước đối với RO dùng cho chạy thận.
Luật sư: Bệnh viện Hòa Bình chạy thận không phép suốt 6 năm?
Tại phiên tòa sáng 23/5, ông Đỗ Đình Vận (Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết, năm 2010 bệnh viện có quyết định thành lập đơn nguyên thận nhân tạo và đi vào hoạt động. Việc thành lập phải được Sở Y tế đồng ý. Hằng năm, lãnh đạo bệnh viện cũng đăng ký các danh mục kỹ thuật mới để Sở Y tế bổ sung.
Khi được hỏi về giấy phép hoạt động, ông Vận nói không nắm rõ và xin ủy quyền cho cho luật sư Nguyễn Danh Huế (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của BVĐK tỉnh Hòa Bình).
Ông Huế cho biết, năm 2016 Bệnh viện đa khoa Hoà Bình được Sở Y tế phê duyệt một số danh mục vận hành bổ sung liên quan đến lọc máu. Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của Sở Y tế cấp cho bệnh viện trước đó bị thiếu phần lọc máu liên quan đến chạy thận nhân tạo.
Luật sư Trần Thị Hồng Phúc hỏi: "Năm 2016 mới thay đổi giấy phép thì trong 6 năm bệnh viện hoạt động lọc máu dưới sự chỉ đạo của ai hay có cấp giấy phép nào không?".
Ông Huế đáp: Tất cả hoạt động của đơn nguyên thận nhân tạo đều do nguyên giám đốc Trương Quý Dương chỉ đạo trực tiếp.
Khi thấy giấy phép chưa hoàn thiện, năm 2014 bệnh viện mới làm công văn xin Sở Y tế Hoà Bình cấp thêm. Hai năm sau, bệnh viện được phê duyệt bổ sung thêm danh mục kỹ thuật về lọc máu.
Sáng 23/5, đại diện VKSND TP Hòa Bình đề nghị Hoàng Công Lương (bác sĩ khoa Hồi sức) mức án 30 - 36 tháng tù treo về tội Thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, Trần Văn Sơn 4 - 5 năm tù cùng tội danh. Bùi Mạnh Quốc (nguyên Giám đốc Công ty Trâm Anh) 5-6 năm tù tội Vô ý làm chết người./.