Luật sư xinh đẹp tạo ra bước ngoặt trong án oan Huỳnh Văn Nén
Nhưng có những người dưng, luật sư, nhà báo đánh cược sinh mạng chính trị, nghề nghiệp đeo đuổi 2 vụ án oan của ông Nén.
Người truyền lửa
Đầu tiên phải kể đến là ông Nguyễn Thận, 15 năm trời kêu oan cho học trò Huỳnh Văn Nén.
Giai đoạn xảy ra “kỳ án vườn điều”, năm 1993 ông Thận là trưởng công an xã; vụ án “bà Bông” xảy ra năm 1998, ông là Chủ tịch xã... và là người có mặt tại hiện trường cả 2 vụ án tại thời điểm ban đầu.
Năm 1998, khi cơ quan tố tụng bắt ông Nén và 9 người khác trong gia đình bên vợ, quy kết họ là hung thủ vụ án thì ông Thận đã thấy quá trình điều tra...có vấn đề.
Nữ luật sư Kim Anh. Ảnh tư liệu |
Khi có đơn tố cáo 2 hung thủ thật sự vụ án “bà Bông” do Nguyễn Phúc Thành gửi ra từ trại giam, niềm tin ông Nén và gần chục bị can bị hàm oan trong ông Thận càng được củng cố. Từ đó, ông khởi động hành trình kêu oan cho 10 con người trong 2 vụ án.
“Lúc đó tôi vì cái tâm, không thể làm ngơ khi cả chục sinh mạng con người dính vòng lao lý và hàng chục người trong gia đình họ điêu đứng. Giờ kể lại không nhớ hết bao nhiêu là cực khổ, tủi nhục” - ông Thận tâm sự.
Ông Thận kể về cách mà ông truyền lửa cho luật sư, nhà báo cùng đồng hành với ông trong hành trình đó. Ông cũng hiểu, các luật sư, nhà báo...cuốn theo dòng chảy nghề nghiệp, đôi lúc không còn “máu” với 2 vụ án của ông Nén, như lúc ban đầu. Những khi đó ông là người đi tìm nguồn tài liệu mới, chứng cứ, thông tin mới để tạo ra sự kiện, giúp những người đó lấy lại...lửa.
Rồi nhiều bận ông ra Hà Nội, tìm đến các cơ quan tố tụng, cán bộ cấp cao để...gõ cửa kêu oan cho ông Nén và 9 người vụ “kỳ án vườn điều”. Hễ đi là ông sát cánh cùng cụ Huỳnh Truyện (cha ruột ông Nén), nhưng lão nông quê mùa này, chỉ biết kêu oan cho con chứ nào am tường pháp luật, mọi chuyện đều nhờ cậy vào thầy Thận.
“Tôi biết rằng dính vào 2 vụ án này, tôi có thể đánh cược với sinh mạng chính trị của mình, thậm chí dính vào vòng lao lý. Nhưng tôi chấp nhận tất cả”, ông Nguyễn Thận khẳng định.
7 nhà báo ký đơn kêu oan cho ông Nén
Một người tham gia vào 2 vụ án oan phải kể đến là nữ luật sư Phạm Thị Kim Anh - con gái của một cố lãnh đạo cấp cao Nhà nước. Thông qua nhà báo Vũ Đức Sao Biển (nhạc sĩ, PV báo Pháp luật TP.HCM lúc đó), ông Nguyễn Thận tìm đến luật sư Kim Anh. Chính nữ luật sư này là người tạo ra những bước ngoặt của án oan Huỳnh Văn Nén.
Tại phiên tòa phúc thẩm lần 1 vụ “kỳ án vườn điều” tháng 6/2001, luật sư Kim Anh bằng lập luận, gợi ý, buộc ông Nén nhớ lại, khi xảy ra vụ án “bà Bông” ông đang làm thuê cho gia đình ông Chín Chè.
Phiên tòa buộc phải hoãn để xác minh nguồn thông tin mới này. Khi phiên phúc thẩm mở lại đầu tháng 4/2002, nữ luật sư Kim Anh với lập luận sắc bén khiến nhiều người dự khán trầm trồ, vỗ tay; từ đó HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, giao Bộ Công an điều tra lại.
Vì lý do đặc biệt, luật sư Kim Anh không còn đeo đuổi theo vụ án. Những kết quả bước đầu của bà được đồng nghiệp như: luật sư Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải, Bùi Đức Trường (đoàn luật sư Hà Nội) và các luật sư khác tiếp nối.
Những ngày vui khi ông Nén được giải oan, xin lỗi công khai mới đây, tìm về Tân Minh, chúng tôi còn nghe nhiều người nhắc đến nữ luật sư Kim Anh. Quả là đáng tiếc khi ngày vui của ông Nén, không có nữ luật sư này góp mặt...
Cả bà Kim Anh và những luật sư khác khi vào cuộc vụ án này đều hoàn toàn miễn phí. Thậm chí những khoản di chuyển từ Hà Nội hay từ TP.HCM xuống Tân Minh đều do họ tự túc; cũng dễ hiểu, khi họ “chiến đấu” vì công lý, vì cái tâm...
Ngoài ra, phải kể đến là những nhà báo cống hiến. Người phát pháo đầu tiên trên báo chí là ông Trần Mỹ (lúc đó là phóng viên báo Văn Nghệ Trẻ, hiện nghỉ hưu nhưng vẫn hoạt động báo chí). Ông Mỹ là dân Tân Minh, biết về 2 vụ án và ngay từ đầu. Ông đã đăng những bài viết khẳng định Huỳnh Văn Nén và gia đình bên vợ đều bị oan sai qua 2 vụ án.
Ít ai biết, cũng từ năm 2002 có 7 nhà báo “cả gan” ký vào lá đơn kêu oan cho ông Nén nói riêng và đại gia đình ông Nén nói chung, gửi đến lãnh đạo cấp cao của Nhà nước.
7 nhà báo lúc đó gồm: Trần Mỹ (báo Văn Nghệ Trẻ), Nguyễn Chính (báo Đại Đoàn Kết), Vũ Đức Sao Biển (báo Pháp Luật TP.HCM), Mạc Hồng Kỳ (báo Thanh Niên), Nguyễn Đình Quân (báo Tiền Phong), Cao Thuyên (báo Nông Thôn Ngày Nay) và Lê Thanh Phong (báo Lao Động)....
Đa số hiện đã nghỉ hưu, chỉ còn những người như: Nguyễn Đình Quân, Mạc Hồng Kỳ, Lê Thanh Phong... hoạt động báo chí.
Thậm chí sau lá đơn đó, có những lời đe dọa gửi đến các nhà báo. Còn các nhà báo khác, tuy không trực tiếp ký vào lá đơn đó nhưng 15 năm nay, sát cánh bảo vệ công lý bởi hàng trăm bài báo đầy nhiệt huyết.
Không chỉ đấu tranh qua những bài báo, các nhà báo còn đi tìm chứng cứ, phản bác lại cơ quan tố tụng.
Điển hình, trong phiên phúc thẩm lần đầu “kỳ án vườn Điều” tháng 6/2001, ông Nén khai thời điểm vụ án “bà Bông” ông đang làm thuê tại nhà ông Chín Chè. Khi phiên tòa bị hoãn, ngay sáng hôm sau, nhóm 5 nhà báo tìm đến nhà ông Chín Chè tại xã Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai để tìm đến xác minh vì họ sợ sẽ có người tìm đến tác động nhân chứng này.
Hay như trường hợp nhân chứng Trần Thị Phi Yến khai viết đơn giùm nạn nhân Mỹ, hẹn hò ông Trần Văn Sáng trong “kỳ án vườn điều”, xuất hiện tại phiên tòa tháng 3/2005. Chỉ sau khi các nhà báo về trường học, tìm lại ngày tháng năm sinh của con bà Yến, cung cấp cho luật sư trưng ra trước tòa, từ đó xác định nhân chứng là sự ngụy tạo vụng về của cơ quan tố tụng./.