Những mắt xích giúp đường dây đánh bạc nghìn tỷ vận hành suôn sẻ
VOV.VN - Nếu không có sự xuất hiện của những đối tượng này, dễ gì các "ông trùm" có thể vận hành đường dây đánh bạc khủng như vậy qua mắt được cơ quan chức năng.
Theo cáo buộc, tác nhân xui khiến Phan Sào Nam phát triển kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trên mạng bằng hình thức game bài đó là Hoàng Thành Trung (SN 1978, ở Hoàng Mai, Hà Nội). Thời điểm cuối năm 2014, Trung đã tìm gặp Nam gợi ý việc hợp tác. Trung có phần mềm và đội ngũ kỹ thuật giỏi, có thể triển khai phát triển, kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet, nhưng cần đối tác phát hành.(Ảnh: Phú Đỗ) |
Sau cuộc gặp với Trung, đầu năm 2015, biết được CNC là công ty bình phong của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nên Phan Sào Nam gặp Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch HĐTV công ty CNC) đề nghị hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài. Từ đây, mối quan hệ làm ăn bắt đầu và các "mắt xích" trong đường dây cũng dần lộ diện. (Ảnh: TTXVN) |
Được Dương đồng ý hợp tác, hai bên bắt tay vào triển khai dự án game. Lúc này, Hoàng Thành Trung trực tiếp tuyển dụng và tiếp nhận 80 người vào làm việc tại văn phòng Hà Nội, để tham gia phục vụ và vận hành game. Sau khi game bài Rikvip đi vào vận hành, Trung trực tiếp thực hiện đối soát, sau này trực tiếp ký đối soát.(Ảnh: Phú Đỗ) |
Để tăng cường phát triển game bài Rikvip, tăng doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến, Trung trực tiếp xây dựng 2 “đại lý tổng” với tài khoản là “Skyline” và “Worlbank69”, cùng 25 “đại lý cấp 1”, qua đó, Trung đã giúp phát triển mạng lưới 5.877 “đại lý cấp 2” tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc để tuyên truyền, quảng bá, lôi kéo đối tượng tham gia đánh bạc; tạo điều kiện cho các đối tượng đánh bạc giao dịch mua, bán Rik liên tục 24/24 giờ, với số lượng không giới hạn. (Ảnh: Phú Đỗ) |
Để theo dõi, phân chia doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến, Phan Sào Nam trực tiếp tổng hợp số liệu tổng doanh thu game Tip.Club từ trang web do Trung cung cấp, kết nối đến cơ sở dữ liệu cổng game bài Tip.Club. Hành vi trên của Trung bị VKSND tỉnh Phú Thọ cho là đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tổ chức đánh bạc”, quy định tại điểm b khoản 2 điều 249 - bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.(Ảnh: TTXVN) |
Một nhân vật không thể không nhắc đến trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ là Lê Văn Kiên (nguyên kế toán trưởng công ty VTC online của Phan Sào Nam). Kiên là người thực hiện chỉ đạo của Nam trực tiếp đối soát doanh thu với Đoàn Thị Thu Hà (nguyên kế toán CNC) và tiếp nhận tiền thu được từ hành vi tổ chức đánh bạc từ CNC chuyển đến. Kiên trực tiếp chuyển tiền cho hệ thống đại lý để trả cho đối tượng đánh bạc thắng cược.(Ảnh: Phú Đỗ) |
Theo lời khai của Phan Sào Nam, anh ta đã chuyển cho Kiên và Trung cất giữ số vàng, đô la Mỹ trị giá 530 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo cáo trạng, trong tổng số tiền thu lời bất chính từ đánh bạc trên mạng mà cơ quan chức năng đã chứng minh được là 9.850 tỷ đồng, sau khi trừ đi các chi phí đầu tư, vận hành, các mắt xích trong đường dây chia nhau 4.700 tỷ đồng. Trong đó, Phan Sào Nam được hưởng gần 1.500 tỷ đồng, Nguyễn Văn Dương hơn 1.650 tỷ đồng, nhóm cùng lập ra và điều hành đường dây gồm Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) được chia hơn 1.570 tỷ đồng. (Ảnh: Phú Đỗ) |
Trong quá trình điều tra, Nguyễn Văn Dương khai đã được các ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa "tạo điều kiện", nên khi có được nguồn thu từ việc vận hành tổ chức đánh bạc cũng đã "lại quả" hậu hĩnh.(Ảnh: Phú Đỗ) |
Cơ quan điều tra xác định, việc Dương chuyển 700 triệu đồng cho Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) cùng một bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000USD là có thật. Còn việc đưa tiền cho ông Vĩnh, Hóa thì chưa rõ (Ảnh: Phú Đỗ) |
Theo cáo trạng, khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, ông Phan Văn Vĩnh đã có hành vi lợi dụng việc Bộ Công an cho phép thành lập công ty bình phong thuộc Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (công ty CNC) đã đồng tình với đề nghị của Nguyễn Thanh Hóa và ký ban hành quyết định công nhận CNC là công ty bình phong khi chưa có ý kiến thống nhất của Tổng cục 3 là trái quy trình.(Ảnh: Phú Đỗ) |
Cáo trạng cũng cho rằng chính người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao đã dung túng cho Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV công ty CNC) và đồng phạm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời ngăn cản các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh xử lý đối với Dương và đồng phạm. Trong ảnh: Các bị cáo trong ngày đầu tại phiên tòa (Ảnh: Thanh Niên) |