Những vụ án oan sai đền bù tiền tỷ ở Việt Nam
VOV.VN - Bị bắt, bị cáo buộc, bị ngồi tù rồi được minh oan, được nhận bồi thường tiền tỷ nhưng chắc hẳn tất cả họ không ai muốn bị bắt oan để nhận bồi thường
** Sáng 28/11, đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén - người ngồi tù oan gần 17 năm trong vụ án giết bà Nguyễn Thị Bông ở xã Tâm Minh - Hàm Thuận - Bình Thuận. Ngay trong buổi sáng công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can, đại diện TAND tỉnh Bình Thuận cũng đã hướng dẫn ông Huỳnh Văn Nén làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại theo luật định.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh và ông Huỳnh Văn Nén (ảnh do luật sư cung cấp) |
Trả lời phóng viên VOV.VN, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - một trong 7 luật sư tham gia bảo vệ miễn phí cho ông Huỳnh Văn Nén cho rằng, việc đền bù oan sai trong quá trình tố tụng đã có Nghị quyết của Quốc hội, Luật Bồi thường nhà nước... Theo Luật Bồi thường nhà nước, khi quyết định ông Nén đã bị bắt giam, truy tố, xét xử oan sai tới hai vụ án với 17 năm, 5 tháng, 5 ngày tù, việc bồi thường oan sai cho ông Nén là đương nhiên, dù rằng số tiền đền bù ấy khó bù đắp được những ngày tháng bị ép cung, dùng nhục hình buộc nhận tội "giết người, cướp tài sản" mà ông Huỳnh Văn Nén phải chịu đựng trong hơn 17 năm qua. Không ai muốn bị bắt oan để nhận tiền bồi thường.
Vấn đề bồi thường sẽ là ý chí thoả thuận giữa ông Nén và các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận, nếu không thoả thuận được, ông Nén có quyền kiện ra Toà đối với yêu cầu bồi thường của mình. “Theo tôi, nếu có thể hoà giải được là tốt nhất, không mất thời gian của cả hai bên khi sai sót đã thuộc về Nhà nước”, luật sư Quynh nêu quan điểm của mình, đồng thời khẳng định trong vụ án này, vấn đề bồi thường sẽ không có bất cứ khó khăn nào.
Ở vụ án "Vườn Điều", ông Nén đã được minh oan năm 2005, tuy nhiên ông Nén vẫn chưa được bồi thường với 6 năm tù, và vụ án giết, cướp tài sản của bà Nguyễn Thị Bông bị tuyên án "Chung thân".
So từ việc bồi thường oan sai trong vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, chắc chắn số tiền bồi thường cho án oan hơn 17 năm của ông Huỳnh Văn Nén cũng phải là khoản tiền tỷ.
|
** Trước ngày đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) 1 ngày, ngày 27/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình đã có văn bản số 01/2015QĐ-PT quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự liên quan đến vụ án oan đối với ông Lương Ngọc Phi (68 tuổi, trú tại 463, đường Lý Thái Tổ, tổ 16, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, Giám đốc Công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình) bị khởi tố bị về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, trốn thuế vào tháng 4/1998.
Lý do tòa đình chỉ xét xử vì cả hai bên nguyên đơn lẫn bị đơn đã rút toàn bộ kháng cáo. Việc đình chỉ này cũng đồng nghĩa bản án sơ thẩm của TAND thành phố Thái Bình xét xử vụ kiện vào tháng 8/2015 sẽ có hiệu lực pháp luật.
Sau khi phiên tòa phúc thẩm bị đình chỉ xét xử, bản án sơ thẩm tuyên buộc ông Lương Ngọc Phi được bồi thường oan sai gần 23 tỷ đồng có hiệu lực pháp luật. Đây được coi là số tiền bồi thường oan sai lớn nhất từ trước đến nay.
Vụ án ông Lương Ngọc Phi bị khởi tố bị về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, trốn thuế vào tháng 4/1998.
Ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Phi tổng cộng 17 năm tù giam cho 2 tội danh trên. Một tháng sau khi ông Phi bị bắt, cơ quan công an đã đem hóa giá toàn bộ tài sản của ông và công ty.
Năm 2001, Viện KSND tỉnh Thái Bình xác định vụ án oan sai và trả tự do cho ông Phi; đồng thời TAND tỉnh Thái Bình đã xin lỗi công khai ông Phi tại nơi cư trú. Tuy nhiên, sau hơn 18 năm (cả ngồi tù oan và ra tù đi đòi lại công lý) đến nay vụ án đã qua nhiều lần, nhiều cấp xét xử.
Mới đây nhất, ngày 10/8, TAND thành phố Thái Bình tuyên TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi tổng số tiền là hơn 22,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, một lần nữa TAND tỉnh Thái Bình lại có đơn kháng cáo để trì hoãn thi hành nghĩa vụ bồi thường.
Tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII vào sáng 17/11, một lần nữa vụ án oan này lại làm nóng nghị trường Quốc hội. Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình và một số đại biểu khác đã chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình về việc bồi thường oan sai đối với vụ án oan này.
Tính đến thời điểm này, số tiền bồi thường oan sai cho ông Lương Ngọc Phi đang lập kỷ lục là số tiền bồi thường lớn nhất trong lịch sử tố tụng của Việt Nam.
Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được xin lỗi công khai (Ảnh: Việt Đức) |
** Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn xảy ra vào năm 2003. Khi đó tại thôn Me, xã Nghĩa Hưng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ án giết chị Nguyễn Thị Hoan.
Cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt ông Chấn và cho rằng ông này là hung thủ của vụ án. Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm sau đó, mặc dù ông Chấn hết sức kêu oan nhưng vẫn bị quy tội Giết người và chịu mức án chung thân.
Cuối năm 2013, khi hung thủ gây án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, ông Chấn chính thức được minh oan.
Tháng 4/2015, Tòa Phúc thẩm – TAND Tối cao đã tổ chức xin lỗi công khai ông Nguyễn Thanh Chấn tại địa phương.
Về phần ông Chấn, sau khi được minh oan, gia đình và người thân bắt đầu hành trình đòi bồi thường án oan sai. Gia đình ông Chấn đưa mức yêu cầu đòi bồi thường 9,3 tỷ đồng. Còn cơ quan tố tụng dựa trên một số quy định đưa ra mức bồi thường gần 600 triệu đồng, tuy nhiên gia đình ông Chấn cho rằng, mức bồi thường đó không còn phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay. Cuối cùng, cơ quan tố tụng và gia đình ông Chấn đã thống nhất với mức bồi thường là 7,2 tỷ đồng.
Ngày 16/10/2015, đại diện gia đình ông Chấn cho biết đã nhận được số tiền 7,2 tỷ đồng bồi thường oan sai từ Tòa án Nhân dân cấp cao, tuy nhiên không nói rõ thời gian được nhận tiền.
** Ông Đinh Quang Điền (TP Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk) cũng được tuyên bồi thường 2,8 tỷ đồng. Sáu năm trước, ông Điền vay ngân hàng hơn 13 tỷ để mở rộng kinh doanh. Hồ sơ thể hiện, đến tháng 6/2011, từ một lá đơn nặc danh VKSND TP Buôn Ma Thuột đã phê chuẩn lệnh bắt ông Điền để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án sau đó được chuyển lên công an tỉnh nhưng cơ quan này xác định không có cơ sở cấu thành tội đối với ông Điền.
Đầu năm 2013, sau 240 ngày ngồi tù oan, VKSND TP Buôn Ma Thuột xin lỗi công khai giám đốc này. Về phần bồi thường tổn thất vật chất, tinh thần, hai bên không thương lượng được nên ông Điền kiện ra tòa, đòi bồi thường gần 7 tỷ đồng. Trong phiên xử hôm 21/5/2015, ông chứng minh thiệt hại chủ yếu do ông bị bắt oan khiến những hợp đồng ký kết bị hủy, lãi suất nợ vay ngân hàng, cá nhân...
TAND TP Buôn Ma Thuột chỉ chấp nhận gần một nửa số tiền ông yêu cầu, buộc VKS bồi thường cho ông hơn 2,8 tỷ đồng. Tuy nhiên sau phiên xử, ông Điền cho biết sẽ kháng cáo bản án này.
** Cũng được xác định bị oan sai, 4 người được VKSND TP Cần Thơ bồi thường 2,5 tỷ đồng, hồi cuối tháng 4/2015. Trong đó, có người đã qua đời trước khi được bù đắp thiệt hại.
Vụ án xuất phát từ đầu 7/1981 khi kho vật tư của Công ty công trình 4.3 (đường Lê Hồng Phong, phường Bình Thủy, TP Cần Thơ, Hậu Giang (cũ) bị mất trộm 103 dây cu-roa và một lốc tủ lạnh. Bốn nhân viên công trình là ông Phạm Văn Tâm (81 tuổi), Võ Thành Long (64 tuổi), Trần Công Thành (64 tuổi), Mã Lương Tình (59 tuổi) bị bắt giam. Sau hơn 9 tháng bị giam, những người này được tạm tha.
Sau thời gian dài điều tra nhưng không chứng minh được hành vi phạm tội, tháng 5/2014, cơ quan chức năng đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với 4 người. Thời điểm này, ông Long đã mất được gần 6 năm. Trách nhiệm bồi thường oan sai được xác định thuộc VKSND TP Cần Thơ./.