Nỗi ám ảnh trong tù của một “quan xã” tham ô, lừa dân

VOV - Trong 7 năm làm kế toán cho xã, Lê Văn Tấn cùng đội ngũ cán bộ, chính quyền câu kết, móc ngoặc và lập khống nhiều chứng từ để rút tiền từ ngân sách lên tới gần 2 tỷ đồng.

… Thế là đã hơn 5 năm trôi qua, những gì để lại sau vụ án tham ô tài sản tại xã ta là nỗi ám ảnh, nỗi thất vọng của nhân dân với những cán bộ Đảng viên; những người mà đã một thời họ tin cậy qua từng lá phiếu bầu; những người cũng đã một thời là đầu tầu gương mẫu, chịu thương chịu khó, gian khổ cùng nhân dân xây dựng xã nhà từng bước đi lên. Những ngày qua, tôi luôn đau đáu hướng về quê hương và ngẫm nghĩ về tội lỗi mình. Tôi thật sự xin lỗi!

Đó là những dòng thư đầy sám hối của phạm nhân Lê Văn Tấn gửi tới Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Thọ Dân huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chỉ vì không bước qua nổi sự cám dỗ của đồng tiền, mà Lê Văn Tấn đã cùng với “bè lũ quan tham” của địa phương làm giàu trên mồ hôi, nước mắt, thậm chí là xương máu của những người dân thống khổ.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có bố là liệt sỹ chống Mỹ, Lê Văn Tấn (SN 1959, trú tại xóm 3, xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã viết đơn xung phong đi bộ đội… Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu giống như cha mình, nhưng Tấn luôn cảm thấy hãnh diện và tự hào khi được là một người lính cụ Hồ.

Hơn 15 năm khoác trên mình màu áo lính với biết bao công hiến, nhưng vì lý do sức khỏe, Lê Văn Tấn được nghỉ theo chế độ bệnh binh… Trở về quê hương với bảng thành tích vẻ vang, Tấn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội… Nhận thấy Tấn là người trung thực, lại từng là một sỹ quan, lãnh đạo UBND xã Thọ Dân đã quyết định mời Tấn làm kế toán cho xã.

Phạm nhân Lê Văn Tấn nói lời xin lỗi vì những gì mình gây ra cho mọi người

Trong 7 năm làm kế toán cho xã, thay vì giúp dân xóa đói, giảm nghèo, Lê Văn Tấn cùng đội ngũ cán bộ, chính quyền xã câu kết, móc ngoặc và lập khống nhiều chứng từ để rút tiền từ ngân sách lên tới gần 2 tỷ đồng – một số tiền không hề nhỏ lúc bấy giờ.

Lòng tham của con người đúng là vô đáy, Lê Văn Tấn và “tay” chủ tịch xã còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô nhiều lô đất có giá trị từ các dự án của tỉnh “rót” về... Riêng Lê Văn Tấn đã tham ô, lừa đảo, chiếm đoạt với tổng số tiền lên tới 673 triệu đồng, cùng nhiều lô đất có giá trị.

Trước sự lộng hành của “đội ngũ quan tham”, những người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” đã đồng lòng, đồng sức gửi đơn thư tố cáo đi khắp nơi nhằm vạch mặt những việc làm mờ ám, hách dịch, cửa quyền, tham ô… của những người được gọi là “đầy tớ”, “nô bộc” của nhân dân.

Tiếng kêu than của những người dân thống khổ cuối cùng cũng đã được đền đáp, khi mà bè lũ quam tham xã Thọ Dân lần lượt tra tay vào còng số 8… Đứng trước vành móng ngựa, đám người được coi là “cầm cân nảy mực” trong việc thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và nhà nước ở địa phương… chỉ còn biết cúi gằm mặt.

Từ chủ tịch xã đến kế toán ngân sách, thủ quỹ, cán bộ địa chính và một số cá nhân khác đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình… Ngoài mức án nghiêm khắc dành cho các bị cáo, riêng Lê Văn Tấn bị tuyên phạt 15 năm 6 tháng tù về tội tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tấn tâm sự: “Những gì mà nhân dân và cán bộ đóng góp để xây dựng nên xã Thọ Dân, cóp nhặt từng đồng tiền, từng hạt thóc, từng ngày công để xây dựng nên xã mà mình đánh đổi hết. Đó là tội lỗi của tôi, đáng phải bị trừng phạt”.

Đã hơn 5 năm kể từ khi vụ án “quan tham” bị đưa ra ánh sáng, nhưng với những người dân xã Thọ Dân, vẫn chưa thể nguôi ngoai sự phẫn nộ… Không căm phẫn, oán hận sao được bởi đám sâu mọt đục khoét tiền của, công sức, mồ hôi của nhân dân để làm lợi cho mình. Có thể thời gian sẽ khiến “vết sẹo về lòng tin” trong lòng người dân lành trở lại, nhưng với Tấn thì “vết nhơ” ấy khó mà gột sạch.

Tấn nghẹn ngào bộc bạch: Trong cuộc đời, điều mà Tấn hối hận nhất đó là không giữ được “đạo làm con với cha mẹ”; không làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha trong gia đình… Chỉ vì tư lợi cá nhân, mà tôi đã đánh mất đi tất cả…

“Vợ con thì không có trách cứ gì tôi. Cho dù là bố phạm tội, bố làm xấu đi hình ảnh trong lòng các con, trong lòng bạn bè của các con thế nhưng các con không trách cứ gì. Mình phạm tội thì mình phải chịu rồi, nhưng vợ con chẳng phạm tội gì cũng phải chịu lây với mình, cũng thương lắm” - Tấn tâm sự.

Ở cái tuổi bên kia sườn dốc của cuộc đời, biết bao biến cố, thăng trầm, nhục – vinh Tấn cũng từng nếm trải… Thế nhưng, phải sống những ngày tháng cuối cuộc đời trong chốn lao tù thì đó là cảm giác không dễ vượt qua. Tấn tâm sự, cứ nghĩ đến cảnh đếm từng ngày, nhìn từng giờ trôi qua mà không khỏi tiếc nuối cho những năm tháng sống hoài, sống phí… Và nếu không có những lời động viên, khuyên nhủ từ những người quản giáo, thì có lẽ sự mặc cảm về tội sẽ còn theo Lê Văn Tấn đến hết cuộc đời.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy Đỗ Trọng Quang – Cán bộ quản giáo Phân trại số 1, Trạm giam Thanh Lâm cho biết: “Sau khi phạm tội lừa đảo, tham ô, anh Tấn về trại Thanh Lâm chấp hành án phạt tù. Trong quá trình cải tạo, anh Tấn có nhiều sự cố gắng. Anh Tấn cũng xác định được tội lỗi của mình, nguyện vọng là phấn đấu, cải tạo sớm trở về với gia đình và xã hội. Anh Tấn luôn chấp hành tốt nội quy trại giam, gương mẫu trong sinh hoạt học tập, liên tục được xếp loại cải tạo khá từ ngày nhập trại đến nay”.

Bằng sự chân thành, bằng sự sám hối thật sự về tội lỗi của mình và bằng cái tâm của một kẻ khát khao phục thiện, Lê Ngọc Tấn đã quyết định đặt bút viết thư xin lỗi gửi đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thọ Dân. Trong thư, Lê Ngọc Tấn viết:

Các ông, các bà thân mến!

… Tôi còn nhớ, khi về làm việc với xã Thọ Dân, ông Chủ tịch huyện đã nói “… xã Thọ Dân là một xã Thuần Nông, có điểm xuất phát thấp so với các xã bạn, nhân dân còn nghèo, thu nhập thấp hơn mặt bằng chung của huyện, nhưng với điều kiện địa lý thuận lợi, tiềm năng kinh tế là rất lớn, rất phong phú và bền vững… Cán bộ và nhân dân xã phải làm gì, làm như thế nào để xây dựng thành xã điểm, xã vững mạnh, đi đầu của huyện và tôi tin điều đó sẽ thành hiện thực trong thời gian tới”… Cũng từ đó, đảng viên và cán bộ công chức xã đã đoàn kết bên nhau, chung sức chung lòng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, từng bước đi lên.

… Nhưng cùng với sự đi lên của xã, một số cán bộ, trong đó có tôi đã không giữ được mình, thoái hóa, biến chất, không vượt qua được sự cám dỗ vật chất tầm thường… Và điều gì đến cũng phải đến, bản thân tôi và một số cán bộ đã phải trả giá cho sự xuống cấp của mình.

… Tội lỗi do mình gây ra tôi đã phải gánh chịu, nhưng cùng với nó là bao nhiêu công sức của đảng bộ và nhân dân xây dựng lên, cùng sụp đổ theo đó là lòng tin của nhân dân - sự sụp đổ đó không có bản án nào bù đắp được. Tôi thực sự xin lỗi và ân hận về điều này.

… Những năm qua, dư âm của vụ án cũng dần chìm vào quá khứ bởi sự bận rộn, bươn chải của công việc, các ông các bà dần xóa đi vết sẹo lòng tin của nhân dân mà chính tôi cùng đồng phạm đã gây ra hơn 5 năm về trước. Tôi cũng thành thật cảm ơn các ông, các bà và vô cùng xin lỗi về những gì mình đã gây ra.

… Với tôi, sự tha hóa, biến chất cũng là một bài học xương máu trong quản lý và xây dựng đội ngũ cán bộ… Tôi tin rằng, qua vụ án của tôi cũng là một lời cảnh tỉnh cho những ai không tự rèn luyện mình, đánh mất mình và tôi cũng tin rằng sau tôi ở xã ta sẽ không còn ai như thế nữa.

… Tôi đã phải trả giá cho những lỗi lầm tôi gây ra, chịu sự trừng trị của pháp luật, nhưng ảnh hưởng của nó thì vẫn còn âm ỉ, hậu quả của nó thì cả đời tôi không lấp đầy được, đó là lòng tin của nhân dân với cán bộ, đảng viên. Tôi mong rằng sau vụ án của tôi, sẽ không có cán bộ nào sa bị ngã, mất lòng tin của nhân dân bởi “sự cám dỗ” của đồng tiền bất chính.

… Và cuối cùng, tôi vẫn muốn gửi lời xin lỗi tới toàn thể các ông các bà và nhân dân trong xã, xin hãy rộng lòng tha thứ cho tôi để con đường hoàn lương trở về của tôi không đơn độc.

Sau khi lá thư này được gửi đi, hơn cả sự mong đợi, những người dân thống khổ năm xưa và bộ máy lãnh đạo mới của xã Thọ Dân đã đồng lòng, đồng cảm bao dung tha thứ cho lỗi lầm của Lê Văn Tấn.

Hành động nghĩa cử, cao đẹp đầy tình người còn được thể hiện khi đích thân Chủ tịch UBND xã Thọ Dân là ông Lê Trọng Dũng đến thăm hỏi phạm nhân Lê Văn Tấn và nói lời tha thứ. Cả hội trường im lặng người đi khi thấy vị chủ tịch xã ôm chầm và ghì chặt lấy phạm nhân Lê Văn Tấn khóc nức nở… Những giọt nước mắt ngập tràn niềm hạnh phúc và tình người. Khoảng khắc hạnh phúc ấy cho đến giờ bây giờ vẫn in sâu trong tâm trí của phạm nhân này.

Chủ tịch UBND xã Thọ Dân, ông Lê Trọng Dũng đến thăm hỏi phạm nhân Lê Văn Tấn và nói lời tha thứ.

Tấn xúc động: “Đảng bộ và nhân dân xã Thọ Dân đã tha thứ cho tôi rồi, đến khi chấp hành xong án phạt tù, mình có thể trở về địa phương mà không lạc lõng với cộng đồng, đúng như lời nói của cán bộ là mình phải có tâm lý để hòa nhập cộng đồng tốt nhất. Những năm tháng còn lại sau khi chấp hành án, mình về phải tu dưỡng, suy nghĩ thật nhiều để đền đáp lại công ơn của anh em họ hàng, vợ con, bạn bè mà mình đã làm ảnh hưởng đến họ”.

Với bất kể phạm nhân nào đang ở chốn lao tù, thì điều hạnh phúc nhất với họ chính là lời xin lỗi được mọi người tha thứ... Món quà đầy tình người mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa dành cho phạm nhân Lê Văn Tấn có lẽ là món quà “đặc biệt” nhất, hạnh phúc nhất - là “liều thuốc” hữu hiệu nhất giúp phạm nhân này xóa bỏ mặc cảm, tội lỗi để hoàn thiện bản thân mình trên con đường trở về… nẻo thiện. Còn với mọi người, lời xin lỗi của Lê Văn Tấn liệu có đáng được chấp nhận?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên