PV: Thưa ông, Hội nghị Paris bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam kéo dài gần 5 năm, phải trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, hơn 1000 cuộc phỏng vấn. Theo ông, thì vì sao mà Hội nghị Paris lại kéo dài như vậy?

PGS-TS Hà Minh Hồng: Trong chiến tranh thì một hiệp định để kết thúc chiến tranh phải giải quyết những lợi ích của mỗi bên trong cuộc chiến. Và nên nhớ rằng, đây là hai bên của một cuộc chiến mà nó rất khác biệt với nhau. Một bên là đế quốc Mỹ với mục tiêu, mục đích, lợi ích của một đế quốc toàn cầu. Một bên là dân tộc Việt Nam, đấu tranh để giải phóng dân tộc.




Với người Mỹ, trong cuộc chiến này, họ không thể thua, họ chưa bao giờ thua, thậm chí họ chưa bao giờ hòa suốt từ năm 1776 cho đến thời điểm đó. Cho nên bây giờ, Hiệp định kết thúc chiến tranh là một điều chưa từng có với họ. Nhưng mà đến chiến tranh Việt Nam và đến khi phải nghĩ đến việc một Hiệp định thì họ đặt ra là phải thắng như thế nào? Câu hỏi đó, bài toán đó có khó với Mỹ hay không? Chắc chắn là khó. Bởi vì họ phải giải bài toán đó suốt từ năm 1968 cho đến tháng 1/1973. Thậm chí là bài toán đó đến tháng 12/1972, họ còn chưa giải xong.

Cho nên, Hội nghị Paris nó khó khăn như thế, kéo dài như thế. Họ muốn tìm đường rút lui trong danh dự, rút lui trong thế thắng, không phải trên thế thua. Tôi chỉ nói một bên như vậy thôi, để cho thầy là trong cuộc chiến đó, một đế quốc toàn cầu đặt ra mục tiêu là thắng trong cuộc chiến tranh. Họ đã tung bao nhiêu sức vào cuộc chiến tranh này rồi, hơn nửa triệu quân rồi. Nhưng không giải quyết được thì giải pháp kết thúc chiến tranh bằng một Hiệp định là một tất yếu không thể làm khác được.

PV: Hội nghị được bắt đầu từ năm 1968 và kéo dài đến đầu năm 1973. Phải chăng là chỉ khi chúng ta giành được những thắng lợi mang tính quyết định trên chiến trường thì người Mỹ mới chịu ký vào Bản Hiệp định?

PGS-TS Hà Minh Hồng: Đó là yếu tố rất quan trọng về mặt quân sự để kết thúc một cuộc chiến tranh. Bởi vì quy luật chiến tranh mạnh được yếu thua. Chỉ có thể kết thúc chiến tranh khi đã đạt được những mục tiêu về quân sự. Nhưng nên nhớ rằng, từ năm 1968 cho đến năm 1972, chúng ta ít nhất có 5 thắng lợi quan trọng. Đến tháng 12/1972, người Mỹ đã thừa nhận là phải chấp nhận chiến thắng của chúng ta. Họ buộc phải thừa nhận thắng lợi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Trong đó có những vấn đề quân sự như: Thắng lợi chiến dịch quân sự Xuân - Hè 1972, thắng lợi quân sự trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 của chúng ta… Và đặc biệt là cả những  thắng lợi trên mặt trận đàm phán, mặt trận ngoại giao. Chúng ta đã buộc người Mỹ phải nối lại đàm phán và ký vào Hiệp định. Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta không phải là người cố tình kéo dài cuộc chiến.




PV : Điểm mấu chốt nhất của Hiệp định Paris là gì, thưa ông?

PGS-TS Hà Minh Hồng: Trong giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1971,  người Mỹ dùng chiến thuật dậm chân tại chỗ. Họ yêu cầu hai bên cùng rút quân. Họ cố tình lấp đi những quan điểm, những lập trường mà họ đã ký kết hoặc không ký kết. Nhưng Hiệp định quốc tế Genève đã quy định, đất nước Việt Nam chỉ là chia cắt tạm thời. Và chia cắt tạm thời đó chỉ trong 2 năm thôi. Cho nên Quân đội nhân dân Việt Nam ở miền Bắc hay miền Nam, tên gọi là Quân Giải phóng miền Nam hay là Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ là một. Do đó, việc chúng ta ở đâu trên đất nước này, miền Nam hay miền Bắc, người Mỹ đã phải thừa nhận chuyện đó.





PV: Vì sao Hội nghị Paris nhiều lần bị gián đoạn, thậm chí nhiều khi giậm chân tại chỗ, có phải là do người Mỹ tìm cách để kéo dài thời gian rút quân ra khỏi miền Nam không, thưa ông?

PGS-TS Hà Minh Hồng: Trong giai đoạn sau này, họ lấy cái đó làm cái cớ để giậm chân tại chỗ. Bởi hai lý do. Một là, họ tính toán làm cách nào, lý do nào để rút quân ra khỏi chiến tranh Việt Nam trong danh dự. Họ lấy cái này như là một đối trọng để tạo danh chính ngôn thuận cho cả hai bên cùng rút. Thứ hai, chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nhất là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó đã thấy rõ được rằng, nếu như kết thúc cuộc chiến bằng cách Mỹ rút ra mà lực lượng của ta giữ nguyên tại chỗ thì sớm muộn quân đội, chính quyền Sài Gòn cũng sẽ không tồn tại được nữa. Cho nên, họ tìm mọi cách để níu kéo Mỹ, lôi kéo Mỹ. Khi không được thì họ lại phản đối Mỹ. Cho nên, mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong quá trình đàm phán ở Paris là một trong những bài toán khó giải nhất của Tổng thống Mỹ. Trong hồi ký của Tổng thống Nixon, ông đã nói rất nhiều về vấn đề này. Đó là vấn đề rất phiền toái, rất khó khăn, rất phức tạp.





PV: Gần 5 năm đấu tranh kiên cường, bền bỉ trên bàn đàm phán ngoại giao, lúc nhân nhượng mềm dẻo, lúc cứng rắn, kiên định. Vậy theo ông, bài học về phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trên bàn đàm phán Paris cách đây 50 năm có ý nghĩa như thế nào trong triển khai đường lối đối ngoại của chúng ta hiện nay?

PGS-TS Hà Minh Hồng: Mấu chốt nhất trong Hiệp định Paris như Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ đạo cố vấn Lê Đức Thọ trong đàm phán, làm gì thì làm, đấu tranh vũ trang, nhân nhượng gì thì nhân nhượng, cuối cùng phải là Mỹ rút ra, còn ta ở lại. Mấy chữ đó thôi. Vì thế nên Điều 5 của Hiệp định Paris có đề cập việc Mỹ đơn phương rút quân. Và khi Mỹ rút quân thì có nghĩa là chúng ta đã đạt được mục tiêu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói vào Xuân năm 1969: “Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào/Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Nói thế để thấy, chủ trương “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong cuộc chiến đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề “dĩ bất biến” ngày nay là độc lập tự chủ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất lãnh thổ, vững chắc chủ quyền. Đấy là những vấn đề mà hiện nay, trong đàm phán, trong “đấu tranh” trên thương trường, đấu tranh trên các diễn đàn, chúng ta vẫn phải luôn kiên định với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chúng ta vẫn phải kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta thấy là tư tưởng “dĩ bất biến,  ứng vạn biến” đó đã được thể hiện qua hình ảnh của ngoại giao cây tre, cho thấy sự nhất quán của đường lối, của chủ trương, của tư tưởng, của bản sắc Việt Nam ở nhiều lĩnh vực. Đó là những bài học rút ra được từ Hội nghị Paris, luôn luôn mềm dẻo, cương nhu đúng lúc, nhưng không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

PV: Cảm ơn PGS-TS Hà Minh Hồng!

Infographic: TTXVN


Tác giả: Trường Giang/Phát thanh Quân đội.
Trình bày: Quỳnh Trang

Thứ Sáu, 05:40, 26/01/2024