Tâm sự đẫm nước mắt gửi bố của thôn nữ 19 tuổi lĩnh án chung thân

VOV.VN - 19 tuổi, Phạm Thị Quế mang cả tuổi thanh xuân của mình chôn vùi trong Trại giam. Trong bức thư gửi bố, Quế trút tất cả nỗi ăn năn muộn màng

… Nhìn bố, tim con như thắt lại. Con thương bố và tự trách mình. Con rất sợ bố giận và không thương con nữa dù con biết đó là điều không xảy ra. Gặp bố, con rất muốn nói rằng con đã nhớ và yêu bố biết nhường nào. Con còn muốn nói lời xin bố tha thứ về tất cả lỗi lầm con đã gây ra. Nhưng con đã không làm được mà chỉ biết nhìn và nuốt nước mắt vào lòng.

Đó là những dòng thư chứa chất bao nỗi nhớ thương, u sầu của nữ phạm nhân Phạm Thị Quế gửi người bố kính yêu của mình. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Phạm Thị Quế lại đang phải đối mặt với bản án tù chung thân về “tội giết người, cướp tài sản”. Sự nông cạn trong suy nghĩ của Quế đã khiến hai người đàn ông hết lòng yêu thương cô nhất đều nhận kết cục… bi thảm.

Phạm Thị Quế lĩnh án chung thân từ năm 19 tuổi và khiến 2 người đàn ông phải bỏ mạng vì mình

Sinh năm 1989, cầm tinh con rắn, ngay từ nhỏ Phạm Thị Quế đã tỏ ra là một cô gái cá tính. Không chỉ có vậy, cô thôn nữ quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định luôn ý thức được mình là người con gái đẹp với làn da trắng mịn, đôi mắt to tròn đầy quyến rũ. Với vẻ ngoài nổi bật đó, Quế được rất nhiều chàng trai săn đón, tán tỉnh. Trong số đó có một người tên là Đào Ngọc Duy – là bạn học cùng trường với Quế. Mối tình thời học trò chớm nở, thì cũng là lúc cả hai phải tạm biệt mái trường thân yêu.

Tốt nghiệp phổ thông trung học, Quế thi đỗ vào trường cao đẳng công nghiệp dệt may Nam Định. Là người si tình, Duy không cam chịu cảnh xa người yêu nên đã đăng ký vào học cùng trường với Quế. Cuộc sống nơi phồn hoa đô thị đã khiến nữ sinh Phạm Thị Quế lột xác hoàn toàn. Từ một thôn nữ quê mùa, chất phác, Quế nhanh chóng bước vào đời lộng lẫy, kiêu sa.

Muốn đẹp, muốn sang trong mắt mọi người, Quế đã không ngần ngại vay mượn tiền để mua cho mình những món đồ xa xỉ… Cái đẹp không bắt nguồn từ tâm hồn đã khiến Phạm Thị Quế càng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Khi đã hết chỗ để vay, Quế đã lấy trộm sợi dây chuyền vàng của mẹ để “nướng” vào những cuộc chơi vô bổ. Và điều gì đến ắt sẽ đến, khi rơi lâm vào cùng cực của sự bế tắc, túng quấn của sự nợ nần, Phạm Thị Quế đã bán linh hồn cho quỷ dữ.

Đó là vào một tối mùa đông năm 2007, sau khi cùng người yêu của mình “vẽ” ra “kịch bản” cướp tài sản lấy tiền trả nợ, Quế đã nhắn tin dụ anh Triệu Quốc Việt - người đàn ông đang theo đuổi mình đến phòng trọ uống rượu. Dù tìm mọi cách pha thuốc ngủ vào rượu nhằm “chuốc” cho anh Việt say, nhưng anh Việt lại hoàn toàn tỉnh táo. “Mưu hèn” không thành, Quế đã dùng đến “kế bẩn” là rủ anh Việt ra bờ mương tâm sự.

Từ phía sau, Duy cầm sẵn hung khí tấn công liên tiếp vào đầu anh Việt, khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau khi lấy đi tài sản, đôi “uyên ương” đã đẩy nạn nhân xuống cống. Nạn nhân được xác định tử vong do ngạt nước và chấn thương vùng đầu. Cả Duy và Quế đều bị bắt khi đang trên đường tiêu thụ tang vật.

Quế kể lại: “Em và Duy cùng nghĩ rằng lên kế hoạch đánh anh Việt. Trong khi 2 đứa đang cần tiền, đến lúc đánh xong rồi, em mới bảo Duy là đưa Việt vào viện cấp cứu nhưng Duy nói đã lỡ tay mất rồi. Sau đấy, Duy cùng với em đưa thi thể anh Việt ra ngoài bờ sông ở cách phòng trọ em khoảng 2km rồi thả xuống đấy”.

Đã 9 năm trôi qua, nhưng ký ức về phiên tòa xét xử năm ấy vẫn in đậm trong tâm trí của Phạm Thị Quế. Nữ phạm nhân nhớ lại: Đó là một ngày cuối năm lạnh buốt, những người thân của hai bị cáo đều có mặt đông đủ. Hình ảnh bố mẹ già, cùng các anh chị em thể hiện rõ sự khắc khổ, xót đau sau mỗi lần tòa luận tội.

Khi bản án tuyên lên, Phạm Thị Quế đã khóc như một đứa trẻ bị bỏ đói. Cả thân hình căng đầy sức trẻ của cô khụy sụp xuống như một cây chuối đổ. Hai bàn tay cứ xuýt xoa đan vào nhau chắp lạy, cầu xin mọi người tha thứ. Nhưng tất cả đều đã quá muộn! Chỉ vì đạt mục đích của mình, Phạm Thị Quế đã đẩy hai người đàn ông ra khỏi vòng tay yêu thương. Người thì chết, người lĩnh án tử hình. Còn bản thân Quế cũng phải nhận bản án tù chung thân không biết ngày về.

Quế sụt sùi nói, đó là khoảnh khắc ám ảnh nhất sẽ theo cô suốt cả cuộc đời này: “Gia đình em và gia đình Duy cũng đến. Cảm giác duy nhất chỉ là sợ hãi. Mọi người trong nhà đều cảm thấy xót xa. Lúc đầu em cũng chưa thể hình dung được bản án mình nhận nó như thế nào. Mọi cái nó bế tắc lắm. Lúc nghe tin em không định hình nổi cảm xúc lúc ấy như thế nào nữa… Duy thì lúc nào cũng chỉ có 1 tâm niệm là dù xảy ra thế nào đi chăng nữa thì Duy vẫn muốn em cố gắng sống cải tạo để sau này có cơ hội trở về”.

19 tuổi, thôn nữ Phạm Thị Quế mang cả tuổi thanh xuân của mình chôn vùi trong Trại giam Ninh Khánh. Đây cũng là nữ phạm nhân đầu tiên thi hành án tù chung thân tại trại giam này. Đối diện với bản án dài đằng đẵng, Phạm Thị Quế trĩu nặng tư tưởng. Ám ảnh về tâm lý luôn đè nặng trong suy nghĩ của phạm nhân này trong những ngày đầu nhập trại.

Ngoài lao động, cải tạo nữ phạm nhân này hầu như không tiếp xúc, nói chuyện với bất kỳ đồng cảnh nào. Sự lầm lì và khó gần của Phạm Thị Quế đã có lúc khiến các quản giáo trăn trở. Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn, các quản giáo đã “kê đơn, bốc thuốc” chữa trị căn bệnh trầm cảm của nữ phạm nhân này. Từ một người chỉ biết ám ảnh, mặc cảm về tội ác, giờ đây tâm lý của Quế đã trở lại trạng thái cân bằng và suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống. Hát hay, múa đẹp là những thế mạnh của Quế cũng đã được phát huy hết khả năng ngay trên chính mảnh đất… gieo mầm thiện.

“Thật ra thời gian đầu, tư tưởng em cũng chưa ổn định cho lắm nên có vi phạm. Sau này cán bộ cũng động viên, cũng giáo dục em nhiều, em lại cải tạo bình thường… Quá khứ tất cả gần như vẫn còn nguyên như cũ. Vì ở đây lâu rồi nên cảm thấy mọi cái nó chai sạn. Còn mọi cảm xúc mọi suy nghĩ thì đều như cũ" - Quế chia sẻ.

Dù đã tìm được niềm vui trong cải tạo lao động, nhưng trong thẳm sâu tâm can của nữ phạm nhân này vẫn còn đó những nỗi niềm chất chứa vì đã “vẽ” vào quá khứ một nét bút buồn. Có lẽ vì thế mà không riêng gì Quế, mà bất kể phạm nhân nào đang chấp hành án cũng thường rất “nhạy cảm” khi nhắc về những ký ức. Quế bảo, bây giờ sợ nhất là đối diện với những nỗi nhớ - những nỗi nhớ không biết phải gọi đó là gì. Chỉ biết rằng, khi cánh cổng nhà giam khép lại, khi màn đêm giăng lối, khi chỉ còn lại một mình trong bóng đêm, đó cũng là lúc kỷ niệm ùa về. Và trong hỗn độn những kỷ niệm ngọt ngào, hình ảnh của người yêu năm xưa cứ khắc khoải, khôn nguôi. Quế thừa nhận, cho đến giờ vẫn không thể quên được hình bóng của Duy, dù thời gian có làm mọi thứ phôi phai. 

Bởi thế mà trong một lá thư sám hối Quế từng viết: “Với người đàn ông đã bị tôi giết hại, tôi đã phải đền tội bằng bản án chung thân chưa biết ngày về, cay đắng nhìn tuổi thanh xuân trôi qua trong mòn mỏi. Nhưng với người con trai đã yêu tôi đến mù quáng, đã vì tôi mà gây ra tội ác kinh hoàng, để rồi phải trả giá bằng cái chết, thì dù có chịu thêm 10 cái án chung thân nữa, lương tâm tôi vẫn chẳng thể nào thanh thản”.

Trong những giấc ngủ mộng mị, Quế thường xuyên mơ đến người đàn ông đã vì mình mà phải nhận bản án tử: “Thường em hay nghĩ đến Duy nhiều hơn. Nguyên nhân mọi chuyện tất cả là vì em thôi. Em chỉ hay mơ về Duy thôi, về những kỷ niệm chúng em đã có trong quá khứ”.

Khi chúng tôi nhắc đến đấng sinh thành, đôi mắt to tròn của nữ phạm nhân này bỗng cụp hẳn xuống. Những giọt nước mắt tích tụ trong gần 10 năm qua cứ thế tuôn xối xả. Quế trải lòng, bố là người yêu thương mình nhất, kỳ vọng về mình nhất nhưng cũng là người phải chịu tủi hổ nhất về mình. Từ khi vụ án mạng xảy ra, mà chính cô con gái út của ông là chủ mưu, thì người đàn ông là trụ cột của một gia đình chỉ còn lại cái xác không hồn. Sự khắc khổ khi phải chịu búa rìu từ phía dư luận rằng có đứa con gây ra vụ án “kinh thiên động địa” đã khiến ông mất phương hướng.

Quế sụt sùi: “Bố em thì bị bệnh tiểu đường. Thời gian gần đây bố em gầy yếu hơn nhiều. Ngày trước thì hàng tháng lên thăm em nhưng sau này khi sức khỏe yếu đi, 1 phần ko có người đưa đi nên 2,3,4 tháng lên thăm 1 lần. Không biết có đủ thời gian để chờ đợi em không?”

Giờ đây, dù đã ở cái tuổi bên kia sườn dốc cuộc đời, nhưng bố mẹ của nữ phạm nhân này vẫn hàng tháng dắt díu, vượt quãng đường sá xa xôi để thăm con gái. Tuy những lần thăm gặp ngắn ngủi, nhưng đó là “liều thuốc tinh thần”, là động lực thức tỉnh bản thiện, giúp Phạm Thị Quế củng cố niềm tin trước những biến cố cuộc đời và khát khao phục thiện.

… Bố kính yêu!

Ngày con bị bắt, ngày con đi ngược lại đạo lý của một con người, con mới chỉ 18 tuổi. Cái tuổi mà mọi suy nghĩ, hành động còn nông nổi, còn cần sự bao bọc của bố mẹ. Giờ đây, con rất nhớ nhà, nhớ trường lớp, nhớ những bữa cơm gia đình đến cồn cào. Con thèm được chạy nhảy và thèm một nụ cười vô tư. Và con sợ, sợ không có bố mẹ bên cạnh để mà dựa dẫm…

… Thế đấy, con cứ mải miết nghĩ đến những cảm xúc của bản thân mình, nghĩ đến sự nuôi nấng, chăm bẵm và chiều chuộng của bố mẹ dành cho con và giờ nó không có nữa. Con nghĩ đến độ tóc con xuất hiện tóc trắng như người ở độ tuổi 40. Nghĩ nhiều là thế, nhưng con đâu nghĩ đến những điều mà bố mẹ và gia đình đang phải trải qua. Nào là áp lực từ phía dư luận, nào là nỗi lo về án của con và còn lo lắng con sẽ phải làm sao khi không có người thân ruột thịt bên cạnh. Bởi trong mắt bố mẹ, con vẫn là đứa con bé nhỏ cần được bảo vệ và chăm sóc. Con đã không cảm nhận được tất cả những điều đó, mà chỉ nghĩ tới bản thân mình. Con cảm thấy mình thật tồi tệ!

… Giờ đây con đã trưởng thành hơn cả con tưởng tượng. Con biết tự chăm sóc bản thân mình. Con biết làm và làm tốt tất cả mọi công việc, con biết nhẫn nhịn và chịu đựng. Càng trưởng thành bao nhiêu thì con càng cảm thấy có lỗi với bố bấy nhiêu.

… Từ nhỏ, bố luôn là người yêu thương con nhất, chiều chuộng con nhất và kỳ vọng vào con nhiều nhất. Thế nhưng cuối cùng con lại là người khiến bố phải buồn, phải thất vọng hơn cả. Số lần bố lên thăm con đồng nghĩa với sự tiều tụy và gầy mòn con nhìn thấy. Con biết, tuổi tác và bệnh tật là một lý do, nhưng hơn cả là vì con, vì con gái bố không tốt phải không?

… Có lẽ, lá thư này sẽ giúp con gửi tới bố những điều con muốn nói. Và sự tha thứ từ bố mà con có thể cảm nhận là bố phải luôn khỏe mạnh để chờ con về. Bố đừng nghĩ ngợi và lo lắng cho con, giờ con lớn rồi. Con sẽ sống thật tốt, sẽ cố gắng cải tạo để có thể về với bố và gia đình sớm nhất có thể. Hàng ngày, con luôn mong bố khỏe mạnh bố ạ. Con yêu và nhớ bố nhiều!

… Từ nơi buồng giam lạnh lẽo, Phạm Thị Quế đã mượn cây bút và trang giấy để gửi gắm nỗi lòng của mình với người cha kính yêu của mình. Có thể, những lời dòng thư trên được viết ra trong những đêm mất ngủ nào đó, nhưng với Quế thì đó là một sự giải tỏa cần thiết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại gia thủy sản Tòng “Thiên Mã” và những kiểu làm ăn chụp giựt
Đại gia thủy sản Tòng “Thiên Mã” và những kiểu làm ăn chụp giựt

Được xem là một “đại gia thủy sản” ở miền Tây, sở hữu nhiều nhà máy, siêu xe biển số đẹp nhưng sự thực giá trị tài sản, hợp đồng đã được nâng khống.

Đại gia thủy sản Tòng “Thiên Mã” và những kiểu làm ăn chụp giựt

Đại gia thủy sản Tòng “Thiên Mã” và những kiểu làm ăn chụp giựt

Được xem là một “đại gia thủy sản” ở miền Tây, sở hữu nhiều nhà máy, siêu xe biển số đẹp nhưng sự thực giá trị tài sản, hợp đồng đã được nâng khống.

Vụ con nuôi giết mẹ: Chồng đi cầu an, vợ ở nhà bị sát hại
Vụ con nuôi giết mẹ: Chồng đi cầu an, vợ ở nhà bị sát hại

Chồng bà Sơn đi cầu an cho gia đình thì hay tin vợ ở nhà bị con gái nuôi sát hại.  

Vụ con nuôi giết mẹ: Chồng đi cầu an, vợ ở nhà bị sát hại

Vụ con nuôi giết mẹ: Chồng đi cầu an, vợ ở nhà bị sát hại

Chồng bà Sơn đi cầu an cho gia đình thì hay tin vợ ở nhà bị con gái nuôi sát hại.  

Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: VCCI Vũng Tàu kiến nghị Bí thư Đinh La Thăng
Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: VCCI Vũng Tàu kiến nghị Bí thư Đinh La Thăng

VOV.VN -VCCI chi nhánh Vũng Tàu đề nghị đình chỉ điều tra đối với vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ.

Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: VCCI Vũng Tàu kiến nghị Bí thư Đinh La Thăng

Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: VCCI Vũng Tàu kiến nghị Bí thư Đinh La Thăng

VOV.VN -VCCI chi nhánh Vũng Tàu đề nghị đình chỉ điều tra đối với vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ.

Giả danh Phó Chánh thanh tra Bộ Công thương lừa xin việc
Giả danh Phó Chánh thanh tra Bộ Công thương lừa xin việc

VOV.VN -Thuê căn hộ sang trọng để thỉnh thoảng làm nơi giao dịch, Phương nổ là cán bộ thân cận của thứ trưởng Bộ Công thương để lừa đảo xin việc.

Giả danh Phó Chánh thanh tra Bộ Công thương lừa xin việc

Giả danh Phó Chánh thanh tra Bộ Công thương lừa xin việc

VOV.VN -Thuê căn hộ sang trọng để thỉnh thoảng làm nơi giao dịch, Phương nổ là cán bộ thân cận của thứ trưởng Bộ Công thương để lừa đảo xin việc.

Kẻ giết hai mẹ con lộ diện từ thói quen cắn đầu lọc thuốc lá
Kẻ giết hai mẹ con lộ diện từ thói quen cắn đầu lọc thuốc lá

Từ mẩu đầu lọc thuốc lá bị cắn nát vứt tại hiện trường, cảnh sát lần ra gã em trai sát hại mẹ con bé gái 9 tháng tuổi để cướp tài sản.  

Kẻ giết hai mẹ con lộ diện từ thói quen cắn đầu lọc thuốc lá

Kẻ giết hai mẹ con lộ diện từ thói quen cắn đầu lọc thuốc lá

Từ mẩu đầu lọc thuốc lá bị cắn nát vứt tại hiện trường, cảnh sát lần ra gã em trai sát hại mẹ con bé gái 9 tháng tuổi để cướp tài sản.  

Kẻ vượt ngục sát hại hai mẹ con chị gái
Kẻ vượt ngục sát hại hai mẹ con chị gái

Tức giận vì bị từ chối cho tiền, Hổ siết cổ chị đến chết, dìm cháu gái hơn 9 tháng tuổi dưới mương nước rồi lục lọi tài sản.

Kẻ vượt ngục sát hại hai mẹ con chị gái

Kẻ vượt ngục sát hại hai mẹ con chị gái

Tức giận vì bị từ chối cho tiền, Hổ siết cổ chị đến chết, dìm cháu gái hơn 9 tháng tuổi dưới mương nước rồi lục lọi tài sản.

3 ông trùm đường dây ma túy xuyên quốc gia sa lưới
3 ông trùm đường dây ma túy xuyên quốc gia sa lưới

Đường dây ma túy xuyên quốc gia cực lớn này do những ông trùm gốc người Lào điều hành.

3 ông trùm đường dây ma túy xuyên quốc gia sa lưới

3 ông trùm đường dây ma túy xuyên quốc gia sa lưới

Đường dây ma túy xuyên quốc gia cực lớn này do những ông trùm gốc người Lào điều hành.

Trùm ma túy mua súng để phòng thân
Trùm ma túy mua súng để phòng thân

Vũ là “đại lý” mua sỉ để phân phối ma túy cho bà trùm mở khách sạn và trường mẫu giáo để làm bình phong che giấu hành vi mua bán ma túy.

Trùm ma túy mua súng để phòng thân

Trùm ma túy mua súng để phòng thân

Vũ là “đại lý” mua sỉ để phân phối ma túy cho bà trùm mở khách sạn và trường mẫu giáo để làm bình phong che giấu hành vi mua bán ma túy.

Cuộc đời bất hạnh của người mẹ sinh nghịch tử
Cuộc đời bất hạnh của người mẹ sinh nghịch tử

Những trận đòn roi thừa sống thiếu chết của Quang đã khiến người vợ sợ hãi bỏ đi. Từ đó, y chuyển sang ngược đãi, hành hạ chính mẹ đẻ của mình.

Cuộc đời bất hạnh của người mẹ sinh nghịch tử

Cuộc đời bất hạnh của người mẹ sinh nghịch tử

Những trận đòn roi thừa sống thiếu chết của Quang đã khiến người vợ sợ hãi bỏ đi. Từ đó, y chuyển sang ngược đãi, hành hạ chính mẹ đẻ của mình.

Nguyên Trưởng trạm y tế bị nữ hộ sinh tố tham ô lãnh án treo
Nguyên Trưởng trạm y tế bị nữ hộ sinh tố tham ô lãnh án treo

Trước đó, nguyên Trưởng trạm y tế bị nữ hộ sinh gửi đơn tố cáo hành vi làm trái, chiếm đoạt hơn 150 triệu đồng.

Nguyên Trưởng trạm y tế bị nữ hộ sinh tố tham ô lãnh án treo

Nguyên Trưởng trạm y tế bị nữ hộ sinh tố tham ô lãnh án treo

Trước đó, nguyên Trưởng trạm y tế bị nữ hộ sinh gửi đơn tố cáo hành vi làm trái, chiếm đoạt hơn 150 triệu đồng.