Tăng cường tuyên truyền để phòng chống buôn bán người

VOV.VN - Theo Đại tá Bùi Xuân Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu thì những nạn nhân bị bán qua biên giới chủ yếu để làm vợ hoặc bị lạm dụng tình dục.

Nạn mua bán người không phải câu chuyện riêng của địa phương nào, mà nó xuất hiện ở khắp nơi, cả những tỉnh nằm sâu trong nội địa như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng hay các tỉnh thành ở miền Trung, miền Nam.

Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác các nạn nhân mua bán người, nhưng qua công tác đấu tranh, phát hiện, bắt giữ của lực lượng chức năng ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Nội, Nghệ An, Tây Ninh, An Giang, có thể thấy bức tranh về mua bán người đang diễn ra phức tạp. 

Điều quan trọng nhất, bên cạnh công tác đấu tranh kiên quyết của lực lượng chức năng, mỗi người dân, đặc biệt với bà con ở vùng sâu vùng xa cần trang bị kiến thức cho mình để nhận biết rõ hành vi xúi giục, lôi kéo, lừa phỉnh của bọn tội phạm mua bán người, từ đó tự biết cách phòng, tránh cho bản thân và người thân, gia đình.   

Đại tá Bùi Xuân Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.

Để rõ hơn về thực trạng mua bán người ở tỉnh biên giới Lai Châu và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Bùi Xuân Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về thực trạng mua bán người trên địa bàn tỉnh Lai Châu những năm gần đây?

Đại tá Bùi Xuân Phong: Trên địa bàn tỉnh Lai Châu trong thời gian vừa qua, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến tương đối phức tạp. Địa bàn xảy ra chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, nơi có trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn. Đối tượng thường bị dụ dỗ là phụ nữ. 

Qua thống kê, chúng tôi nhận thấy các nạn nhân bị mua bán sang bên kia biên giới chủ yếu trong dân tộc Mông và dân tộc Thái, một số ít là đồng bào Dao. Độ tuổi bị mua bán thường dưới 30. Hành vi mua bán sang bên kia là để làm vợ hoặc vì mục đích lạm dụng tình dục. Từ năm 2015 đến nay, Công an Lai Châu đã phát hiện tổng số 31 vụ, 43 đối tượng và 47 nạn nhân. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay đã phát hiện 5 vụ 6 đối tượng và 8 nạn nhân. 

PV: Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng mua bán người trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là gì, thưa ông?

Đại tá Bùi Xuân Phong: Số liệu thống kê thì số vụ mua bán người trên địa bàn có giảm dần theo từng năm. Tuy nhiên, qua công tác đấu tranh với loại tội phạm này, chúng tôi nhận thấy có những khó khăn. Thứ nhất là địa hình Lai Châu tương đối phức tạp, công tác nắm tình hình địa bàn có những lúc chưa kịp thời. Ví dụ: Khi nhận tin báo của quần chúng, chúng tôi triển khai quân đến nơi vì đường rất xa, thường mất nhiều thời gian để tiếp cận nguồn tin. Vì vậy có ảnh hưởng tới công tác đấu tranh phát hiện tội phạm.

Thứ hai: Nhận thức về pháp luật của người dân, nhất là trong đồng bào dân tộc còn hạn chế. Lại thêm bất đồng ngôn ngữ nên công tác điều tra; tuyên truyền về tôi phạm buôn bán người còn nhiều khó khăn.

Thứ ba: Các đối tượng mua bán người đều là người Việt Nam nhưng móc nối với người Trung Quốc. Chính vì thế, việc xác minh đối tượng phía bên kia Trung Quốc chúng tôi gặp khó khăn, mặc dù có sự hợp tác quốc tế với phía bạn nhưng đa số đối tượng bên phía Trung Quốc đều dùng tên giả để móc nối đối tượng người Việt thực hiện hành vi mua bán.

Thứ tư, chúng ta vẫn còn tình trạng xuất cảnh trái phép. Những người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc đều làm thuê nhưng có một số trường hợp sau khi bị phát hiện, bị phía Trung Quốc trao trả thì lại khai bị mua bán. Thế nên việc xác minh rất khó khăn.

PV: Trước những khó khăn như vậy, các giải pháp của Công an Lai Châu triển khai đấu tranh với loại tội phạm này là gì?  

Đại tá Bùi Xuân Phong: Trước tình hình và thực trạng về tội phạm mua bán người nói chung thì trong thời gian tới, lực lượng Công an Lai Châu tổ chức thực hiện tốt mấy việc như: Tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh và trực tiếp là ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của tỉnh là triển khai các chương trình kế hoạch về phòng chống tội phạm nói chung và chương trình hành động mua bán người đến năm 2020.

Tiếp tục phối hợp tốt với các ngành và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là những chị em trong lứa tuổi dễ bị xâm hại để tự phòng tránh. Ngoài ra, chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ tăng cường rà soát các địa bàn trọng điểm, những nơi có nguy cơ cao xảy ra loại tội phạm này để phát hiện các đối tượng nghi vấn để lập các chuyên án để đấu tranh.

Vấn đề nữa là chúng tôi tiếp tục phối hợp với lực lượng Biên phòng và Hải quan để làm tốt vành đai biên giới vững chắc để các đối tượng không lợi dụng đưa qua biên giới. Vấn đề cuối cùng là tiếp tục thực hiện tốt hợp tác quốc tế đối với tỉnh Vân Nam về phối hợp phòng chống tội phạm nói chung quản lý biên giới và tội phạm buôn bán người. 

PV: Một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng mua bán người phức tạp thời gian vừa qua là do một số lượng lớn người dân tìm cách nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc nhằm tìm kiếm việc làm. Vậy khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, người lao động sẽ đối diện những nguy cơ gì? 

Đại tá Bùi Xuân Phong: Công tác phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng được chỉ đạo thống nhất và kiên quyết từ trung ương đến các địa phương. 

Đối với bà con mình xuất cảnh sang Trung Quốc để làm thuê trong những lúc nông nhàn để thêm thu nhập, với lực lượng lao động là đàn ông thì không có xảy ra vấn đề gì. Nhưng đối với những chị em sang đó mà không cảnh giác thì sẽ là các đối tượng mà bọn tội phạm nhắm tới để thực hiện hành vi mua bán phía bên kia Trung Quốc. Đối với vấn đề này, chúng tôi cũng đã tham mưu cho tỉnh và chỉ đạo công an các huyện, đặc biệt là tham mưu chính quyền cấp cơ sở tiếp tục tuyên truyền cho bà con trong các địa bàn nói chung phải thực hiện nghiêm quy định về công tác xuất nhập cảnh.

Các nạn nhân mua bán người được lực lượng chức năng giải cứu. (Ảnh: Dân trí)

Đi phải có giấy tờ. Vì một hệ quả tất yếu là bà con mình nếu xuất cảnh trái phép sang làm thuê thì phía bên Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng như các ông chủ lợi dụng việc này cứ 3 tháng một lần họ tổ chức kiểm tra, đẩy đuổi bà con. Nhiều trường hợp bà con bị mất trắng tiền công. Theo tôi nghĩ là chúng ta tiếp tục tuyên truyền để bà con hiểu về các quy định của Đảng và Nhà nước; pháp luật về xuất nhập cảnh. Thứ hai là tuyên truyền để các chị em đề phòng các đối tượng lợi dụng xâm hại và thực hiện hành vi mua bán. 

PV: Đối với lực lượng công an viên, những người đầu tiên tiếp nhận các tin tố giác hoặc nắm bắt thông tin sớm nhất về thực trạng mua bán người trong các bản, làng, Công an Lai Châu đã làm gì để nâng cao trách nhiệm và nghiệp vụ cho đội ngũ công an viên tại các bản?

Đại tá Bùi Xuân Phong: Đối với lực lượng công an viên, hiện nay trong lực lượng công an đang triển khai hai mô hình: 

Thứ nhất là lực lượng công an chính quy xuống đảm nhiệm chức danh công an xã. Anh em đã được trang bị nghiệp vụ thì quy trình giải quyết công tác tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo có liên quan tới xuất nhập cảnh trái phép và mua bán người thì anh em đã quen.

Đối với lực lượng bán chuyên trách là công an viên ở các thôn bản, chúng tôi bồi dưỡng ở cấp tỉnh mỗi năm một lần từ 7 đến 10 ngày đối với trưởng, phó công an xã. Đối với công an viên thì công an huyện chịu trách nhiệm trực tiếp bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng công an viên bán chuyên trách. Trong nội dung thực hiện nhiệm vụ có quy trình giải quyết những tin báo tố giác có liên quan đến mua bán người và ý thức được và cảnh giác cho bà con ở địa bàn. 

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử lưu động vụ án mua bán người
Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử lưu động vụ án mua bán người

VOV.VN - Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang vừa mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị can Súng Mí Chứ, về tội mua bán người.

Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử lưu động vụ án mua bán người

Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử lưu động vụ án mua bán người

VOV.VN - Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang vừa mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị can Súng Mí Chứ, về tội mua bán người.

Khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng mua bán người dưới 16 tuổi
Khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng mua bán người dưới 16 tuổi

VOV.VN - Sau 1 tuần quen biết, chị Như bị bạn đưa vào nhà nghỉ, ép quan hệ tình dục, sau đó hắn bán chị vào quán karaoke, tiếp tục bị chủ quán ép tiếp khách.

Khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng mua bán người dưới 16 tuổi

Khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng mua bán người dưới 16 tuổi

VOV.VN - Sau 1 tuần quen biết, chị Như bị bạn đưa vào nhà nghỉ, ép quan hệ tình dục, sau đó hắn bán chị vào quán karaoke, tiếp tục bị chủ quán ép tiếp khách.

Cảnh giác với thủ đoạn mua bán người và mua bán nội tạng
Cảnh giác với thủ đoạn mua bán người và mua bán nội tạng

VOV.VN - Không chỉ lừa bán phụ nữ qua biên giới để làm gái mại dâm, trên địa bàn Hà Nội còn có hiện tượng mua bán nội tạng ở các bệnh viện.

Cảnh giác với thủ đoạn mua bán người và mua bán nội tạng

Cảnh giác với thủ đoạn mua bán người và mua bán nội tạng

VOV.VN - Không chỉ lừa bán phụ nữ qua biên giới để làm gái mại dâm, trên địa bàn Hà Nội còn có hiện tượng mua bán nội tạng ở các bệnh viện.