Tòa cấp cao bác đơn kháng cáo của tài xế kiện CSGT Hòa Bình
VOV.VN - HĐXX cho rằng CSGT tỉnh Hòa Bình phạt lỗi chạy quá tốc độ là đúng quy định pháp luật nhưng tài xế Vinh cho biết mình đi đúng và sẽ kháng án.
Sáng 27/6, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm vụ án hành chính về việc Khiếu kiện quyết định hành chính giữa người khởi kiện là ông Phạm Đức Vinh (42 tuổi, ở phường Đồng Tâm, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) với bên bị kiện là Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) công an tỉnh Hòa Bình.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định, việc CSGT tỉnh Hòa Bình xử phạt đối với ông Vinh là đúng theo quy định pháp luật nên bác kháng cáo của nguyên đơn.
Đại diện phòng CSGT tỉnh Hòa Bình tham dự phiên tòa là bà Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng CSGT. Về phía tài xế Vinh không mời luật sư.
Trước đó, Trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 19/12/2017, Tòa nhận định vị trí ông Vinh lái xe với tốc độ 76km/h được ghi nhận là km 40+500 nên vẫn thuộc khu vực đông dân cư. Do vậy, hành vi trên vi phạm điều 6, Thông tư 91/2015. Vì lý lẽ trên, HĐXX bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của tài xế Vinh.
Theo tài liệu vụ án, tối 16/4/2017, ông Phạm Đức Vinh lái xe bán tải BKS 21C - 034xx lưu thông trên quốc lộ 6 theo hướng từ Hòa Bình về Hà Nội. Khi ông Vinh lái xe đến Km 40 + 500 thuộc địa phận thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) thì tổ tuần tra CSGT đường bộ - công an tỉnh Hòa Bình yêu cầu dừng xe do phạm lỗi chạy quá tốc độ.
Sau đó, ông Vinh được thông báo chạy với tốc độ 76km/h trong khi đoạn đường này chỉ cho phép 50km/h. Tài xế này đã bị tổ công tác lập biên bản phạt hành chính 5,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 60 ngày theo Nghị định 46.
Trao đổi với phóng viên tại phiên tòa phúc thẩm, ông Vinh cho biết, giữa biên bản xử lý vi phạm của ông Vinh và phòng CSGT tỉnh Hòa Bình có mâu thuẫn. Bởi lẽ, ông Vinh cho rằng thời điểm đó mình chỉ chạy xe với tốc độ 71km/h và đã được lập biên bản. Tuy nhiên, trong biên bản của phòng CSGT tỉnh Hòa Bình lập lại ghi ông chạy xe với vận tốc 76km/h, có dấu hiệu sửa chữa.
Ông Vinh cho rằng, mình đã lái xe qua khu vực cắm biển R.420 "Bắt đầu khu đông dân cư", đi qua trạm thu phí và đoạn đường có nhiều ngã rẽ thì bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe, kiểm tra.
Ông Vinh trần tình, đi qua trạm thu phí là hết đoạn đường đông dân cư, bởi theo lý giải của tài xế này thì không ai đặt trạm thu phí ở khu vực đông dân cư.
Ông Vinh dẫn lại quy định trong Quy chuẩn 41/2016 và cho rằng, nếu trên đoạn đường có biển báo R.420 thì trong suốt đoạn đường đó phải có các biển báo nhắc lại cho tài xế nhưng ở thời điểm trên, ông lái xe và không thấy các biển nhắc lại.
"Tôi nhìn thấy biển R.420 rồi đến trạm thu phí, hiểu là khu đông dân cư sinh sống hai bên đường, tôi đi tốc độ 50km/h. Biển R.420 nằm trong nhóm biển hiệu lệnh, nếu qua ngã 3 không thấy biển nữa thì đi bình thường nên tôi đi bình thường. Các quốc lộ khác đều cắm biển nhắc lại tại các ngã 3, ngã 4 nhưng ở thời điểm trên tại ngã 3 khi tôi đi qua chưa có biển cắm nhắc lại" - ông Vinh trần tình.
Tài xế 42 tuổi mong muốn Tòa xem xét thấu đáo nội dung vụ án. Bởi lẽ, người đàn ông này, ngành CSGT phải có trách nhiệm kiểm tra các biển báo trên đường thuộc địa phận của mình, nếu thấy thiếu sót để góp ý, kiến nghị cơ quan chức năng làm thêm.
Ông Vinh đặt câu hỏi, tại sao đoạn đường quốc lộ 6 đi qua thị trấn Lương Sơn dài khoảng 4km nhưng tổ công tác không bắn tốc độ từ ngã 3 mà chọn vị trí khi lái xe thường tăng tốc để bắt lỗi?
Không có cơ sở chống án
Tại phiên tòa hôm nay, đại diện phòng CSGT - Công an tỉnh Hòa Bình cho rằng, trên quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Lương Sơn có các biển báo R.420 đặt ở KM43+100 và biển R.421 (biển báo hiệu hết khu đông dân cư) đặt ở Km 39+300.
Cũng theo vị đại điện này, Thời điểm ông Vinh bị tổ công tác phòng CSGT, công an tỉnh Hòa Bình dừng xe thuộc đoạn đường đông dân cư, nghĩa là từ điểm ông Vinh bị dừng xe phải đi khoảng 700m nữa mới có biển báo R.420 (hết khu đông dân cư).
Vậy nên, ông Vinh vẫn ở trong đoạn đường đông dân cư nên chỉ được phép đi 50km/h.
Đại diện phòng CSGT công an tỉnh Hòa Bình cho rằng, xử phạt ông Vinh 5,5 triệu đồng và tước bằng lái 60 ngày là đúng quy định pháp luật, theo Nghị định 46.
Về vấn đề sữa chữa biên bản vi phạm của ông Vinh bà Hằng cho rằng do số trong biên bản mờ nên mới được cán bộ tô thêm cho rõ, không có sự sửa chữa.
Trao đổi với báo chí, tài xế 42 tuổi mong muốn Tòa xem xét thấu đáo nội dung vụ án và cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc đến cùng./.