Vì sao Viện Kiểm sát đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ chạy thận?
VOV.VN - Phiên xét xử đang đi đến những ngày cuối nhưng đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa xem xét trả hồ sơ, điều tra bổ sung để làm rõ vấn đề liên quan.
Sáng 30/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục mở phiên sơ thẩm xét xử đối với 3 bị cáo trong vụ án chạy thận khiên 9 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Có dấu hiệu hợp lý hoá tài liệu
Trước đó, phiên xét xử chiều 29/5 bất ngờ "nóng" lên tại phần trả lời của ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Y tế) liên quan đến 2 văn bản của Bộ này gửi cho cơ quan điều tra và văn phòng luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương), được cho là có điểm khác nhau.
Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ để điều tra bổ sung. |
"Ông không bám sát câu hỏi số 4 của CQĐT đúng không? Quy trình trả lời văn bản của CQĐT này như thế nào?" - đại diện VKS hỏi. Ông Quang khẳng định không có mâu thuẫn gì, sau đó giải thích: "Trong công văn chúng tôi gửi cơ quan cảnh sát điều tra có nói hiện chưa có sửa chữa nào về hệ thống nước RO".
Viện Kiểm sát tiếp tục hỏi: "Trên cơ sở trả lời, 2 văn bản này góp phần làm Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra hiểu nhầm, ông giải thích như thế nào? Chúng tôi đưa ra kết luận một phần dựa trên công văn của bộ Y tế gửi, chúng tôi xác định trách nhiệm thuộc về bộ Y tế, quan điểm của ông như thế nào?"
Viện Kiểm sát cũng cho rằng hiện tại vẫn đang còn mâu thuẫn về hai công văn của Bộ Y tế trả lời về việc có cần thiết xét nghiệm AAMI hay không. Trong khi đó, nội dung các công văn này ảnh hưởng trực tiếp đến tội danh bị truy tố của các bị cáo, trách nhiệm của những người khác có liên quan.
Bên cạnh đó, theo đại diện Viện Kiểm sát, ở toà xuất hiện chứng cứ mới là vi bằng về cuộc đối thoại giữa bác sĩ Hoàng Công Tình (phó khoa hồi sức tích cực) và điều dưỡng viên Đinh Tiến Công.
Về vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát cũng nhận thấy có dấu hiệu của việc hợp thức hoá tài liệu về phân công nhiệm vụ cho bác sỹ Lương sau khi xảy ra sự cố y khoa khiến 9 người chết. Vì thế để xác định có hay không việc hợp thức hoá cần phải làm rõ.
Từ những căn cứ nêu trên, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét việc trả hồ sơ vụ án để làm rõ sự thật khách quan.
Hợp đồng lao động của Trần Văn Sơn có dấu hiệu làm giả?
Trong buổi sáng 29/5, luật sư Nguyễn Tiến Thủy (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ phòng vật tư - BVĐK tỉnh Hòa Bình) đưa cho bà Tới (Phó phòng tổ chức cán bộ - BVĐK Hòa Bình) một bản sao được cho là hợp đồng không xác định thời hạn của bị cáo Sơn. Tuy nhiên, bà Tới xác nhận không có hợp đồng này.
Luật sư thủy tại phiên tòa xét xử vụ chạy thận. |
Khi được luật sư Thủy đưa cho xem để xác nhận về 3 con dấu đóng trên văn bản nhưng bà Tới cũng cho rằng "việc này, không thể xác nhận bằng mắt thường".
Tiếp đến, ông Đỗ Đình Vận (PGĐ Bệnh viện) sau khi xem xong 3 con dấu trên bản hợp đồng cũng không biết đây là hợp đồng thật hay giả?
Vị luật sư bào chữa cho bị cáo Sơn lập luận, nếu nghi vấn này được làm sáng tỏ, HĐXX sẽ có đầy đủ cơ sở hơn để đánh giá trách nhiệm của bị cáo Sơn và những người liên quan đến việc phân công nhiệm vụ, sử dụng lao động./.