Vụ chạy thận: Luật sư đặt câu hỏi về con dấu không ai xác nhận
VOV.VN - Trong phiên tòa sáng 29/5, luật sư đưa ra bản hợp đồng giữa bị cáo Sơn và BV Hòa Bình nhưng không được xác nhận.
Sáng 29/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục mở phiên sơ thẩm xét xử đối với 3 bị cáo trong vụ án chạy thận xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Sau phần xét hỏi các đơn nguyên thận nhân tạo là phần trình bày của luật sư Nguyễn Tiến Thủy (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ phòng vật tư - BVĐK tỉnh Hòa Bình).
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy tại tòa
Nếu nghi vấn này được làm sáng tỏ sẽ liên quan chặt chẽ đến bản án mà VKS đề nghị đối với bị cáo Sơn, và HĐXX có cơ sở đánh giá trách nhiệm của những người liên quan đến việc phân công nhiệm vụ, sử dụng lao động. Theo cáo trạng, Trần Văn Sơn (cùng với bị cáo Hoàng Công Lương) đang bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Luật sư Thủy đề nghị bà Tới (phó phòng tổ chức cán bộ - BVĐK Hòa Bình) xác nhận bản sao được cho là hợp đồng không xác định thời hạn của bị cáo Sơn. Sau khi xem qua, bà Tới xác nhận không có hợp đồng này.
Khi được luật sư Thủy đưa cho xem để xác nhận về 3 con dấu đóng trên văn bản nhưng bà Tới cũng cho rằng "việc này, không thể xác nhận bằng mắt thường".
Tiếp đến, ông Đỗ Đình Vận (PGĐ Bệnh viện) sau khi xem xong cũng không biết đây là hợp đồng thật hay giả?
Khi được ông Vận ủy quyền trả lời, luật sư Nguyễn Danh Huế (bảo vệ cho BVĐK Hòa Bình) cho biết, phía bệnh viện nói là có hợp đồng của Sơn: Tuy nhiên đó chỉ là bản sao, còn hợp đồng chính của Sơn thì chưa có.
"Hiện tại, những hồ sơ lưu trữ gốc ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, chưa có hợp đồng gốc về việc ký hợp đồng dài hạn với Sơn. BVĐK tỉnh Hòa Bình khẳng định là chưa có hợp đồng ký kết với Sơn" - luật sư Huế cho biết.
Trước đó, vào đầu buổi sáng 29/5, khi được gọi lên, bà Tới (phó phòng phòng tổ chức cán bộ - BVĐK tỉnh Hòa Bình) cho rằng không có quyết định giao bác sĩ Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.
Về quy trình bổ nhiệm, bà Tới cho biêt, theo căn cứ của Sở nội vụ, đầu tiên phải có đề nghị đề xuất từ khoa. Sau đó gửi phòng Tổ chức cán bộ rồi trình Giám đốc. Nếu được, sẽ đưa ra Ban chấp hành đảng ủy đưa ra chủ trương. Sau đó lấy phiếu tín nhiệm gồm Ban lãnh đạo Bệnh viện, Khoa, Phòng. Trường hợp đạt 50% số phiếu trở lên thì đưa ra Ban chấp hành đảng ủy rồi tiến hành bổ nhiệm.
"Khi thành lập một đơn nguyên phải có Quyết định từ Giám đốc Bệnh viện, giao người phụ trách cũng phải có quyết định từ giám đốc Bệnh viện. Từ thời điểm bác sĩ Tiến chuyên đi (2015) chưa có đề xuất gì giao cho ai phụ trách quản lý đơn nguyên Thận nhân tạo. Tôi chưa nghe thấy ai đề xuất tại các cuộc họp về việc phân công phụ trách cho bác sỹ Lương. Về mảng điều dưỡng có khoảng 7 người được đào tạo cấp chứng chỉ về việc lọc máu", bà Tới nói./.