“Xã hội đen” đòi nợ thuê dọa chặt chân con nợ
Kiểu đòi nợ côn đồ như trên là chuyện “thường ngày” trong các vụ vay tín chấp kiểu xã hội đen.
Đầu tháng 5/2016, ông P.V.G (52 tuổi, ngụ chung cư Lê Thị Riêng, P.15, Q.10) gửi đơn đến Báo Thanh Niên cầu cứu vì bị một nhóm “xã hội đen” Hải Phòng đe dọa chặt chân do chậm trả nợ.
Theo đơn kêu cứu, tháng 10/2015, ông đọc tờ quảng cáo dán trên trụ điện gần khu vực chung cư với nội dung: “Cho vay trả góp - không thế chấp”… Ông G. liên lạc số điện thoại trên tờ quảng cáo gặp bà V.T.H (chủ một tiệm cầm đồ ở Q.6, TP.HCM) hỏi vay 5 triệu đồng và được hướng dẫn đến tiệm cầm đồ trên đường Lê Quang Sung (Q.6) làm thủ tục.
Tại tiệm cầm đồ, ông G. để lại hộ khẩu, giấy CMND bản chính chờ bà H. cho 2 người nam xăm mình đến chung cư xác minh địa chỉ. Sau khi có kết quả, bà H. đưa một tờ giấy vay tiền (mẫu in sẵn) ghi nợ vay 6 triệu đồng (thực tế vay có 5 triệu đồng - PV) trả trong thời hạn 40 ngày và một tờ giấy (mẫu in sẵn) thuê xe gắn máy với giá 100.000 đồng/ngày. Ông G. thắc mắc: “Tôi vay tiền, có thuê xe gắn máy đâu mà ghi thuê xe?” thì bà này nói ghi vậy để đối phó công an, nếu không chấp nhận thì khỏi vay tiền. Khi giao tiền, bà H. thu trước 1,05 triệu đồng tiền góp 1 tuần, số tiền ông G. thực nhận chỉ là 3,95 triệu đồng.
Đến tận nhà dọa giết
Nửa tháng sau, ông G. mất việc không có tiền trả nợ, bà H. điều 2 tên côn đồ xộc vào nhà tìm ông G. quát tháo trước mặt nhiều người: “Đ.M thằng G. đâu rồi? Nó không trả tiền bọn tao đâm bỏ mẹ”. Vào cuối năm 2015 - đầu 2016, Công an TP.HCM triệt phá một số băng nhóm cho vay nặng lãi ở Q.6, Q.8, Q.Gò Vấp… nên bẵng đi một thời gian không thấy nhóm này đến đòi nợ. Đến 5/4, nhóm người trên quay lại nhà ông G. dọa: “Không trả nợ, cho đàn em chặt chân” và đưa ra tối hậu thư: “Ngày 5/5, thằng G. không trả tiền cho bà H. thì xử”…
Trưa 5/5, một người tự xưng tên Kỳ đến căn hộ của ông G. đòi nợ nhưng ông yêu cầu đưa giấy vay tiền mới trả. “Tao đã nói rồi, công ty tao không cho mang giấy vay ra ngoài. Nếu công ty tao không uy tín thì làm sao có hơn 30 chi nhánh được. Nếu mày tiếp tục không trả nợ thì không chuẩn lắm. Tao không muốn anh em nó quay lại đây nhiều hơn, tao không nói được bọn nó đâu. Bọn nó tới là giải quyết mày luôn đấy”, Kỳ hăm dọa, nhưng vẫn hẹn 14h mang giấy vay đến nhà.
Đúng hẹn, Kỳ cùng một người khác mang theo một số giấy tờ đến chung cư ông G. ở. Ông G. yêu cầu đưa giấy vay nhưng Kỳ không đồng ý, mà lấy trong túi ra một tờ giấy đọc: “Ngày 21/10/2015, ông G. mượn 6 triệu đồng của bà V.T.H và hẹn sẽ trả hết trong vòng 40 ngày”. Lúc này, cảnh sát hình sự ập đến, Kỳ nhanh tay xé tờ giấy vay rồi bỏ vào miệng nhai, định nuốt hòng phi tang chứng cứ nhưng đã bị các trinh sát hình sự ngăn chặn. Kỳ và người đi cùng bị khống chế, đưa về trụ sở Công an P.15 điều tra làm rõ.
Đáng nói, trong lúc ông G. đang ở công an phường làm việc thì nhận được tin nhắn hăm dọa của một người được cho là “đàn anh” của Kỳ: “Mày mà về đến nhà là tao xử mày”, khiến ông G. vô cùng hoảng sợ.
Kiểu đòi nợ côn đồ như trên là chuyện “thường ngày” trong các vụ vay tín chấp kiểu xã hội đen. Tuy nhiên, các công ty đòi nợ thuê đang hoạt động hiện nay, khi đi đòi nợ, hành vi cũng “xã hội đen” không thua kém gì.
Nợ đã trả, vẫn bị đòi ?!
Trước vụ ông G. bị dọa “chặt chân”, đầu tháng 4 bà N.T.P.Th (ngụ Q.7, TP.HCM) cũng phản ánh với Báo Thanh Niên về việc bị người xưng của một công ty cổ phần dịch vụ đòi nợ có trụ sở Q.Tân Bình kéo đến nhà đòi 560 triệu đồng cho bà L.H.T.T.L (ngụ Q.Tân Bình, chuyên cho vay tiền). Theo bà Th., nhóm này gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần làm đảo lộn sinh hoạt của gia đình, buộc cả nhà phải lánh nạn trong khi đó món nợ bà đã trả rồi. Vụ việc cũng đã được bà gửi đơn tới Bộ Công an, Công an TP.HCM, Công an P.Tân Phong (Q.7), Công an Q.7 nhờ can thiệp để có phương án bảo vệ gia đình bà…
“Do quen biết, tin tưởng, tôi vay tiền bà L. nhưng lại chuyển tiền vào tài khoản của chồng bà L. (có sao kê của ngân hàng) và không lấy lại giấy vay mượn nên bà L. nhờ công ty đòi nợ. Đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản trắng trợn. Liên tiếp nhiều ngày, họ kéo nhiều người đến buộc tôi đưa tiền, quấy rối gia đình chúng tôi, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và tinh thần các thành viên trong gia đình tôi”, bà Th. bức xúc. Cũng theo bà Th., dù bà đã giải thích, chứng minh việc trả tiền cho bà L. song nhóm đòi nợ vẫn hẹn ngày 2/4 đến quán cà phê ở Q.1 giải quyết.
Khoảng 14h20 ngày 2/4, 6 người nam nói giọng bắc, xăm trổ đầy tay, vai... trong đó có người tự xưng P.V.Ch (đội trưởng), nhưng không có ai mang bảng tên gặp bà Th. ở quán cà phê. Nhóm người này lớn tiếng, nói bóng gió sẽ “xử” bà Th. nếu không chịu trả nợ. “Công ty cử đến đây đòi nợ. Đ.M... Bây giờ lo trả nợ đi, đừng nhờ ai cho mất công; trả hay không, chỉ cần nói một câu thôi, đéo nói vòng vo”, L.V.Q lớn tiếng. Ch. chen ngang: “Mày im! Để tao nói chuyện. Tui nói luôn nè. Bây giờ vay một người, trả một người là thế nào? Dù chuyển 10 tỉ đi chăng nữa, con Th. vẫn cứ nợ bà L. như thường bởi con Th. vay bà L., chứ vay chồng bà L. đâu. Đừng gọi nhờ ai cả, nợ vẫn là nợ”. Trước khi ra về, Ch. chỉ tay vào mặt bà Th. hăm dọa: "Thứ hai tuần tới nhớ mang theo tiền trả nợ còn không là…". Tuy nhiên, khi nhóm người này vừa đứng lên định ra về thì cảnh sát hình sự của Bộ Công an phối hợp Công an Q.1 xuất hiện, mời về trụ sở công an làm việc...
Một cán bộ Công an TP.HCM khẳng định việc đòi nợ như những trường hợp trên là không được phép. “Theo quy định, công ty thu hồi nợ trước khi đến đòi nợ phải thông báo cho công an địa phương, cho chủ nợ biết danh sách, lý do, thời gian đến đòi nợ. Khi đến phải mang bảng tên”, ông này nói và cho biết những vi phạm mà công ty đòi nợ thường mắc phải là sử dụng người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Do công ty đòi nợ không được tuyển dụng người có tiền án làm nhân viên nên họ lách luật bằng cách bố trí nhân viên đeo bảng tên (đúng quy định) làm việc với con nợ, còn hàng chục người khác đứng bên ngoài, mình xăm trổ, ăn mặc như “xã hội đen” gây áp lực, khủng bố tinh thần con nợ. Thực tế, một số vụ đòi nợ do công ty dịch vụ đòi nợ thực hiện có dấu hiệu kết cấu với băng nhóm phức tạp gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội./.