Xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận tử vong: Vì sao tranh cãi “nảy lửa”?
VOV.VN - Trong phiên sơ thẩm xét xử vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong tại Hòa Bình, đã có những tranh cãi nảy lửa và tình tiết bất ngờ.
Gần 2 tuần đã trôi qua kể từ khi bắt đầu phiên tòa sơ thẩm xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo khác trong vụ án nước dùng để chạy thận tồn dư hóa chất độc hại sau sửa chữa hệ thống lọc nước RO làm 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trong khi các luật sư đưa ra các chứng cứ và lập luận chứng minh bác sĩ Lương vô tội và đề nghị truy tố ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình) thì Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm, đề nghị xử phạt bác sĩ Lương từ 30 đến 36 tháng tù, cho hưởng án treo. Điều này đã gây nên cuộc tranh cãi “nảy lửa” tại nghị trường Quốc hội và tạo nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận. Đi tìm tiếng nói khách quan về vụ việc này, phóng viên VOV phỏng vấn cử nhân luật, nhà báo Hoàng Thị Hương, báo Văn hóa.
Nhà báo Hoàng Thị Hương. |
PV: Thưa nhà báo Hoàng Thị Hương, như vậy là đã gần 2 tuần xét xử các bị cáo trong vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong. Là một trong những phóng viên theo dõi, đưa tin về phiên tòa này, điều gì khiến chị suy nghĩ nhiều nhất?
Nhà báo Hoàng Thị Hương: Điều khiến tôi cảm thấy suy nghĩ nhất, đó là hình ảnh của những người bị hại trong phiên tòa này.
Sáng nào họ cũng đến từ rất sớm, có những người nhà xa tới 60 cây số. Người nào gần thì sáng đi tối về, con người nhà xa thì ở trọ lại.
Tôi có trò chuyện với 1 số bệnh nhân may mắn thoát chết trong vụ tai biến do chạy thận ngày hôm đó. Ví dụ như bà Bùi Thị Vân (xóm Ót, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình). Bà cho biết, do sức khỏe suy yếu sau khi sự cố xảy ra nên hiện nay bà không còn làm được gì. Trước mỗi tuần chạy thận 2 lần, bà vẫn làm cỏ ngô, cỏ lúa, chăn con lợn con gà và trông cháu, nhưng giờ thì thở còn không ra hơi.
Ngày nào bà và người nhà cũng phải dắt díu nhau đến để xem Tòa xử thế nào. Khi phóng viên hỏi bà mong muốn được đền bù thế nào về những tổn thất sức khỏe, tinh thần và chi phí đi lại, ăn ở thì bà chỉ nói “Tòa cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu". Đúng là rất đáng thương!
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tai biến chạy thận tại Hòa Bình. Ảnh: Lê Tùng |
Nhà báo Hoàng Thị Hương: Trong phiên tòa này, HĐXX có 5 người, gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Thẩm phán, chủ tọa Nghiêm Hoài Anh thì tôi thấy cách hỏi rất mạch lạc, có trọng tâm.
Tuy nhiên, đối với thẩm phán Vũ Duy Tuấn thì bản thân tôi nhận thấy cách hỏi của ông rất dài dòng, lề mề. Đặc biệt, cách hỏi nhát gừng với những câu hỏi cộc lốc, không chủ ngữ, vị ngữ khiến người được hỏi rất khó chịu. Đặc biệt, ngữ điệu khi hỏi có vẻ kẻ cả.
Trong khi những người được hỏi là những nông dân, ít khi ra khỏi làng bản, và lần đầu tiên họ đến chốn uy nghi như công đường, họ sẽ rất lúng túng.
Có người như bà Bùi Thị Căn, khi được vị thẩm phán này hỏi dồn dập, đã đứng im, không biết trả lời thế nào. Thậm chí cả chị Chiến (con của nạn nhân Lê Thị Chung), hiện đang làm tại Ban Quản lý dự án huyện Cao Phong, có thể coi là người có tri thức và giao tiếp tốt, cũng không ít lần lúng túng trước các câu hỏi, cách hỏi của thẩm phán Vũ Duy Tuấn.
Tôi nghĩ, họ là những bị hại, họ đã bị tổn hại về sức khỏe và tinh thần thì nên có cách hỏi nhẹ nhàng, khơi gợi, vừa để họ bình tĩnh khai báo, vừa thể hiện sự cảm thông và trắc ẩn của những người đang cầm cân nảy mực.
PV: Theo chị, vì sao phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương lại trở thành tâm điểm của dư luận và gây nên những tranh cãi "nảy lửa" tại nghị trường Quốc hội trong những ngày qua như vậy?
Nhà báo Hoàng Thị Hương: Theo tôi, vụ án này trở thành tâm điểm của dư luận và gây nên những tranh cãi “nảy lửa” tại nghị trường là bởi vì hậu quả do sự cố tai biến này gây ra rất nghiêm trọng, làm chết 9 người và 9 người khác bị tổn hại về sức khỏe. Mà theo như đại diện Bộ Y tế hôm trả lời trước tòa, trên thế giới chưa từng có sự cố y khoa nào nghiêm trọng như thế này xảy ra đối với ngành chạy thận nhân tạo.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình thì nguyên nhân là do các bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn và Hoàng Công Lương đã cẩu thả, thiếu trách nhiệm nên để xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ, trong đó có thể nói nguyên nhân dẫn đến sự cố nghiêm trọng trên chính là quy trình hoạt động và cách thức quản lý của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Đối với việc khám chữa bệnh thì cần một quy trình rất nghiêm ngặt, nhưng ở đây cho thấy quy trình rất lỏng lẻo. Cách thức quản lý của bệnh viện cũng rất thiếu khoa học, nên nhiều khi phân công nhiệm vụ theo kiểu nói mồm với nhau.
Cái sai ở đây là sai có hệ thống, từ trên xuống dưới, do đó, cần phải quy trách nhiệm cho cả người đứng đầu bệnh viện và các lãnh đạo khoa, phòng có liên quan, sau đó mới đến các nhân viên trực tiếp.
Tuy nhiên, ở vụ án này, chỉ có 2 nhân viên của Bệnh viện và 1 nhân viên của đối tác bị truy tố, xét xử nên dư luận cảm thấy việc truy tố, xét xử này là không công bằng, không khách quan.
PV: Có một điều lạ là sau mỗi buổi xét xử, người nhà nạn nhân lại chờ ở cổng TAND TP Hòa Bình để được gặp, chia sẻ và động viên bác sĩ Hoàng Công Lương; thậm chí trong phần xét hỏi, họ còn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bác sĩ Lương vô tội. Vậy, chị lý giải như thế nào về điều này vì có ý kiến cho rằng nếu bác sĩ Lương có tội thì lẽ ra phải bị gia đình nạn nhân căm phẫn?
Nhà báo Hoàng Thị Hương: Đúng là chứng kiến phiên toà này, tôi thấy có điều nghịch lý là các bị hại lại xin toà xử cho bị cáo vô tội. Thông thường thì bị hại họ sẽ xin toà xử nghiêm bị cáo, còn thực tế thời gian qua tại một số cơ sở y tế, khi có sự cố chết người xảy ra, thậm chia chỉ là do chậm trễ trong việc tiếp nhận, điều trị, người nhà bệnh nhân đã có thể tấn công bác sỹ và các nhân viên y tế.
Vậy nên theo tôi, ở đây có 2 lý do khiến các các nạn nhân và gia đình của họ xin cho bác sỹ Hoàng Công Lương.
Thứ nhất, các bệnh nhân chạy thận thường có thời gian điều trị lâu dài tại bệnh viện nên bản thân họ và người nhà của họ hiểu rất kỹ về bác sỹ điều trị của họ. Khi khai báo trước hội đồng xét xử cũng như bên ngoài phòng xử án, các nạn nhân và gia đình của họ đều khen bác sỹ Lương là bác sỹ giỏi và rất tận tình chu đáo.
Thứ 2 là như trên tôi đã nói, người dân và người nhà bệnh nhân cảm thấy không công bằng khi bác sỹ Lương bị truy tố, trong khi lãnh đạo bệnh viện và những người khác lại không bị truy tố, xét xử.
PV: Theo dõi phiên tòa trong những ngày qua, chị có chia sẻ gì về 2 bị cáo còn lại?
Nhà báo Hoàng Thị Hương: Đối với hai bị cáo còn lại, tôi thấy họ cũng đều rất trẻ và hoàn cảnh gia đình cũng rất đáng thương. Việc họ gây ra, có phần do lỗi của họ, nhưng nếu quy trình chặt chẽ ngay từ đầu, tôi nghĩ họ sẽ không mắc những lỗi như thế này.
Tôi cũng mong là họ được hưởng mức án nhẹ để họ sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.
PV: Vâng, Xin cảm nhà báo Hoàng Thị Hương đã trao đổi cùng chúng tôi!