Xét xử vụ chạy thận: Bất ngờ tình tiết có lợi cho bác sỹ Lương
VOV.VN - Trong phiên tòa chiều 21/5, ông Đinh Tiến Công xác nhận việc ghi thêm vào sổ giao ban nội dung phân công Bs Lương sau sự cố là những điểm đáng chú ý.
Chiều 21/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục mở phiên sơ thẩm xét xử đối với 3 bị cáo trong vụ án chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 9 người tử vong.
Lời khai bất ngờ có lợi cho bác sỹ Lương
Tình tiết bất ngờ diễn ra cuối giờ chiều 21/5 khi ông Đinh Tiến Công (Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực) xác nhận có việc ghi thêm vào sổ giao ban nội dung phân công bác sỹ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.
Bác sỹ Lương tại phiên tòa. |
Sau khi ông Công công bố tình tiết này, người nhà các nạn nhân ngồi phía dưới ngay lập tức đồng loạt vỗ tay làm sôi động cả khán phòng.
Theo đó, ông Công khai việc “bổ sung” này diễn ra ngay sau khi sự cố xảy ra. Mục đích của việc làm này là để hoàn thiện các thủ tục hành chính, quy trình chuyên môn. Sau sự cố cả khoa chưa biết nguyên nhân do đâu nhưng cần phải hoàn thiện các thủ tục hành chính.
“Trưởng khoa và phó khoa phân công tôi làm việc này. Tôi không biết ai trực tiếp chỉ đạo nhưng phải có sự bàn bạc của Trưởng và phó khoa. Phần viết thêm là ở mục cuối cùng của biên bản, đoạn phân công nhiệm vụ. Sau khi bổ sung vào thì mọi người mới ký nhận”, ông Đinh Tiến Công nói.
Ông Đinh Tiến Công tại phiên tòa chiều 21/5. |
“Về nội dung cuộc họp 2015, sau sự cố, khoa thường xuyên họp, thống nhất. Tôi được Trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu chỉ đạo viết. Năm 2016 thì ghi nội dung phân công không thay đổi so với năm 2015.”
Ông Công khẳng định lại một lần nữa, sau khi sự cố xảy ra mới ghi, năm 2015 không phân công bác sỹ Hoàng Công Tình phụ trách đơn nguyên hồi sức tích cực, bác sỹ Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo vào trong biên bản mà chỉ phân công bằng miệng.
Trước đó, mỗi lần được HĐXX hỏi, ông Công khẳng định nội dung ghi trong biên bản cuộc họp được ông ghi ngay sau các cuộc họp.
Đối chất với lời khai này, ông Hoàng Công Khiếu (nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, PGĐ Bệnh viện) nói, năm 2015 đã phân công các bác sỹ theo đúng như ông khai, nhưng “không nhớ phân công tại cuộc họp nào”.
“Tôi không biết sổ giao ban đó ở đâu, khi được Cơ quan CSĐT cho xem sổ giao ban thì tôi xác nhận chữ ký của tôi. Tôi khẳng định không chỉ đạo bất cứ ai sửa chữa nội dung cuộc họp. Tôi không hiểu anh Công ghi lúc nào và làm những gì. Như tôi đã nói, khi họp xong thì tôi ký ngay, từ đó đến nay tôi chưa được ký chữ ký nào.” Ông Hoàng Đình Khiếu nói.
Đề nghị Tòa tuyên bác sĩ Lương vô tội, giảm án cho 2 bị cáo còn lại
Sáng 21/5, phiên tòa xét xử vụ án chạy thận bước sang ngày làm việc thứ 5 với phần xét hỏi bị hại cùng người có quyền và nghĩa vụ liên quan để làm rõ trách nhiệm dân sự trong vụ án. Bên cạnh việc yêu cầu các khoản bồi thường, một số gia đình nạn nhân đề nghị tòa tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội và mong Tòa xem xét giảm án cho 2 bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc.
HDDXX vụ án chạy thận. |
Trong phần xét hỏi, bà Bùi Thị Căm, vợ của nạn nhân Bùi Văn Pơi (xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) trình bày, sự cố đã khiến bà thành goá phụ, dù đã gần một năm xảy ra sự việc nhưng đến nay nỗi đau vẫn chưa thể nguôi.
Tại phiên tòa, một số gia đình người thân của nạn nhân cho biết, họ không thể nhớ được hết các khoản mai táng phí hoặc tiền đi lại, ăn ở và chi phí đưa những bệnh nhân lên tuyến trên cấp cứu từ cách đây gần 1 năm.
Tổng chi phí mai táng của 9 gia đình nạn nhân được đề nghị bồi thường lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, mỗi gia đình có bệnh nhân tử vong còn đề nghị bồi thường 130 triệu đồng tiền tổn thất về tinh thần và 148 triệu đồng để mua đất mộ phần ở khu Lạc Hồng Viên tại Kỳ Sơn (Hòa Bình).
Tại phiên tòa chiều nay, nói về nỗi đau mất vợ trong vụ án chạy thận, ông Phạm Ngọc Thạo (chồng của nạn nhân Lê Thị Chung) mong muốn tòa xử đúng người, đúng tội nhưng cũng không làm oan người vô tội.
"Quốc và Sơn là những người trẻ và trụ cột trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên mong Tòa xem xét với 2 bị cáo. Bác sỹ Lương làm chuyên môn khám chữa bệnh, không liên quan đến chất lượng sửa chữa hệ thống lọc nước RO nên không có tội.
Bên cạnh đó, một số gia đình nạn nhân còn đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) và ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn - đơn vị ký hợp đồng sửa chữa thiết bị với bệnh viện).
Theo luật sư Nguyễn Hoàng Trung thì trách nhiệm bồi thường cho các gia đình nạn nhân thuộc về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, mức chi phí thực tế còn gây nhiều tranh cãi. Nhất là chi phí mai táng thường không có hóa đơn, chứng từ. Hoặc trong trường hợp cụ thể, bệnh nhân Đinh Thị Thu Hằng (SN 1981 đã tử vong), gia đình yêu cầu bồi thường cả khoản nợ ngân hàng chính sách xã hội 30 triệu đồng và tiền trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho con của bệnh nhân này.
Đáp lại lời luật sư, Chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Nghiêm Hoài Anh cho biết, gia đình bị hại cần phải trình bày, có những khoản chi không cần phải hóa đơn đỏ vẫn sẽ được xem xét đền bù.
Người nhà nạn nhân bác thông tin BVĐK Hòa Bình hỗ trợ 20 triệu đồng
Cũng trong phiên tòa chiều nay, ông Đỗ Đình Vận (Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) khẳng định ngay sau khi sự cố y khoa xảy ra, Bệnh viện đã hỗ trợ mỗi gia đình có nạn nhân tử vong 20 triệu đồng, mỗi nạn nhân đang cấp cứu 2 triệu đồng. Tuy nhiên, tất cả người nhà của 18 nạn nhân (bao gồm 9 nạn nhân tử vong và 9 nạn nhân may mắn sống sót) đều phản bác thông tin này.
Ông Đỗ Đình Vận (Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) đứng trước bục khai báo.
Đại diện gia đình nạn nhân tử vong cho biết họ mới chỉ nhận được 10 triệu/ người hỗ trợ từ bệnh viện, những gia đình bệnh nhân bị ảnh hưởng mới chỉ nhận được 2 triệu đồng/ người.
Ông Đỗ Đình Vận (Đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) khẳng định: “Bệnh viện đã dành một phần quỹ hỗ trợ các gia đình nạn nhân, mỗi người 20 triệu đồng và 2 triệu đồng. Ngay tối 29/5/2017, chúng tôi hỗ trợ 20 triệu đối với gia đình nạn nhân tử vong, 2 triệu đối với nạn nhân đang cấp cứu”.
Tuy nhiên, khi HĐXX yêu cầu xác nhận lại cho chính xác Bệnh viện đã hỗ trợ nạn nhân 10 triệu đồng hay 20 triệu đồng, ông Vận đáp “nghe nói là 20 triệu đồng”.
Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng quá trình đàm phán để bồi thường cho các nạn nhân gặp khó khăn bởi số lượng nạn nhân đông. Khi sự cố xảy ra, Giám đốc Trương Quý Dương bị đình chỉ và cách chức luôn nên cũng là khó khăn cho chúng tôi trong quá trình giải quyết”.
Ông Đỗ Đình Vận cũng khẳng định Bệnh viện không chối tội và bày tỏ sự tin tưởng HĐXX xét xử đúng người đúng tội để các tổ chức, cá nhân gây ra vụ việc phải chịu trách nhiệm. Quan điểm của Bệnh viện là Bệnh viện sai đến đâu thì sẽ có trách nhiệm đến đấy./.