Thám tử lừng danh

Cả sự nghiệp điều tra của mình, ông thám tử thấy rằng, nhiều chuyện mà thiên hạ đang có, Việt Nam có từ xa xưa

1. Sau khi dư luận râm ran đòi sửa lại cái kết của chuyện cổ tích Tấm Cám, một chuyên gia hình sự không nhất trí với những ý kiến này vì theo ông, vấn đề là phải lật lại vụ án lại cho có hậu. Vì thế, ông quyết định xin thôi việc để làm thám tử điều tra riêng. Ông nói, tôi học theo phim Mỹ, cảnh sát chỉ có thể điều tra có kết quả khi nộp phù hiệu xin ra khỏi ngành.

Và quả thực, điều ông nhận định đã đúng. Bằng chứng là ông phát hiện ra lá thư của Tấm gửi cho chồng trước khi bỏ nhà ra đi được một tay blogger thời đó chụp ảnh, đăng lại trong một entry nay đã… hoá thạch. Lá thư đó thế này:

Thiếp với ngài quả không có duyên phận, nên bây giờ dù có tái hợp thì vô duyên đối diện cũng bất tương phùng, vì thế, để tránh hậu hoạ, thiếp quyết định ra đi.

Trước hết, thiếp phải nói lời cảm ơn ngài vì đã ba lần bảy lượt đi tìm thiếp. Đến nỗi ngài còn mạo hiểm với mình khi truyền, ai xỏ chân vừa chiếc giày thì chàng lấy làm vợ. Thiếp nói mạo hiểm là vì lúc đó, giả sử một bà già 90, hay một thiếu nữ tâm địa xấu xa xỏ vừa đôi giày và ngài đưa về làm vợ thiên tử, làm mẹ muôn dân, không biết muôn dân sẽ còn gánh chịu hậu hoạ khôn lường đến mức nào.

Chuyện Tấm Cám (Ảnh minh họa)

Thiếp cũng biết ngài là một người đàn ông luỵ tình, mấy lần thiếp chết, ngài ra ngẩn vào ngơ không chịu chấp chính, bê trễ công việc, ra gốc cây xoan mà nằm rồi hy vọng vào vàng ảnh vàng anh… Nhưng ngài chưa bao giờ nghĩ vì sao thiếp chết; có nghĩ ngài cũng chưa bao giờ cho quần thần điều tra cái chết của thần thiếp để xử kẻ bạo tàn, tức là ngài không bao giờ nghĩ đến chuyện diệt trừ cái ác tận gốc, vì thế đời thiếp mới ba chìm bảy nổi chín lênh đênh…

Và vì thế, thiếp không có lòng tin là sống với ngài, thiếp không phải chết đi lần nữa. Có thể lần này không phải Cám mà là một người nào đó.

Thiếp sẽ đến một nơi nào đó không ai biết và sống nốt phần đời còn lại. Mong ngài không còn uy hiếp mà bỏ bê triều chính. Xin ngài để thiếp yên, đừng cho quần thần tìm kiếm. Chào ngài.

Ngoài lá thư, blogger này còn viết thêm đoạn kết:

Vua đọc xong lá thư thì cho quần thần đăng đàn xử án. Hình phạt đổ nước sôi cho Cám chết rồi làm mắm gửi về cho mẹ Cám là hình phạt mà quần thần tuyên và thi hành án.

2. Quả thật, khi một điều tra viên trả phù hiệu để làm thám tử thì họ làm được rất nhiều việc. Ngoài vụ Tấm Cám, ông này còn làm sáng tỏ chuyện người anh trong truyện Cây khế. Thực ra người anh cũng chỉ may túi ba gang (chứ đâu phải sáu gang) và chỉ lấy đầy túi đó vàng. Tuy nhiên, anh này đã bị bắt khi bay trên Đại bàng Airlines và sau đó bị kết án tù vì vận chuyển và tàng trữ vàng… cục.

Thám tử này cũng đã minh oan cho người trong câu chuyện Trí khôn của ta đây. Rằng người không phải là thú tặc đến mức có thể trói con cọp lại rồi chất lửa đốt khiến con cọp phải cháy vằn vện như bây giờ. Ông còn lý giải chuyện cọp được đưa vào sách đỏ là vì đức khiêm tốn học hỏi của loài vật này. Bằng cớ là nghe người có trí khôn thì cọp đến xin xem và “giao lưu học hỏi” mà thôi. Đức khiêm tốn đó sau này được con người học theo. Bất kỳ đi thi đấu ở đâu cũng cốt để “giao lưu học hỏi”, không cốt để thắng.

Chỉ còn một vụ án làm ông đau đầu là vụ Thạch Sanh – Lý Thông. Không phải vì chuyện ai đúng ai sai mà vì ông không thể làm sáng tỏ được vấn đề: khi sét đánh, con người Lý Thông có thể đột biến gien và biến thành con bọ hung.

Thám tử lừng danh này cất công sang tận Mỹ để “giao lưu học hỏi”, vì theo ông, nước Mỹ có rất nhiều người đột biến gien, đến nỗi trở thành chủ đề hot để nhiều nhà làm phim khai thác. Qua đó, ông có thể làm sáng tỏ được thêm chuyện vì sao Tấm đột biến gien để có thể biến thành con chim sẻ.

Trong một email mới nhất được ông gửi từ Mỹ về địa chỉ nhà riêng theo đường chuyển phát nhanh, ông cho biết, việc động vật đột biến gien để biến thành một động vật khác thì quá bình thường, nhưng chuyện một động vật đột biến gien để biến thành thực vật như Tấm biến thành quả thị thì đến cả Mỹ cũng chưa từng xảy ra. Và ông kết luận: Từ xa xưa, Mỹ đã thua xa Việt Nam!

Thám tử cũng nhận được email trả lời qua đường chuyển phát nhanh, email viết, chỉ Việt Nam mới có thể làm cho người ta gửi email qua đường chuyển phát nhanh. Chuyện này đố Mỹ làm được. Vì thế, ông không cần “giao lưu học hỏi”. Nhờ chuyện này mà thám tử càng lừng danh hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên