Ô nhiễm môi trường ở Bình Dương do quản lý yếu kém?
VOV.VN - Người dân mong muốn chính quyền vào cuộc quyết liệt để những dòng nước "chết" được "hồi sinh", để bầu không khí ô nhiễm trở nên trong lành hơn.
Gần đây, ở tỉnh Bình Dương liên tục xuất hiện các hiện tượng lạ, như suối nổi bọt trắng xóa, bỗng dưng đổi màu, kèm mùi hôi… khiến nhiều người lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Người dân mong muốn chính quyền vào cuộc quyết liệt để những dòng nước “chết” được “hồi sinh”, để bầu không khí ô nhiễm trở nên trong lành hơn.
Suối liên tục đổi màu, không khí nặng mùi...
Hai năm trở lại đây, cả trăm hộ dân sống ven suối Cây Sao, ở phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cảm thấy bất an khi nước con suối trước nhà đổi màu liên tục, kèm mùi hôi khó chịu.
Theo ông Mai Cộng Hòa, sinh sống hơn 10 năm ở khu vực này thì trước đây, con suối này rất sạch. Mỗi khi chiều xuống mọi người thường rủ nhau đi bắt cá, hay đi bộ ven suối tập thể dục. Nhưng 2 năm nay, nước thải từ khu dân cư, các nhà máy ở thượng nguồn đổ ra sông Đồng Nai thì cũng là lúc ô nhiễm bắt đầu xuất hiện ở dòng suối. Ông Mai Cộng Hoà cho biết: "Hiện tại, nước con suối lúc màu xanh, lúc màu hồng, hoặc đen ngòm. Vào mùa mưa thì đỡ hôi vì nước mưa cuốn nước thải chảy ra sông. Mùa khô, nước thải đọng lại bốc mùi hôi, ở xa vẫn nghe mùi như mùi thuốc sâu”.
Cũng như bà con ở đây, chị Lâm Thanh Hương, nhà ở cạnh suối Cây Sao mong muốn các ngành chức năng quan tâm, tìm giải pháp giúp con suối trở lại xanh trong như trước. “Tôi sợ ảnh hưởng sức khỏe của các bé. Nhiều lúc hôi quá bé thở không được nên bị đau đầu, ói, chóng mặt. Mong muốn chính quyền địa phương có biện pháp xử lý những người thải chất thải ra ngoài cho đỡ ô nhiễm, dân ở đây đỡ khổ”, chị Hương chia sẻ.
Nhận được phản ánh của người dân, cơ quan chức năng thành phố Dĩ An đã vào cuộc xác định nguyên nhân nước con suối Cây Sao có hiện tượng lạ. Qua kiểm tra đã phát hiện một số đơn vị xả nước thải, hóa chất ra suối, nhưng cũng nhiều lần không xác định được nguyên nhân khiến nước suối đổi màu.
Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, người dân thành phố Dĩ An còn phản ánh về nạn ô nhiễm không khí, nhất là khu vực gần các công ty, xí nghiệp. Ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dĩ An cho rằng, do địa bàn đông dân cư, hoạt động kinh tế sôi động và tốc độ đô thị hóa nhanh nên ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi, dẫn tới việc ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân.
Ông Võ Anh Tuấn cho biết: Thành phố sẽ chỉ đạo UBND các phường thành lập tổ tuần tra bảo vệ môi trường để kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời tích cực truyền thông nâng cao nhận thức để mọi người chung tay bảo vệ môi trường: "Thành phố đã chỉ đạo phường lắp đặt camera các vị trí phát sinh bãi rác tự phát, ghi nhận làm cơ sở xử lý. Thành phố có chủ trương sẽ công khai danh tính, hình ảnh những doanh nghiệp, cá nhân vi phạm về môi trường ngoài mục đích giáo dục còn mang tính cảnh tỉnh và răn đe".
Ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí đang diễn ra trên diện rộng trong tỉnh Bình Dương chứ không chỉ ở thành phố Dĩ An. Mới đây, con suối Chợ, đoạn qua địa phận phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương xuất hiện bọt trắng xóa tràn cả vào nhà dân khiến người dân lo lắng. Anh Nguyễn Văn Thìn, người dân sống gần suối Chợ cho biết: "Sau khi mưa khoảng nửa tiếng là thấy bong bóng dồn ào ào trắng xóa từ trên đập xuống cả con suối. Người dân lo lắng rất nhiều vì nguồn nước thải ở đây xả liên tục, rất bẩn".
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã cử cán bộ kiểm tra, xác định nguyên nhân do Công ty Cổ phần bột giặt LIX, tại khu công nghiệp Đại Đăng, thành phố Thủ Dầu Một để hóa chất vượt tiêu chuẩn 75 lần chảy ra ngoài cống thoát nước mưa, đổ ra suối.
Dân kiến nghị, chính quyền chậm xử lý
Tại một số địa phương, chỉ bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Người dân nhiều lần kiến nghị vấn nạn xả thải do một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Tân Hiệp Phát; Công ty cổ phần Đá Núi Nhỏ; Công ty TNHH giấy Vina Kraft; Công ty An Hưng Tường; Công ty gỗ Tiến Phát; Cơ sở gốm sứ Minh Hưng... gây ra, nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Điều này khiến họ đặt ra câu hỏi, cơ quan chức năng thờ ơ hay yếu kém trong công tác quản lý?
Mặt khác, ở một số nơi, ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường nhưng chỉ xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe, dễ tái phạm. Cụ thể như Công ty Cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành; Công ty giấy Nam Tiến; Công ty TNHH MTV gỗ Nông Nghiệp… từng bị xử phạt nhưng sau đó vẫn bị người dân phát hiện cố tình xả thải.
Những biện pháp mạnh tay, xử lý quyết liệt hơn nhằm giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm do con người gây ra đang là mong muốn của nhiều người dân ở Bình Dương. Nên chăng địa phương này cần có sự chọn lọc kỹ hơn, hạn chế tối đa việc cấp phép hoạt động các dự án có nhiều khả năng gây ô nhiễm môi trường./.