10 ngày sau khi Nghị định 100 có hiệu lực
VOV.VN - Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 đã khởi đầu cho câu chuyện đường dài về thay đổi văn hóa khi tham gia giao thông.
Sau 10 ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực, hiệu quả tích cực đầu tiên là việc các bệnh viện không còn tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn giao thông do rượu bia.
"Đã uống rượu bia thì không lái xe" |
Không có trường hợp vi phạm nồng độ cồn do ăn hoa quả
Ngay ngày đầu tiên của năm 2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, đồng thời Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng bắt đầu được thực thi. Trong đó, với người vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất với người điều khiển ô tô là từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Với người điều khiển xe mô tô, mức phạt từ 6-8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe tương tự. Thậm chí, người điều khiển xe đạp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông phải chịu phạt từ 400.000-600.000 đồng.
Không ít người đã ngỡ ngàng với mức phạt nặng, có khi còn lớn hơn giá trị của phương tiện. Nhiều người dân đồng tình với xử phạt mạnh tay các trường hợp sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, tuy nhiên vẫn cho rằng mức phạt đang cao hơn so với thu nhập bình quân của người Việt Nam hay việc chỉ uống một chén rượu, bia cũng bị phạt là quá nặng.
Những mức phạt nặng này đang tác động lớn tới không chỉ ý thức mà còn là hành vi của người tham gia giao thông và cả thói quen khi việc sử dụng rượu bia trong cuộc sống thường ngày của người dân.
TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 sau hơn một tuần thực hiện đã được triển khai nghiêm túc trên toàn quốc.
“Tất cả các địa phương đều vào cuộc và triển khai với tất cả các khung thời gian không chỉ vào giờ cao điểm, mà còn cả ban đêm khi lưu lượng giao thông giảm. Theo đánh giá khách quan, dư luận và người dân rất ủng hộ thực hiện các quy định này. Còn một số trường hợp không nhiều người dân chưa nhận thức được quy định của pháp luật hoặc có hành vi bất hợp tác và chống đối. Với những trường hợp không tuân thủ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, chúng ta cũng phải xử lý thật nghiêm”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sau hơn một tuần thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100, lực lượng chức năng chưa ghi nhận trường hợp nào người dân ăn hoa quả hay sử dụng nước súc miệng bị phạt vì vi phạm nồng độ cồn như những nghi ngại trước đó.
“Lực lượng chức năng có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm và năng lực để sàng lọc và phát hiện chính xác những người sử dụng rượu bia”, ông Minh nói.
Cấm triệt để lái xe uống rượu bia: Phạt nặng, nhẹ hay là vừa?
Cấp cứu vì tai nạn giao thông giảm
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (BV Việt Đức), số người nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông giảm 6-8%. Sau ngày 1/1/2020, có ngày số người cấp cứu vì tai nạn giao thông chỉ có 27 trường hợp, so với trước đây trước khi Nghị định được thực thi, có ngày cao điểm BV tiếp nhận khoảng 100 trường hợp đến cấp cứu.
PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, BV Việt Đức khẳng định, đây là tín hiệu đáng mừng đầu tiên và nếu tiếp tục phát huy nó còn giúp giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho thấy, trong dịp nghỉ Tết dương lịch, có 18 người thiệt mạng do tai nạn giao thông trên cả nước so với các năm trước là 22-23 người. Số người thiệt mạng bình quân/ngày do tai nạn giao thông đã giảm gần 20%.
PGS.TS Nguyễn Đức Chính nhận định: “Chúng tôi đã chứng kiến những hậu quả rất nặng nề. Tất cả người tham gia giao thông đều có thể là nạn nhân hoặc là người gây ra tai nạn. Hàng ngày, chúng tôi cấp cứu các trường hợp gặp nạn không chỉ là phương tiện cơ giới mà còn cả các phương tiện thô sơ như xe đạp. Trong đó, có trường hợp nguyên nhân gây tai nạn đến từ những phương tiện thô sơ, khi người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông”.
Tai nạn giao thông gây gánh nặng lớn cho hệ thống y tế. Cụ thể, BV Việt Đức tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân mỗi ngày đến cấp cứu về tai nạn thương tích, trong đó, 60-70% là do tai nạn giao thông. “Do đó, khi tỷ lệ người nhập viện vì tai nạn giao thông giảm, các bệnh viện sẽ giảm bớt bệnh nhân trong bối cảnh phải kiểm soát và giảm quá tải cấp cứu. Về chi phí y tế, các bệnh viện cũng sẽ giảm bớt khi tập trung vào chăm sóc các bệnh nhân có bệnh tật và phát triển các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh”, PGS.TS Nguyễn Đức Chính nói./.