1.200 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, 42.000 người mất việc
VOV.VN - Tại 44 tỉnh, thành phố có hơn 1.200 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động với khoảng 500.000 lao động bị ảnh hưởng, gần 42.000 lao động bị mất việc.
Chiều nay (8/12), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo “Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thực trạng và giải pháp”.
Theo Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại 44 tỉnh, thành phố có hơn 1.200 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động với khoảng 500.000 lao động bị ảnh hưởng, gần 42.000 lao động bị mất việc. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, nhất là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ ở khu vực phía Nam.
Điều tra mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, 42% người lao động không có nhà; 54% không có đất ở; 59% không có tích luỹ; 11,7% có tích luỹ nhưng chỉ duy trì dưới 1 tháng, 16,7% có tích luỹ, duy trì từ 1-3 tháng; 12,7% có tích luỹ, có thể "cầm cự" trên 3 tháng. Ngoài ra, 38% công nhân đang nợ nần, trong số này có 14% rất khó khăn để trả nợ đúng hạn.
Đại diện Liên đoàn lao động TP.HCM cho biết, tại địa phương có khoảng hơn 6.000 lao động bị mất việc, hơn 100.000 lao động bị giảm giờ làm. Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH khiến người lao động càng thêm khó khăn. Đại diện Liên đoàn lao động TP.HCM cũng đề xuất cần có các gói hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ cho vay vốn với các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng để tái cơ cấu sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng cần đẩy mạnh việc giới thiệu việc làm để người lao động có việc làm thời điểm cuối năm, khi Tết đang cận kề.
Còn theo ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội thời điểm này cần tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao; tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tiếp tục thực hiện những chính sách đã ban hành…
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, tình trạng người lao động bị ảnh hưởng việc làm nếu không giải quyết tốt thì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Hơn lúc nào hết phải có chính sách thoả đáng, sát với thực tiễn đời sống để hỗ trợ đối người lao động, vừa nuôi dưỡng nguồn lực lao động, cũng như để doanh nghiệp duy trì, tồn tại, có cơ hội để tiếp tục phát triển. Bên cạnh chính sách cấp bách thì cần chính sách lâu dài như thu hút đầu tư, tạo việc làm, BHXH...
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, hiện nay tổ chức công đoàn đang quyết liệt để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động, đảm bảo mỗi người lao động đều có Tết. Tổng Liên đoàn cũng đang nghiên cứu để đề xuất các gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Trong bối cảnh khó khăn chung, ông Ngọ Duy Hiểu mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ với người lao động sau một năm làm việc vất vả; ngoài ra cũng mong muốn các gói hỗ trợ sẽ được giản lược thủ tục theo quy định chung để giúp doanh nghiệp và người lao động sớm được tiếp cận./.