15.000 sinh viên toàn quốc tham gia "sân chơi" giáo dục về tài chính
VOV.VN - Hơn 15.000 sinh viên thuộc 27 trường đại học trên toàn quốc sẽ được thể hiện tài năng, sự tự tin và khả năng ứng biến linh hoạt trong các thử thách xoay quanh 5 "hành tinh" gồm: Kiếm tiền - tiêu tiền - tích lũy - đầu tư - bảo toàn tại chương trình “The Moneyverse - Vũ trụ đồng tiền” phát sóng trên VTV3 từ 29/9.
“The Moneyverse - Vũ trụ đồng tiền” là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên tại Việt Nam về giáo dục tài chính kết hợp giải trí dành cho sinh viên.
Sau vòng loại cấp trường trực tiếp tại 27 điểm trường để tìm ra top 3 thí sinh xuất sắc nhất, các thí sinh bước vào vòng chung kết toàn quốc được ghi hình và phát sóng trên VTV, bao gồm 4 vòng thi: Huấn luyện - Tứ kết - Bán kết - Chung kết.
Thông qua các vòng thi, chương trình sẽ loại thí sinh qua từng tập, 3 thí sinh cuối cùng xuất sắc nhất sẽ bước vào vòng chung kết để giành lấy cơ hội chinh phục 1 tỉ đồng cùng tương lai trở thành nhân sự của các định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở một chương trình truyền hình, The Moneyverse - Vũ trụ đồng tiền còn là chuỗi chương trình về đầu tư, tài chính kết hợp giải trí và công nghệ, với 2 chuỗi hoạt động chính gồm: Money Park – Công viên đồng tiền, nơi mang đến những cơ hội trải nghiệm, khám phá các trò chơi công nghệ và nhập vai giải đố. Money Theater: Hội trường tại các trường đại học trở thành nhà hát của những talkshow, workshop, hài kịch, mở ra cơ hội tiếp cận các chuyên gia hàng đầu, truyền tải những kiến thức về tài chính, đầu tư một cách dễ hiểu, gần gũi nhất.
Ông Phạm Quốc Thắng, Phó Tổng Biên tập Thời báo VTV, bày tỏ kỳ vọng thông qua chương trình này, các sinh viên sẽ có thêm rất nhiều kiến thức quản lý đồng tiền của mình, biết đầu tư đúng chỗ, biết giữ gìn đồng tiền của mình và không rơi vào bẫy lừa đảo đầu tư tài chính. BTC chương trình cũng mong muốn sẽ truyền cảm hứng và đam mê đầu tư tài chính đến các bạn sinh viên, làm cho các dự án lớn phát triển, đóng góp cho sự phát triển của đất nước
Nhà báo Dương Ngọc Trinh, chịu trách nhiệm sản xuất chương trình nhấn mạnh kiếm tiền đã khó, tiêu tiền còn khó hơn: “Với The Moneyverse và đối tượng người xem là GenZ, chúng tôi mong muốn mang đến cho người trẻ những kiến thức hữu ích xung quanh đồng tiền, đồng hành cùng họ để tạo nên một thế hệ GenZ tài năng, giàu có và có trách nhiệm với xã hội”.
Dưới góc nhìn các chuyên gia, trong những năm gần đây, nhu cầu giáo dục tài chính tại Việt Nam đã trở nên cấp thiết, nhất là khi quy mô thị trường tài chính (bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) hiện đã gấp ba lần quy mô nền kinh tế, với mức tăng trưởng bình quân 14%/năm từ 2021 đến nay.
Dù vậy, các chương trình giáo dục tài chính tại Việt Nam còn khá muộn so với tốc độ phát triển của nền kinh tế và thị trường tài chính. Điều này đặt ra thách thức trong việc nâng cao hiểu biết và kỹ nâng của cộng đồng về quản lý tài chính cá nhân, trong đó có cả quản lý tài sản, đầu tư, kiểm soát rủi ro...
Hiện chỉ có khoảng 30% người Việt Nam trưởng thành có hiểu biết về tài chính, thấp hơn so với trung bình khu vực ASEAN là 38%. Giới trẻ, dù được tiếp xúc hằng ngày với internet, công nghệ, vẫn nằm trong nhóm bị lừa cao nhất trên không gian mạng. Đây cũng là lực lượng bắt đầu tiếp cận nhiều với tiền (kiếm tiền, tiết kiệm, đầu tư). Song người trẻ, nhất là thế hệ Gen Z (12-27 tuổi) lại đang loay hoay với tiền, bị bủa vây bởi nạn tín dụng đen, tội phạm tài chính.
PGS.TS Đỗ Hoài Linh, thành viên Hội đồng chuyên môn, kỳ vọng chương trình sẽ là chìa khóa giúp giới trẻ mở cánh cửa kiến thức tài chính cá nhân. Theo chuyên gia này, việc đào tạo tài chính cá nhân là càng sớm càng tốt. Kiến thức được đào tạo sớm theo thời gian sẽ chuyển hoá thành sự thông thái, tích hợp với trải nghiệm thì sự thông thái đó sẽ làm cho mỗi cá nhân có thể làm chủ đồng tiền.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế cũng bổ sung rằng với Gen Z, khi gặp bất cập về tài chính cá nhân sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề, như mất tiền, đầu tư đa cấp, bị lừa đảo... Do đó, bản thân ông luôn kỳ vọng Việt Nam có nhiều chương trình giúp người dân kiếm tiền, tiêu tiền và đầu tư tiền thông minh hơn.