VOV.VN - Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM vừa cho biết về tình hình sức khỏe của 2 nam bệnh nhân là anh em ruột (18 và 26 tuổi). Đáng nói, tình trạng liệt cơ của 2 bệnh nhân chưa có sự cải thiện, thậm chí diễn tiến xấu hơn.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hôm nay (26/5) là ngày thứ 14 của hai bệnh nhân từ khi ngộ độc Botulinum. Đối với người em 18 tuổi, tình trạng lúc nhập viện nặng, liệt cơ, sức cơ tứ chi là 1/5, đến nay vẫn chưa có sự cải thiện và hồi phục.
Còn người anh 26 tuổi, lúc nhập viện với tình trạng khá hơn, nhưng diễn tiến tình trạng liệt cơ xấu hơn, tăng dần. Hiện tại sức cơ tứ chi của bệnh nhân này chỉ 2/5-3/5.

Hai bệnh nhân vẫn đang nằm điều trị trong phòng Hồi sức tích cực của khoa Bệnh Nhiệt đới. Các bác sĩ đang nỗ lực dùng các phương pháp điều trị tích cực, để phòng ngừa các biến cố, ngăn chặn bệnh diễn tiến xấu hơn cho 2 anh em.
Trước đó, như VOV đã thông tin, ngày 13/5, hai anh em này ăn bánh mì chả lụa từ người bán dạo. Đến ngày 14/5, cả hai đều có triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, đau bụng và tiêu chảy rồi bắt đầu yếu cơ, khó nuốt. Người em 18 tuổi có diễn biến sớm, yếu sức cơ và nhập vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Chiều 14/5, người anh 26 tuổi bị nhẹ hơn cũng tự đến Bệnh viện Chợ Rẫy nhập viện. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ 2 bệnh viện thống nhất đã cho 2 anh em cùng điều trị tại Chợ Rẫy.
Bệnh viện Chợ Rẫy nhận thuốc giải độc BAT từ WHO vào đêm 25/5 nhưng đã quá “thời gian vàng” để điều trị cho 2 bệnh nhân này.
Cũng liên quan đến vụ việc, hôm nay 26/5, Phòng Y tế thành phố Thủ Đức cho biết đã lấy tổng cộng 15 mẫu bánh mì và chả lụa tại cơ sở sản xuất, nơi bán để xét nghiệm. Kết quả, tất cả các mẫu trên đều âm tính, không phát hiện độc tố Botulinum.
Theo đại diện Phòng Y tế, mẫu chả lụa nạn nhân đã ăn nên không còn để xét nghiệm và không có manh mối nào để truy tìm nguồn thực phẩm nhiễm độc. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể xác nhận nguồn gây ngộ độc Botulinum cho các trường hợp này là từ đâu./.