20% diện tích đất đai toàn quốc còn bom mìn
(VOV) - Với tốc độ rà phá như hiện nay thì khoảng 300 năm nữa Việt Nam mới khắc phục xong hậu quả bom mìn do chiến tranh để lại.
300 năm nữa Việt Nam mới hết bom mìn sau chiến tranh
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng Việt Nam vẫn là một trong số các quốc gia còn chịu ảnh hưởng nặng nề do bom, mìn còn sót lại. Trong cuộc chiến tại Việt Nam, không quân Mỹ đã trút xuống 3 miền Bắc, Trung, Nam hơn 15 triệu tấn bom mìn, hiện còn 600.000 – 800.000 tấn chưa nổ nằm rải rác trên khắp cả nước.
Theo kết quả sơ bộ của Trung tâm công nghệ sử lý bom mìn thực hiện năm 2002 cho thấy trên toàn quốc có 9.284 xã trong tổng số 10.511 xã còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, chiếm 88,3% tổng số xã. Đây là những xã còn có bom mìn vật nổ nằm lẫn trong lòng đất ở những độ sâu khác nhau. Tất cả những loại bom mìn vật nổ này đều rất nguy hiểm trong quá trình lao động sản xuất, công trình xây dựng, có thể gây nổ hoặc tự nổ do thay đổi về tính chất cơ học, lý học hay hóa học.
Khắc phục hậu quả bom, mìn sót lại sau chiến tranh là công việc có yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại và cần thời gian dài với nguồn kinh phí rất lớn (Ảnh minh họa0 |
Theo con số thống kê chưa đầy đủ của các địa phương trên toàn quốc, số thương vong do bom mìn vật nổ gây ra từ năm 1975 -2002 là 104.298 người, trong đó số người chết là 42.135 người, bị thương 62.143 người và con số này còn thấp hơn so với thực tế. Tính chung từ năm 1975 đến nay, bình quân mỗi ngày có 3 người chết và 4 người bị thương vì bom mìn. Điều đáng quan tâm là các nạn nhân phần lớn là trẻ em và người lao động chính trong các gia đình.
Tuy nhiên, với diện tích đất còn bị ô nhiễm do bom mìn vật nổ khoảng 20%, thì bom mìn có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng tại bất cứ đâu và bất cứ khu vực nào. Với tốc độ rà phá như hiện nay thì khoảng 300 năm nữa Việt Nam mới khắc phục xong hậu quả bom mìn do chiến tranh để lại.
Khắc phục hậu quả bom, mìn sót lại sau chiến tranh là công việc có yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại và cần thời gian dài với nguồn kinh phí rất lớn. Bên cạnh đó, đã có nhiều chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn sau chiến tranh.
Chia sẻ tại buổi giao lưu “Khắc phục hậu quả bom mìn vì bình yên cuộc sống” được tổ chức vừa qua tại Đài Tiếng nói Việt Nam chị Nguyễn Thị Hạ (xã Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Nội) – vợ liệt sỹ Trần Hữu Hòa, Lữ đoàn Công binh 249 kể lại những khó khăn, mất mát từ khi chồng chị hy sinh (năm 2011) khi đang làm nhiệm vụ rà phá bom mìn tại đường Hồ Chí Minh.
Sau một thời gian công tác xa nhà, vợ chồng không gặp nhau thì chị nhận được tin anh hy sinh. Lúc đó đứa con thứ hai mới được 3 tuổi, đứa con trai lớn được 5 tuổi. Trước nỗi đau mất mát quá lớn, nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua nổi, nhưng, nhìn hai đứa con nheo nhóc, chị cố gắng ở vậy chống chọi với mọi khó khăn trong cuộc sống, nuôi các con ăn học nên người.
Hiện ba mẹ con chị đang phải ở nhờ trên phần đất của ông bà, thu nhập của ba mẹ con phụ thuộc vào 2 sào ruộng của gia đình. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay càng trở nên khó khăn hơn gấp bội khi hai con của chị đang bước vào tuổi ăn tuổi lớn.
Nhằm tri ân sự hy sinh thầm lặng của chiến sỹ Trần Hữu Hòa, tại đêm giao lưu, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Quân đội nhân dân đã quyết định tặng một ngôi nhà tình nghĩa, một dàn máy vi tính và một xe máy cho mẹ con chị Hạ. Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cũng đã cam kết tặng 30 nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sỹ.
Khắc phục hậu quả bom mìn vì bình yên cuộc sống
Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn, liên tục mở chiến dịch ở những vùng bị ném bom mìn, vật nổ có mật độ cao như Miền Trung, Tây Nguyên và biên giới, rò tìm được số lượng lớn bom mìn, giải phóng được hàng chục vạn hecta đất.
Ước tính mỗi năm các đơn vị đã rò tìm và xử lý an toàn hàng trăm tấn bom mìn. Cùng với đó là nhiều cơ chế chính sách được ban hành, hàng nghìn tỷ đồng được chi cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn, cấp cứu, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái định cư, an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn…
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thực hiện chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (Chương trình 504). Theo đó, từ năm 2011 - 2015 sẽ tập trung điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên phạm vi toàn quốc; xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia; tăng cường hoạt động của Trung tâm quản lý dữ liệu về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh… Sau 3 năm thực hiện, ban chỉ đạo chương trình 504 đã đã hoàn thành việc điều tra, lập bản đồ bom mìn tại 49/63 tỉnh; triển khai xây dựng đề án nâng cấp một số Trạm Y tế cấp xã và Trung tâm Y tế cấp khu vực theo mức độ ưu tiên...
Với mong muốn Việt Nam trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, vật nổ, phát biểu tại chương trình giao lưu “Khắc phục hậu quả bom mìn vì bình yên cuộc sống”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực, sự hỗ trợ từ Chính phủ các nước cũng như bạn bè quốc tế để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng kêu gọi các tầng lớp cộng đồng xã hội, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực tham gia, hưởng ứng, cổ vũ nhằm góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sự đồng thuận và sự thân thiện của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
“Nhân dân cả nước hãy cùng chung tay góp sức. Không có nỗi đau nào, không có hy sinh nào của các chiến sĩ công binh là của riêng ai mà sự hy sinh đó là của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Chúng ta hãy cùng xoa bớt nỗi đau, để đất nước Việt Nam sớm đến ngày không phải chịu hậu quả bom mìn”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh./.