Kỷ niệm ngày truyền thống Interpol Việt Nam (4/11):

20 năm và những chiến công thầm lặng

Lặng lẽ nhưng không kém phần quyết liệt, Interpol Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan chức năng, đấu tranh có hiệu quả với các loại hình tội phạm

Gia nhập tổ chức Interpol quốc tế năm 1991, 20 năm qua, Interpol Việt Nam đã khẳng định được vai trò của mình trong việc cùng với cảnh sát  quốc tế phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm xuyên quốc gia. Những chiến công của lực lượng Interpol Việt Nam có phần lặng lẽ, nhưng không kém quan trọng trong việc góp phần giữ vững ổn định an ninh của đất nước.

Một đối tượng phạm tội người nước ngoài trên đường bị bàn giao về nước (Ảnh: anninhthudo.vn)

Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quốc tế

Ngày 4/11/1991, trong phiên họp đầu tiên của Kỳ họp Đại Hội đồng Interpol lần thứ 60 tại thành phố Penta De Este (Uruguay), Đại Hội đồng Interpol đã chính thức thông qua đơn xin ra nhập Tổ chức của Bộ Nội vụ Việt Nam với đa số phiếu tán thành. Lực lượng cảnh sát Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Interpol, mở ra một cơ chế hợp tác đa phương về thực thi pháp luật trên phạm vi rộng nhất từ trước tới nay. Ngày 4/11 cũng được lấy là ngày truyền thống của lực lượng Interpol Việt Nam.

Trước yêu cầu thực tiễn của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, ngày 28/5/1993, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định thành lập Văn phòng Interpol Việt Nam trực thuộc Tổng cục Cảnh sát (nay là Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm).

Hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia là tôn chỉ mà Tổ chức Interpol đặt ra và đây cũng là mục tiêu của Interpol Việt Nam khi gia nhập tổ chức này. Qua 20 năm, thông qua các khuôn khổ hợp tác và không ngừng cải tiến, nâng cao hệ thống thông tin, viễn thông hiện đại, lực lượng Interpol Việt Nam đã thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý, trao đổi thông tin tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài với các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương của Việt Nam và cảnh sát các nước.

Trụ sở Văn phòng Interpol Việt Nam có mạng viễn thông trực tuyến kết nối tất cả các nước thành viên qua đường truyền riêng của Interpol với Ban Tổng thư ký Interpol tại thành phố Lyon (Pháp). Từ trung tâm giàu dữ liệu bậc nhất này, cảnh sát các nước thành viên có thể chia sẻ, khai thác thông tin để phục vụ công tác phòng ngừa, trấn áp tội phạm. Chỉ sau vài phút nhấn lệnh, Interpol Việt Nam có thể nhận được những tài liệu cảnh sát các nước truyền về.

20 năm qua, Interpol Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý trên 44.749 lượt thông tin, trong đó có 12.379 lượt thông tin liên quan đến công tác truy nã quốc tế, 12.714 lượt thông tin liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự xuyên quốc gia, 3.324 lượt thông tin liên quan đến tội phạm kinh tế, 2.990 lượt thông tin về tội phạm ma tuý và trên 13.122 lượt thông tin liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự. Đây là những con số ấn tượng, minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa cảnh sát Việt Nam và các nước thông qua Tổ chức Interpol quốc tế.

Bên cạnh việc hợp tác, chia sẻ thông tin, Interpol Việt Nam cũng không ngừng nâng cao nghiệp vụ. 20 năm qua, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ Interpol Việt Nam đã được tập huấn, tìm hiểu kinh nghiệm của cảnh sát các nước. Đây là những kinh nghiệm quý báu trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao hiện nay.

Những chiến công thầm lặng

Một số đối tượng tội phạm từ hình sự, kinh tế, khủng bố… khi lẩn trốn sự truy bắt nghĩ Việt Nam là mảnh đất tốt để chúng “mai danh ẩn tích” tránh khỏi sự trừng phạt của luật pháp. Tuy nhiên, chúng không thể ngờ rằng, mọi động thái của mình khi đặt chân đến Việt Nam đều được giám sát và thông báo cho các nước liên quan bởi Interpol Việt Nam.

Con số hàng trăm đối tượng bị Interpol Việt Nam bắt giữ và trao trả cho cảnh sát Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia… đã minh chứng cho tính hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm của Việt Nam. Nhiều đối tượng cho đến tận khi đã tra tay vào còng vẫn không thể nào lý giải được vì sao chúng lại bị phát hiện và bắt giữ.

Vụ bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Thuấn, biệt danh “Thuấn tóc dài” là một trong những chiến công của Interpol Việt Nam. Từ những thông tin đơn giản ban đầu, Interpol Việt Nam đã phối hợp với cảnh sát Nga bóc gỡ đường dây buôn bán phụ nữ sang Nga làm gái mại dâm của đối tượng này.

Tháng 10/2005, Văn phòng Interpol Việt Nam nhận được một số đơn thư nặc danh tố cáo một đường dây mua bán phụ nữ từ Việt Nam sang Liên bang Nga làm gái mại dâm. Cùng thời điểm này, lãnh đạo Văn phòng Interpol Việt Nam cũng liên tục nhận được tin nhắn cầu cứu qua điện thoại di động từ các số máy tại Nga của 3 phụ nữ Việt Nam bị bán sang Nga làm gái mại dâm.

Sau khi nhận được những thông tin đầy đủ, Văn phòng Interpol Việt Nam đã có văn bản đề nghị cảnh sát Nga phối hợp xác minh các thông tin liên quan đến 3 phụ nữ làn nạn nhân bị buôn bán; đồng thời đề nghị Đại sứ quán Viẹt Nam tại Nga phối hợp nhằm giải cứu 3 nhạn nhân này.

Thông qua các thông tin được Văn phòng Interpol Việt Nam cung cấp, cảnh sát Liên bang Nga đã giải cứu được 3 cô gái Việt Nam đang làm gái mại dâm tại khu Rưbak - Moscow. Qua lấy lời khai của các nạn nhân và thu thập tài liệu từ Nga, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố và bắt giữ được đối tượng Nguyễn Văn Thuấn là đối tượng chính trong đường dây này.

Một vụ án khác cũng phải kể đến là ngày 2/6/1997, Cục Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam và Cảnh sát Liên bang Đức bắt giữ đối tượng Nguyễn Hải Nam phạm tội giết người ở Đức, sau đó thay đổi họ tên trốn về Việt Nam, sinh sống tại Vũng Tàu.

Qua kênh hợp tác Interpol, Cảnh sát Liên bang Đức đã chuyển hồ sơ phạm tội của Nguyễn Hải Nam về Việt Nam để xử lý theo luật pháp Việt Nam. Ngày 11/9/1998, TAND tỉnh Nghệ An đã xét xử Nguyễn Hải Nam về tội giết người và tàng trữ vũ khí trái phép và tuyên án tù chung thân.

Vụ bắt giữ đối tượng Nguyễn Thành Thắng (người Việt, Quốc tịch Mỹ) cũng là một chiến công tiêu biểu của Interpol Việt Nam. Ngày 5/1/1998, Công an tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam và Cảnh sát Mỹ bắt giữ đối tượng Nguyễn Thành Thắng phạm tội giết người tại Mỹ lẩn trốn ở Việt Nam. Nguyễn Thành Thắng là một trong 10 đối tượng truy nã nguy hiểm nhất tại Mỹ vào thời điểm đó. Ngày 5/1/1998, Nguyễn Thành Thắng được chuyển giao cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ để điều tra, xử lý theo pháp luật Hoa Kỳ.

Trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhiều cán bộ, chiến sĩ Interpol Việt Nam không thể quên vụ bắt giữ đối tượng Bùi Hữu Tài. Đây là 1 trong 10 đối tượng được FBI Mỹ xếp hạng là nguy hiểm nhất năm 1998. Ngày 13/9/1998, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP HCM đã phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam và Cảnh sát Australia xác minh truy tìm các đối tượng Bùi Hữu Tài, Lý Quốc Chương và Lê Thanh Long phạm tội giết người, buôn lậu ma tuý, bắt cóc tống tiền tại Australia. Qua kênh hợp tác Interpol, đã bắt giữ đối tượng Bùi Hữu Tài. Hiện đối tượng đang thi hành án tại Việt Nam.

Lặng lẽ nhưng không kém phần quyết liệt, cán bộ, chiến sĩ Interpol Việt Nam đang hàng ngày phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và cảnh sát quốc tế, đấu tranh có hiệu quả với các loại hình tội phạm, vì sự bình yên của Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên