2016- Năm “bội thu” lao động Việt Nam tại Nhật Bản
VOV.VN- Tính đến tháng 10/2015, riêng số thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản là gần 29.000 người, tăng khoảng 75% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê của Cục Nhập cư Nhật Bản, cũng trong thời điểm đó, số lượng lao động Việt Nam (bao gồm cả thực tập sinh, kỹ sư và lao động kỹ thuật) nhập cảnh vào Nhật Bản là hơn 38.000 người.
Ông Nguyễn Gia Liêm (thứ 2 từ trái sang)- Tham tán, Trưởng Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản bày tỏ lạc quan về sự gia tăng số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản năm 2016. |
Lao động và thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản được đánh giá cao là cần cù, chăm chỉ và tiếp thu công việc nhanh. Chất lượng thực tập sinh Việt Nam đã được cải thiện một cách đáng kể, đặc biệt là trình độ tiếng Nhật được nâng lên hơn hẳn so với 4-5 năm trước đây. Điều này giúp cho các thực tập sinh nắm bắt công việc dễ dàng hơn và thêm vào đó là hiểu được những nội quy của nhà máy, quy định pháp luật của Nhật Bản góp phần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật.
Nhiều thực tập sinh sau hơn 1,5–2 năm đã đạt được trình độ tiếng Nhật N3. Đặc biệt trong các kỳ thi viết văn và nói tiếng Nhật, đã có nhiều thực tập sinh đạt được giải cao so với các thực tập sinh nước ngoài khác.
Bên cạnh đó việc kéo dài thời hạn thực tập từ 1 năm lên thành 3 năm đối với một số ngành nghề trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đã góp phần thu hút đáng kể thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.
Trong thời gian qua Ban Quản lý lao động Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã chủ động tích cực trong việc triển khai hàng loạt các hoạt động như: Xúc tiến các chuyến đi thăm các địa phương tiếp xúc với chính quyền, các đoàn thể kinh tế, nghiệp đoàn và doanh nghiệp tiếp nhận để vận động tiếp nhận lao động Việt Nam; tổ chức hàng loạt các hội thảo, tọa đàm giới thiệu về nguồn nhân lực Việt Nam; kết nối và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và trao đổi hợp tác với các nghiệp đoàn tiếp nhận Nhật Bản.
Ban Quản lý cũng đã phối hợp với các hội nghề nghiệp để đề xuất với các cơ quan chức năng và tổ chức có liên quan trong việc đề nghị kéo dài thời gian thực tập tại Nhật Bản từ 1 năm lên 3 năm đối với những ngành nghề mà Việt Nam cần phải đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới (chế biến thức ăn thay thế, chế biến thịt, trồng cây ăn quả, may bạt ghế đệm ô tô).
Những hoạt động nói trên đều nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Đại sứ và chỉ đạo thường xuyên của Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đã góp phần không nhỏ vào kết quả số lượng lao động và thực tập sinh Việt Nam đến Nhật Bản trong năm 2015.
Bước sang năm 2016, tình hình thị trường lao động Nhật Bản có những thuận lợi, nhưng không ít thách thức, như: việc thông qua luật mới về bảo hộ thực tập sinh nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho việc tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài được thuận lợi hơn, quyền lợi của thực tập sinh được bảo đảm hơn, đồng thời sẽ mở rộng thêm nhiều ngành nghề và công việc tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài.
Tuy nhiên, sẽ có những quy định chặt chẽ hơn trong việc tuyển chọn và sử dụng thực tập sinh nước ngoài đối với các công ty và đoàn thể của Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, tình hình kinh tế khu vực tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của Nhật Bản và cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam.
Để tiếp tục đà tiếp nhận lao động và thực tập sinh Việt Nam trong những năm gần đây, Ban Quản lý lao động Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã xây dựng chương trình công tác của năm, theo đó tiếp tục triển khai hoạt động giới thiệu, quảng bá nguồn nhân lực Việt Nam đến các địa phương hiện chưa nhận nhiều thực tập sinh Việt Nam; tranh thủ cơ hội xúc tiến mở rộng một số lĩnh vực, ngành nghề công việc mới phù hợp với người Việt Nam và nhu cầu của các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản.
Ban Quản lý đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam trao đổi và đề nghị các cơ quan chức năng Nhật Bản xem xét sửa đổi chính sách và có quy chế đặc biệt cho việc tiếp nhận thực tập sinh nông nghiệp Việt Nam được chuyển đổi công việc phù hợp để có thể thực tập ở Nhật Bản đến 3 năm, cũng như việc tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam thực tập trong lĩnh vực bán lẻ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phái cử Việt Nam chú trọng và nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo tiếng Nhật, ý thức tổ chức kỷ luật cho thực tập sinh trước khi đưa sang Nhật. Bên cạnh đó cần phải triển khai thực hiện biện pháp xử phạt đối với các doanh nghiệp phái cử và thực tập sinh vi phạm một cách phù hợp và thực tế nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm bỏ hợp đồng của thực tập sinh.
Với việc triển khai đồng bộ các hoạt động nói trên, số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2016 và những năm tiếp theo./.