3 ca tử vong do sốt xuất huyết, TPHCM ra sức phòng dịch mùa mưa
VOV.VN - Tại các khu đất trống, nhà hoang đã xuất hiện nhiều vũng nước, nguy cơ trở thành nơi sản sinh của muỗi.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TPHCM đã có 3 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết. Thời điểm này, TPHCM và khu vực phía Nam có những cơn mưa bất chợt, báo hiệu mùa mưa bắt đầu, ngành y tế khuyến cáo người dân ra sức chủ động phòng chống sốt xuất huyết, tránh để dịch bệnh hoành hành trong cao điểm mùa mưa.
Những ngày qua, TPHCM đã xuất hiện mưa liên tục vào trưa, chiều, khiến cho một số nơi trên địa bàn quận Thủ Đức bị ngập cục bộ. Tại các khu đất trống, nhà hoang đã xuất hiện nhiều vũng nước, nguy cơ trở thành nơi sản sinh của muỗi.
Ảnh minh họa. |
Bà Trần Mỹ Linh, Tổ trưởng tổ 9, khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức cho biết: nhà nát, đất trống là nơi mà người dân thường xuyên vứt rác, dễ phát sinh lăng quăng nên thỉnh thoảng bà chủ động xử lý.
Tuy nhiên, không phải địa phương, khu phố nào cũng thực hiện giám sát việc này. Theo khảo sát của chúng tôi, ngay tại các khu nhà ở, có rất nhiều chai, lọ nhựa, mảnh sành được người dân tích trữ lâu ngày ngoài vườn, nước mưa ứ đọng nhưng không được xử lý. Đây chính là nơi thích hợp để muỗi sản sinh, gây ra các điểm nguy cơ trong thời gian tới. Điển hình như một số khu vực ở phường Hiệp Thành - Quận 12, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh và nhiều khu trọ công nhân...
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, bệnh sốt xuất huyết đang trong giai đoạn cuối mùa dịch 2018-2019 và đang có chiều hướng giảm. Cụ thể, trong tháng 4, có 1.071 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết và 851 ca điều trị ngoại trú, giảm hơn 47% so với tháng 3. Tuy nhiên, tổng số ca bệnh vẫn tăng 230% so với năm 2018. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết, 1 trường hợp trẻ em và hai người lớn. Đặc biệt, các trường hợp này đều nhập viện trễ trong khi bệnh rất nặng.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết: Trung tâm sẽ giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn và kịp thời hỗ trợ các quận huyện. Trong tháng 5, toàn thành phố sẽ thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết lần thứ 9 năm 2019”.
Bác sĩ Lê Hồng Nga nói: "Đầu mùa mưa chính là thời điểm để chúng ta hạ thấp nguồn sinh sản của muỗi, để đến khi mưa xuống thì giảm bớt những nguy cơ. Chính vì vậy mà một trong những hoạt động trọng tâm của hoạt động trọng tâm hưởng ứng: “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” là cần phải lập danh sách, giám sát xử lý các điểm nguy cơ. Chúng ta cần phải xử lý triệt để các ổ dịch, đặc biệt là ổ dịch kéo dài và lan rộng".
Trong năm 2018, UBND các phường, xã trên địa bàn đã ban hành 306 quyết định xử phạt các trường hợp vi phạm Nghị định 176 về hành vi để ứ đọng nước làm phát sinh lăng quăng và muỗi có thể làm lây lan dịch bệnh. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo: Người dân nên tìm và diệt lăng quăng thường xuyên tại nơi sinh sống và nơi làm việc, nếu để phát sinh lăng quăng sẽ bị xử phạt 2 triệu đồng...
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nói: "Cần tiếp tục thực hiện giám sát để phát hiện sớm những trường hợp nhập viện để kịp thời xử lý, tránh lây lan. Truyền thông vận động người dân thực hiện cam kết xử phạt theo Nghị định 176. Còn đối với những khu phố có nguy cơ cao thì tổ chức phun hóa chất chủ động".
Các bác sĩ cũng cảnh báo, khi người bệnh có biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết như: Sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2 đến 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban... thì cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong./.