3 địa phương “vùng đỏ” ở Bình Dương làm gì để xanh hóa?
VOV.VN - Tính đến ngày 24/9, Bình Dương còn 3 “vùng đỏ” là thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên. Để chuyển đỏ thành xanh, đưa tỉnh Bình Dương sang trạng thái “bình thường mới” từ ngày 30/9, ba “điểm nóng” này đang đồng loạt triển khai nhiều giải pháp.
Thành phố Thuận An là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất tỉnh. Số ca mắc tăng nhanh nên suốt 1 tháng qua, địa phương này phải áp dụng biện pháp “đông cứng, khóa chặt” 4 phường có nhiều ca mắc nhất là Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa. Trong thời gian này, thành phố Thuận An đã tập trung lực lượng "bóc tách" nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, kiểm soát chặt việc ra vào của người dân. Đối với các phường còn lại tiếp tục xét nghiệm sàng lọc để nhanh chóng phát hiện, kiểm soát không để xuất hiện ổ dịch mới. Cũng nhờ đó, sau một tháng, thành phố đã có 4 phường "vùng xanh" trên bản đồ COVID-19.
Để phấn đấu xanh hóa toàn thành phố trước ngày 30/9, Thuận An đặt mục tiêu trước ngày 27/9 sẽ “bóc tách” hết F0 ra khỏi cộng đồng; duy trì 25 trạm y tế lưu động để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và điều trị F0 tại nhà. Nhằm thích ứng với điều kiện bình thường mới, thành phố dự kiến thành lập bệnh viện dã chiến điều trị F0 quy mô hơn 200 giường để trả lại cơ sở vật chất cho Trung tâm Y tế thành phố Thuận An điều trị các bệnh viện thông thường.
Bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Bí thư Thị ủy Thuận An cho biết, bệnh viện dã chiến sẽ có đủ cơ sở vật chất và nhân lực y tế đảm bảo chăm sóc tốt sức khỏe bệnh nhân COVID-19. Đối với việc chăm sóc sức khỏe và ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong doanh nghiệp, Thuận An đang thành lập thêm trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp.
“Trạm y tế lưu động trong các khu công nghiệp thì địa phương sẽ phối hợp cùng Sở Y tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp để hình thành nên các trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp và công ty ngoài khu công nghiệp để khám, điều trị F0 cho các công ty”- bà Huỳnh Thị Thanh Phương cho biết.
Tại thành phố Dĩ An, từ một địa phương "đỏ đậm đặc" nay đã 36 khu phố xanh và chỉ còn 5 khu đỏ. Địa phương này đưa ra lộ trình, ngày 25/9 các khu phố đỏ sẽ chuyển thành cam, ngày 30/9 chuyển xanh. Hiện, toàn thành phố còn 7.000 người đang điều trị, cách ly tại 27 cơ sở thu dung, cho nên địa phương đang nhanh chóng xét nghiệm khẳng định PCR để "giải phóng" F0, trả lại trường học đã trưng dụng. Số bệnh nhân còn lại sẽ chuyển về 2 cơ sở cách ly điều trị đang thành lập tại sân vận động Dĩ An và Khu sinh thái Hố Lang. Dĩ An cũng đang khảo sát xây dựng thêm 6 trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp để kết hợp với 7 trạm y tế lưu động ở các phường chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, công nhân.
Ông Bùi Thanh Nhân, Bí thư Thành ủy thành phố Dĩ An kiến nghị, để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhất là tại doanh nghiệp và khu trọ công nhân, thành phố mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm nhân lực y tế và kit test nhanh, liên tục xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng và doanh nghiệp.
“Dĩ An sẽ tiếp tục xét nghiệm trong các doanh nghiệp ba tại chỗ. Những ngày gần đây, sau khi xét nghiệm ngẫu nhiên, xác xuất những doanh nghiệp này vẫn còn F0. Nếu có lực lượng lấy mẫu, số lượng kit test đủ sẽ tập trung cùng doanh nghiệp bóc tách F0”- ông Bùi Thanh Nhân cho biết.
Còn tại “điểm nóng” COVID-19 ở thị xã Tân Uyên, sau một thời gian lúng túng trong công tác dập dịch dẫn đến số ca mắc COVID-19 tăng mạnh thì đến nay dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Toàn thị xã có 6 phường được công bố “vùng xanh” và còn 1 phường “vùng vàng”, 5 phường “vùng cam”. Để chuyển cam, vàng thành xanh, thị xã Tân Uyên đang tiếp tục xét nghiệm, khoanh vùng những “điểm đỏ” để quét sạch F0; duy trì 26 trạm y tế lưu động ở các phường và phấn đấu thành lập thêm 15 trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh, hiện nay các “vùng đỏ”, “điểm đỏ” tại 3 "điểm nóng" COVID-19 đang được thu hẹp, đó là tín hiệu vui trong công tác dập dịch. Từ nay đến 30/9, đối với các địa phương “vùng đỏ” phải cương quyết giữ chặt “vùng xanh” để làm bàn đạp xóa đỏ. Các nguy cơ bùng dịch như giao dịch thương mại dịch vụ, cung ứng lao động, dịch chuyển giữa các vùng phải được chặn đứng ngay từ đầu. Để trở về trạng thái "bình thường mới" một cách an toàn thì phải xét nghiệm thần tốc, bóc tách F0 nhanh hơn mức độ lây lan.
“Đây là một sự nhìn nhận, mục tiêu đưa ra có thể nói khó thực hiện nhưng đòi hỏi sự quyết tâm. Chúng ta biết tốc độ lây nhiễm ra sao để đi nhanh hơn. Trước khi làm cái này, các địa phương phải xem xét về nhân lực, trang thiết bị, phải có kế hoạch và phải khoa học để không lãng phí”- ông Nguyễn Hoàng Thao cho biết.
Với cách làm linh hoạt cùng sự quyết tâm, hy vọng Bình Dương sẽ đạt mục tiêu đưa tỉnh sang trạng thái “bình thường mới” vào ngày 30/9, để cuộc sống lại sôi động. Tuy nhiên, để dịch bệnh không bùng phát trở lại trên địa bàn, theo nhiều người dân, Bình Dương nên nới lỏng giãn cách theo lộ trình và tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch./.