3 lao động Việt Nam đầu tiên tại Libya về nước

Những lao động khác đang được các cơ quan chức năng khẩn trương đưa đón trở về nước sớm nhất và đảm bảo an toàn cho họ.  

Chiều 25/2, đã có 3 lao động đầu tiên của Việt Nam đang làm việc tại Libya về nước. Tuy nhiên, khoảng 200 lao động khác, chủ yếu của Công ty cổ phần nhân lực và thương mại Vinaconex Mec, Thuộc Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam đưa đi theo dự kiến về đến sân bay Nội Bài sáng 25/2 hiện chưa có thông tin cụ thể do chuyến bay bị hoãn.

Ông Nguyễn Xuân Tạo, Phó trưởng phòng Quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết: 3 lao động vừa trở về từ Libya do Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona), thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam đưa đi. Những lao động này không đi cùng chuyến bay với gần 200 lao động của Công ty cổ phần nhân lực và thương mại (Vinaconex Mec).

Hiện tại, Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona) đã đón 3 lao động này và làm các thủ tục cần thiết ban đầu để họ có thể về đoàn tụ với gia đình trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Xuân Tạo nói: “Đó là 3 lao động bay theo chủ thầu người Đức, bay từ Libya sang Malta… Sau đó bay từ TP HCM ra Hà Nội và trở về nhà. Đây là những lao động đã làm việc 5 năm, chỉ chờ về thanh lý hợp đồng. Chính phủ đã quyết định hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng để họ đi lại. Sáng 25/2, 106 lao động của LILAMA dời Tripoli sang Ai Cập. Sau đó bay về Dubai theo 2 hãng hàng không về Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Còn cụ thể giờ bay như thế nào, chúng tôi cũng chưa nắm được”.

Trước đó, trong sáng 25/2, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cùng đại diện Công ty cổ phần nhân lực và thương mại Vinaconex, đơn vị đang có số lao động Việt Nam đông nhất đang làm việc tại Libya (với khoảng trên 3.000 người) đã có mặt tại sân bay Nội Bài từ rất sớm để đón khoảng 200 lao động về nước theo kế hoạch. Thế nhưng, do chuyến bay bị hoãn nên các đơn vị chưa thể đón được số lao động này.

Ông Phạm Chí Sơn, Chánh văn phòng Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết: Đơn vị vẫn tiếp tục cử một đoàn cán bộ túc trực tại sân bay Nội Bài. Ngay sau khi lao động Việt Nam về nước sẽ được công ty thuê xe đón về trường dạy nghề của đơn vị, cách sân bay khoảng 2 km để nghỉ ngơi. Sau đó công ty sẽ phát cho mỗi lao động khoảng 1 triệu đồng/người làm lộ phí về quê, sum họp với gia đình.

Ông Phạm Chí Sơn, Chánh văn phòng Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) nói: “Tình hình tại Libya biến động nên sự thay đổi hay chẫm trễ đưa công nhân về nước nằm ngoài khả năng kiểm soát của Tổng công ty. Thông tin có sự thay đổi hàng giờ nên chúng tôi vẫn đang có người ở sân bay chờ đón. Cán bộ ở đó túc trực chờ để đưa người về địa phương. Sau đó sẽ phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để giải quyết chính sách cho người lao động đúng theo quy định”.

Theo thông tin Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Đến thời điểm chiều 25/2 (theo giờ Việt Nam), tất cả lao động Việt Nam tại Libya đều an toàn, hầu hết đã nghỉ việc, ở tập trung tại những nơi an toàn, được cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ và được khuyến cáo không được đi ra ngoài, tránh nguy hiểm. Hiện đã có khoảng 2000 lao động Việt Nam được người sử dụng lao động, nhà thầu của các nước tại Libya đưa sang những nước lân cận như Thổ Nhĩ Kỳ, Malta... để từ đó về nước. Một bộ phận người lao động khác cũng đã đi đường bộ sang Ai Cập, Tunisia.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay, tình hình thông tin liên lạc ở Libya gặp nhiều khó khăn, phương tiện vận tải hầu như tê liệt. Về lâu dài, vấn đề cung cấp lương thực, thực phẩm cho ngay cả người dân sở tại cũng khó khăn. Từ những tình huống đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, cũng như Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam để giúp đỡ, hỗ trợ cho lao động Việt Nam khi di chuyển sang những nước lân cận. Bằng mọi cách, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho lao động về nước hoặc di chuyển đến những nơi an toàn.

Ông Lương Trường An, Trưởng phòng Thương hiệu và quan hệ công chúng, thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam cũng cho biết, đơn vị sẵn sàng là đầu mối liên hệ với các hãng hàng không tại các nước làng giềng của Libya để phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam đưa lao động về nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên