63 tỉnh, thành phố thảo luận về chống dịch bệnh và tiêm chủng
VOV.VN - Sáng nay (11/6), tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019.
Hội nghị kết nối trực tuyến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố và gần 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã trên cả nước. Các đại biểu được cập nhật hướng dẫn về các biện pháp chuyên môn kỹ thuật cụ thể cho các tuyến tỉnh, huyện, thị xã về các nội dung: công tác giám sát, xử lý và phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng; cập nhật phác đồ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cho trẻ em và người lớn; cập nhật về quy trình chủng an toàn và quy định giám sát tai biến sau tiêm chủng; công tác xử lý, cấp cứu tai biến nặng sau tiêm chủng.
|
Đối với bệnh sốt xuất huyết, PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, công tác phòng dịch bệnh phải là chính. Khi chưa có dịch, các địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, mỗi địa phương có đặc điểm khác nhau nên kế hoạch cần sát thực tiễn, đồng thời chuẩn bị thuốc men dự phòng khi có dịch.
“Khi có dịch chúng ta phải tổ chức được điều trị bệnh nhân. Hệ y tế dự phòng tại cơ sở có nhiệm vụ hướng dẫn bệnh nhân phát hiện sớm, chỉ dẫn người nào đáng vào viện, người nào không cần để xử lý đúng, trúng, giảm biến chứng, tử vong tại nhà, tại cộng đồng. Hai là tuyên truyền phòng chống dịch để người dân trong cộng đồng hiểu về sốt xuất huyết, hiểu về đường lây truyền, các biện pháp mà ngành y tế triển khai để phòng chống dịch có hiệu quả. Thứ 3 là xử lý véc-tơ trong ổ dịch bởi đây là bệnh dịch không có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu”, PGS-TS Trần Như Dương nhấn mạnh.
Đối với bệnh tay chân miệng, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Thường xuyên lau dọn các vật dụng gia đình, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các cơ sở y tế tại các tỉnh, thành và quận, huyện, thị xã cần theo dõi chặt chẽ tinh hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để chỉ đạo kịp thời, giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch, triển khai các hoạt động phòng dịch chủ động, các chiến dịch tiêm vacxin tại những nơi có nguy cơ cao. Đối với công tác điều trị, các cơ sở y tế tiếp tục các hoạt động giảm tử vong, trong đó tập trung phân luồng, phân tuyến, cách ly trong điều trị, tránh lây nhiễm chéo…
“Trong nội bộ ngành, truyền thông phải đi trước một bước, dự phòng trước rồi mới đến điều trị và an toàn tiêm chủng. Dứt khoát xử lý thành công các ca tai biến. Phải tuyên truyền tiêm chủng cho con cháu, khi tiêm phải có phản ứng, đó là phản ứng giữa kháng nguyên, là kết quả để sinh ra kháng thể. Và đáp ứng là mỗi cá thể khác nhau nên chúng ta phải sử dụng đến phác đồ mới. Còn để có hệ thống phòng chống dịch thì cần có cả hệ thống chính trị vào cuộc”, Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh./.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2018
Lý giải nguyên nhân số ca mắc sởi gia tăng tại Hà Nội