7 cơ sở ở TP HCM sử dụng hóa chất sản xuất giá đỗ

Chiều nay (14/8), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp đánh giá công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm trong tháng 7 và đầu tháng 8.

Trong tháng 7, Bộ NN&PTNT kiểm tra tại các địa phương miền Bắc, phát hiện 5 tỉnh gồm: Yên Bái, Nam Định, Bắc Kạn, Cao Bằng và Tuyên Quang chưa quy hoạch cơ sở giết mổ.

Ở hầu hết các tỉnh, thực phẩm cung cấp cho thị trường chủ yếu là từ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, gây không ít khó khăn cho cán bộ thú y trong việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những ngày đầu tháng 8, thanh tra Bộ đã ban hành 431 quyết định xử phạt hành chính đối với những cơ sở vi phạm, với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Từ tháng 5 đến nay chưa phát hiện mẫu thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm hoặc vi phạm yêu cầu về chất lượng.

Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, đã phát hiện nhiều nơi sử dụng hoá chất để sản xuất giá đỗ. Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Cục đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở TP HCM kiểm tra đột xuất và phát hiện 7/33 sơ sở sử dụng hóa chất.

Kết quả phân tích cho thấy, hóa chất sử dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, 4 mẫu kiểm tra đều phát hiện xi-tô-ki-nin thuộc nhóm chất điều hòa sinh trưởng, không phát hiện có kim loại nặng.

Ngoài ra, tại Hà Nội qua kiểm tra cũng phát hiện việc sử dụng hóa chất sản xuất giá đỗ, các hóa chất thu giữ đang kiểm nghiệm.

Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, trên thế giới một số nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc có sử dụng hóa chất sản xuất giá đỗ như: Đỗ tương, đỗ đen, đỗ xanh nhưng là hóa chất an toàn.

Tại Việt Nam có một hóa chất là 3G có chứa hoạt chất chứa xi-tô-ki-nin được phép sử dụng trong sản xuất giá đỗ để tăng cường sức nẩy mầm của hạt đỗ nhưng kết quả kiểm tra vừa qua cho thấy người dân không sử dụng hóa chất này để sản xuất giá đỗ mà sử dụng hóa chất có nguồn gốc Trung Quốc vì vậy vẫn vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.

Cụ thể là hóa chất mà cơ quan chức năng phát hiện vừa qua chưa được đăng ký và cho phép sử dụng tại Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên