Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội như thế nào?
VOV.VN - Hôm nay (21/4), UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc họp với các ngành, địa phương, đặt vấn đề nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
UBND thành phố Đà Nẵng tính tới phương án nới lỏng giãn cách xã hội với mục tiêu kép là vừa đạt yêu cầu phòng chống dịch vừa nhanh chóng ổn định đời sống người dân, phục hồi kinh tế.
Đại diện Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện chỉ còn 6 trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid -19 đã có kết quả âm tính với virus SASR CoV-2. Đến nay, sau 29 ngày, Đà Nẵng không có ca nhiễm mới. Ca cuối cùng mắc Covid-19 tại Đà Nẵng đã xuất viện vào ngày 10/4. Sở Y tế TP Đà Nẵng đề nghị tiếp tục dừng triệt để các nghi lễ, các hoạt động tôn giáo có 20 người trở lên, dừng các hoạt động thể thao văn hóa, tập trung đông người tại các địa điểm công cộng...
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho rằng, thành phố tiếp tục tạm đình chỉ một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ gồm: bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ xoa bóp (massage), trò chơi điện tử.
“Nguy cơ cao nhất của Đà Nẵng là vấn đề giao thương đi lại chứ còn khả năng giám sát, ngăn chặn dịch thì Đà Nẵng hoàn toàn đáp ứng được. Nguy cơ cao của Đà Nẵng là sân bay Quốc tế và các trục đường chính. Khi có khách nhập cảnh về thì chúng ta tiếp tục cách ly tại các khu cách ly tập trung” - bà Yến nói.
Ngành Công thương thành phố Đà Nẵng đề xuất cho hoạt động trở lại đối với các cơ sở sản xuất, công trình giao thông, công trình xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu như bao bì, lương thực thực phẩm, đồ gia dụng, hàng thực phẩm thiết bị bảo hộ cá nhân, khử trùng dược phẩm, xăng dầu, điện nước, nhiên liệu, vật liệu xây dựng, điện máy, các cơ sở sửa chữa máy móc thiết yếu, ngân hàng, các cơ sở dịch vụ phục vụ ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp như công chứng, luật sư, đăng kiểm, bưu chính viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, cơ sở dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ...
Về giao thông, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng đề nghị thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải đối với vận tải liên tỉnh. Hoạt động vận tải nội thành, tiếp tục cấm xe buýt, xe taxi đến ngày 30/4.
Ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng cho rằng, nếu tổ chức hoạt động trở lại thì cho phép chở dưới 50% số chỗ ngồi. Riêng vận tải công cộng thì hạn chế ngày 30/4. Sau ngày 1/5 sẽ xem xét lại tần suất, vì đây là nhóm nguy cơ rất cao. Vận tải công cộng gồm có xe taxi, xe buýt nội thị, xe buýt liền kề...
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, ngành du lịch thành phố đã chuẩn bị kế hoạch đón khách trở lại, chú trọng thị trường nội địa.
“Hiện nay đã 5 ngày cả nước chưa phát hiện ca mới, cộng thêm 8 ngày từ 22/4 đến 30/4 nữa là qua 14 ngày. Dịp 30/4 năm nay nghỉ được 4 ngày, dự báo nếu đón khách thì khách sẽ đến nhiều. Do đó, khả năng đảm bảo an toàn và kiểm soát rất khó khăn. Hiện Sở đang xây dựng quy trình tham mưu cho thành phố quy trình đảm bảo an toàn cho khách và an toàn cho điểm đến” - ông Bình đề nghị.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, dự kiến khối lớp 9 và lớp 12 đi học trở lại vào ngày 4/5, đảm bảo giãn cách 2 mét, mỗi lớp học sẽ chia thành 2 phòng học. Việc dạy trực tuyến sẽ kết thúc vào ngày 2/5. Sau đó, các trường sẽ bồi dưỡng, cập nhật lại kiến thức cho các em. Theo bà Lê Thị Bích Thuận, nếu tình hình ổn định, ngày 11/5 tất cả các bậc học sẽ đi học trở lại bình thường:
“Từ ngày 11/5, từ mầm non đến THPT sẽ đi học lại hết. Còn giả sử tuần đầu theo dõi thấy chưa ổn thì sẽ có sự phân cấp trước để các em đi học. Dự kiến sau khi đi học trở lại thì kết thúc chương trình vào ngày 15/7. Từ mầm non tới Trung học Phổ thông sẽ kết thúc. Còn nếu Bộ yêu cầu kéo dài thì sở sẽ thực hiện theo quy định” - bà Thuận nói.
Ông Huỳnh Đức Thơ Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các ngành, địa phương chuẩn bị sẵn kịch bản nới lỏng các quy định về phòng chống dịch. Khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo thì thành phố ban hành ngay một số quy định cụ thể. Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Đà Nẵng tiếp tục tăng cường các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Tiếp tục tạm dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, các hoạt động văn hóa thể thao đông người, tiếp tục tạm dừng tắm biển, các hoạt động vận tải công cộng đến sau ngày 30/4.
“Cấm một số hoạt động sau đây: Masage, karaoke,bar, vũ trường, tắm biển. Từ nay đến 30/4 chưa xem xét cho tắm biển bởi nếu mở ra sẽ có nguy cơ đông người. Không tắm biển thì hiệu lực của việc cấm tụ tập đông người mới thực hiện được. Những hoạt đông ngoài trời không quá 10 người như đi bộ, những hoạt động khác, kể cả tạp dưỡng sinh không quá 10 người thì vẫn ổn nhưng vẫn phải đeo khẩu trang, giãn cách…” - ông Thơ yêu cầu./.