An ninh nguồn nước nhìn từ bài học nước sinh hoạt nhiễm dầu thải
VOV.VN - Sau hàng loạt sự cố môi trường, người dân có quyền đòi hỏi chính quyền thành phố nhanh nhạy hơn, chuyên nghiệp và trách nhiệm hơn.
Đã hơn một tuần trôi qua, chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã “lên tiếng”, nhưng hàng nghìn hộ dân ở các quận huyện như Hoài Đức, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm bị ảnh hưởng bởi nước sinh hoạt nhiễm dầu thải vẫn chưa hết bàng hoàng, chưa hết âu lo cho cuộc sống, sức khỏe những ngày tiếp theo. Câu hỏi là bao giờ người dân được sử dụng nước sạch trở lại; ai phải chịu trách nhiệm về sự cố nghiêm trọng này; an ninh nguồn nước đã thực sự được quan tâm?
Người dân Hà Nội bức xúc, ngao ngán với cảnh nửa đêm xếp hàng đi lấy nước. |
Sau vụ cháy tại Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông, một lần nữa kiểu phản ứng “không có gì phải vội” của ngành chức năng thành phố Hà Nội về tình trạng hàng chục nghìn hộ dân phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo làm dư luận bất bình. Ông Lê Văn Quang, trú tại khu đô thị Kim Văn-Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cho rằng, sự “im hơi lặng tiếng” của ban ngành chức năng thành phố Hà Nội sau gần một tuần người dân phải sống chung với nước ô nhiễm là điều không thể chấp nhận được: “Chúng tôi biết thông tin là nhờ báo chí, nhờ dư luận. Tôi cho rằng chính quyền phản ứng quá chậm…”
Thông tin về nguồn nước sinh hoạt của Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà bị ô nhiễm xuất hiện từ ngày 8/10, nhưng cả Công ty và chính quyền thành phố Hà Nội đều im lặng. Đến ngày 9/10 khi người dân tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phát hiện nguồn nước mà bấy lâu nay họ vẫn ăn, uống trở mùi lạ bất thường, các cơ quan thông tin báo chí dồn dập thông tin, ngành chức năng thành phố tiếp tục… im lặng.
Và đến chiều ngày 15/10 (tức sau một tuần), tại buổi họp báo thường kỳ của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hà Nội mới chính thức thông tin về thực trạng nước sinh hoạt của người dân bị nhiễm bẩn. Tại đây, ngành chức năng Hà Nội khẳng định, nước sinh hoạt có mùi lạ bất thường là do nhiễm Styren, đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước này để ăn uống, mà chỉ dùng cho tắm giặt. Điều đó có nghĩa là, nhiều ngày trước rất nhiều hộ gia đình đã sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm mà không hề hay biết. Anh Trần Văn Thông, trú tại khu đô thị Linh Đàm cho rằng, người dân bị ngành chức năng thành phố “bỏ rơi” trong cơn khủng hoảng nước.
“ Sự vào cuộc chậm chạp có thể thấy trách nhiệm của chính quyền đối với cuộc sống người dân chúng tôi. Sự có là điều có thể xảy ra nhưng quan trọng là cách xử lý như thế nào…”, anh Thông nói.
Không phát triển du lịch nếu không đảm bảo an ninh nguồn nước
Qua vụ việc nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm mà nguyên nhân là do đầu nguồn nhà máy bị đổ trộm dầu thải cũng đặt ra những vấn đề về an ninh nguồn nước. Thông tư 24 năm 2016 của Bộ Tài nguyên Môi trường quy định về việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt bao gồm: phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh mà công trình đó khai thác và vùng thượng lưu, hạ lưu… Tuy nhiên, từ thực tế vụ việc vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, nhà máy, ngành chức năng địa phương đã không thực hiện nghiêm thông tư 24. Khi dầu thải đã bị đổ trộm vào đầu nguồn nhà máy nước thì các loại chất thải khác cũng hoàn toàn bị thả xuống. Điều gì sẽ xảy ra và ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi trộn lẫn trong nước sinh hoạt là những hóa chất độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Tại cuộc họp báo do tỉnh Hòa Bình tổ chức chiều ngày 17/10, nhiều câu hỏi liên quan đến an ninh nguồn nước được các phóng viên nêu ra, nhưng đại diện ngành chức năng tỉnh Hòa Bình - ông Nguyễn Khắc Long, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường chỉ trả lời qua loa, đại khái: “UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành rất nhiều văn bản, phê duyệt liên quan đến phương án bảo vệ nước sạch”.
Rõ ràng, với những gì xảy ra hơn một tuần qua cho thấy, không chỉ nguồn nước sinh hoạt được cấp từ nhà máy nước sông Đà bị ô nhiễm, mà niềm tin của người dân vào khả năng ứng phó, trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội cũng bị lung lay, ô nhiễm. Từ vụ việc dầu thải tràn vào hệ thống lọc nước của nhà máy thực sự là hồi chuông cảnh cáo, không thể phó mặc việc đảm bảo an ninh nguồn nước cho một doanh nghiệp. Càng không thể không yêu cầu doanh nghiệp trong việc đưa công nghệ giám sát các nguồn ô nhiễm.
Sau hàng loạt sự cố môi trường, người dân có quyền đòi hỏi chính quyền thành phố nhanh nhạy hơn, chuyên nghiệp và trách nhiệm hơn. “Đơn thương độc mã” là điều người dân không bao giờ mong muốn./.
Nhận nước sạch “giải cứu”, người dân Hà Nội lại chê nước “quá bẩn“
Khoanh vùng ảnh hưởng của "nước sạch" nhiễm dầu ở Hà Nội
Người dân Hà Nội xếp hàng thâu đêm chờ nhận... nước sạch