An toàn người bệnh được coi là điều “cốt tử”
VOV.VN - GS Nguyễn Viết Tiến: Đối với ngành y tế Việt Nam, an toàn người bệnh được coi là điều “cốt tử” bởi bệnh viện là một môi trường nguy cơ cao.
Ngày 3/11, tại Hà Nội, Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội thảo quốc gia “Tăng cường và bảo đảm an toàn người bệnh” với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo bệnh viện, trưởng các phòng ban chuyên môn của các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh.
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu giới thiệu những kinh nghiệm triển khai thực tế tại các bệnh viện và tham mưu của các đơn vị cho Bộ Y tế xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể phòng ngừa sự cố y khoa ở từng nhóm lĩnh vực cụ thể trong thời gian tới.
GS TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo |
Hơn thế nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát.
Khi sự cố không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân, đặc biệt đối với người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả của các sự cố không mong muốn làm ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc bị khuyết tật tạm thời hay vĩnh viễn, thậm chí chết người...
Đánh giá về thực trạng cũng như định hướng hoạt động an toàn bệnh viện trong cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết, bệnh viện là môi trường có nhiều nguy cơ để tai biến xảy ra, đây cũng là môi trường có nguy có cao để tạo ra lỗi.
Các hành vi như kê đơn nhiều thuốc, y lệnh không rõ ràng, quá nhiều y lệnh…; cùng với các vấn đề như cấp cứu với tốc độ cao, quá tải bệnh nhân, môi trường nhiễm khuẩn, người bệnh không giao tiếp được, đồng nghiệp kiệm lời… cũng là các nguy cơ dẫn đến mất an toàn người bệnh.
Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết, nhằm bảo đảm an toàn người bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã tham mưu cho Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Luật quy định các điều kiện bảo đảm an toàn người bệnh như: Các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (gồm quy định về cấp cứu; chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp điều trị và kê đơn thuốc; hội chẩn; điều trị ngoại trú; điều trị nội trú; hồ sơ bệnh án; sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú…).
Bên cạnh đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng, hướng dẫn và quy định các bệnh viện cần nghiêm túc triển khai thực hiện: Tăng cường hệ thống chính sách, văn bản pháp quy về an toàn người bệnh; Bảo đảm thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế; Thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo sai sót chuyên môn, sự cố y khoa.
Cụ thể, xác định đúng người bệnh, phòng ngừa rủi ro trong trao đổi, truyền đạt thông tin giữa các nhân viên y tế; an toàn trong quản lý sử dụng trang thiết bị y tế; an toàn trong phẫu thuật, thủ thuật; an toàn trong công tác dược lâm sàng; kiểm soát nhiễm khuẩn bảo đảm an toàn người bệnh; phòng ngừa người bệnh té ngã; hệ thống báo động đỏ cấp cứu nội viện, ngoại viện…
Toàn cảnh hội thảo |
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, để đảm bảo an toàn người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh cần nghiêm túc thực hiện việc bảo đảm thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm toàn người bệnh và nhân viên y tế; thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo sai sót chuyên môn, sự cố y khoa; xây dựng quy trình phân tích xác định nguyên nhân gốc gây nên sự cố y khoa, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn; hướng dẫn biện pháp phòng ngừa sự cố y khoa và khuyến khích sự tham gia các cộng đồng và người bệnh trong công tác đảm bảo an toàn người bệnh./.
Bị hành hung, y bác sĩ lo lắng không thể phục vụ hết mình
Bác sĩ liên tiếp bị hành hung: An ninh cho bệnh viện đang rất yếu?