Ấn tượng Tết Lào
Lễ hội tưới nước là một nét đẹp của văn hóa Lào với mong muốn Năm mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến với người dân.
Đọc Khun - loài hoa đẹp và hiếm
9h sáng 17/4, cả nước Lào dường như đang ngủ rất say, ngoài đường im phăng phắc. Những hàng quán bên đường cũng không như mọi ngày, chẳng có kẻ bán và người mua. Chỉ có tiếng chim và côn trùng kêu ngoài vườn. Trước cổng cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Lào rực lên những đóa hoa Đọc Khun màu vàng chanh, sang trọng và kiều diễm.
Người Lào với ngày lễ hội |
Loài hoa Đọc Khun có nhiều nhất là thủ đô Vientiane và cố đô Luangprbang. Hạn hán không tàn phá được loại hoa này. Một điều kỳ diệu là loài hoa này nở vào đúng dịp giữa tháng 4, tháng của Tết Lào (Bunpimay), nên cả thành phố sáng lên lung linh.
Người dân đi lễ chùa đầu năm đã hái những chùm Đọc Khun thả vào chậu nước thơm để tắm phật. Dùng chùm hoa này nhúng nước thơm ban cho mọi người cùng hưởng phước lộc. Đọc Khun nở rất lâu, cả tháng trời. Những bông rụng vẫn giữ nguyên màu vàng tươi, chỉ đến khi người hốt rác đem những xác hoa đi.
Người Lào yêu hoa đã đặt tên cho loại hoa là “Bông hoa phước” hay “Bông phúc” mà tiếng Lào là Đọc Khun. Khi đã thả vào chậu nước thơm, những cánh hoa vàng ngấm tan trong nước thành một màu vàng chanh gần giống như màu áo các nhà sư. Thứ nước ấy lại được các sư trụ trì trong các ngôi chùa dùng những cành Đọc Khun nhúng vào rồi vẩy lên lưng người xin lễ tỏ ý ban phước với câu: “Uôi phon hay chao mi bun mi Khun” – dịch ra tiếng Việt nghĩa là “Chúc cho bạn luôn gặp may mắn và phước lành”!
Những người thích… nước!
Bunpimay (Lễ hội mừng năm mới) hoặc Bunhotnam (Lễ hội tưới nước), hay Cutpimay (Tết Năm mới) đều là một nghĩa của đại lễ mừng Năm mới của Lào. Tết Lào được tính năm theo Phật lịch và thường thì rơi vào giữa tháng 4 năm Dương lịch.
Năm nay, Tết Lào diễn ra từ ngày 14-16/4. Tính theo Phật lịch, năm nay đã là năm thứ 2554. Vì là Tết mừng nước và cầu mưa, nên không ai bảo ai, hễ thấy có nguồn nước là mọi người xúm lại cùng thưởng thức nguồn nước tưới vào mình và cầu ước theo tín ngưỡng.
Người ta nói “Khôn Lao mặc muồn” -(Người Lào thích vui) cũng đúng, niềm vui hội đón nước cùng với niềm tin về một tín ngưỡng đã xua tan những ưu phiền năm cũ để chỉ có niềm vui và lời cầu chúc. Mọi người thỏa thuê vui thích, cùng ban cùng chúc tràn trề, cho dù bản thân có thể mệt mệt, có thể ngã bệnh cảm (do dầm nước và phơi nắng) thì mọi người vẫn cứ vui.
Người Lào với lễ hội té nước cầu may |
Buổi sáng ngày đầu năm, mọi người cùng lên chùa tắm cho các pho tượng phật, buộc chỉ cổ tay giữ vía hồn mình, xả hết chuyện ưu phiền, rủi ro năm cũ. Sau đó, đến trưa và chiều, mọi người cùng ra sông suối tắm gội để nhờ làn nước làm sạch cả thể xác và tâm hồn, rửa trôi những nỗi ưu phiền rủi ro năm cũ, không có sông suối thì lấy nước tưới tắm cho nhau, cốt để được may mắn, khỏe mạnh và giàu sang hơn trong Năm mới. Chính vì thế, người người ùa ra đường chúc phước. Vì vậy nước té lên nhau cứ như những nguồn thác, có khi bất chợt có khi chủ động và… không cần sự đồng ý của “đối tác”.
Đêm 14/4, cả thủ đô Vientiane lênh láng nước, khiến nhiều du khách thốt lên: “Nước đâu mà lắm thế?!
Lễ hội của đam mê
Lào là đất nước coi đạo Phật là Quốc đạo. Từ Chủ tịch nước đến người dân thường đều trọng lễ nghi phật giáo. Bất cứ ngày hội, ngày lễ nào mang tín ngưỡng phật giáo đều được trọng thị.
Theo quan niệm, ngày đầu Năm mới (14/4) là ngày của quan chức cùng chia sẻ niềm vui với thường dân. Ngày này, người người cùng lên chùa “xả” hết những ưu phiền năm cũ để cầu mong những điều tốt lành cho nhau. Sẵn sàng bỏ qua cho nhau những khúc mắc để sang Năm mới, xây dựng xã hội tốt lành, no ấm và phồn vinh hơn.
Ngày thứ hai (15/4) là ngày của gia đình họ hàng nội ngoại. Người con hiếu thảo với họ hàng, cha mẹ, anh em. Việc té dội nước cho nhau để những nỗi ưu phiền gia đình, họ hàng, những buồn khổ năm cũ trôi tuột hết theo dòng nước. Ngày thứ ba của năm mới (16/4) là ngày của bạn bè, giềng xóm và xã hội.
Cũng theo trình tự của niềm tin, ngày này tất cả mọi người phải tâm niệm bỏ qua chuyện cũ, hướng tới cái mới và làm lại tất cả, tốt hơn đẹp hơn lên và những gì xấu xa vướng mắc phải được gột rửa hết… theo dòng nước. Như vậy, tắm sông, suối, giếng khơi là dùng nguồn nước tưới cho nhau, chúc cho nhau thật sạch để làm lại cái mới, cuộc sống mới tốt đẹp và giàu sang hơn.
Thông điệp từ cái Tết vui
Mọi người hãy yêu thương nhau thật nhiều và hãy bỏ qua những thù hằn, hãy biết nhường nhịn trong cuộc sống để cùng vươn tới ấm no hạnh phúc, phồn vinh. Từ niềm tin ấy, người Lào đã biết nhường nhau cả khi đi đường. Vội ở đâu thì chớ, chứ ra đường không được vội vàng chen lấn, tranh giành. Ấy cũng là một nguyên nhân có thể trả lời cho việc vì sao người Lào không dùng còi ô tô khi đi đường. Vì bấm còi không chỉ làm ồn ào huyên náo đường phố mà cử chỉ bấm còi còn mang một ý nghĩa xua đuổi tranh giành, đó là tính xấu mà người Lào rất ghét.
Ông Thong Mi xay, lái xe của Công ty điện tử Vihan cho biết: “Tôi không thể bấm còi khi đi đường vì nếu bấm còi nghĩa là tôi đã đuổi một người khác tránh ra để tôi đi. Cử chỉ ấy khiến tôi sẽ bị mọi người khinh bỉ…”.
Nếu đến Lào, bạn sẽ thấy một đất nước trật tự trong giao thông và nhẹ nhàng trong giao tiếp và ứng xử, sẵn sàng nhường nhịn và tha thứ bất cứ chuyện gì./.