Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão Ketsana

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông biển Đông từ chiều và tối nay (26/9) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Sáng sớm nay (26/9), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Ketsana. Hồi 7 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 122,8 độ Kinh Đông, cách đảo Luzong (Philippines) khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62-74km/h), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Như vậy khoảng chiều tối nay (26/9) bão sẽ đi vào khu vực phía Đông biển Đông. Đến 7 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc, 117,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75-88 km/h), giật cấp 10, cấp 11. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc, 113,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89-117km/h), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc, 110,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Nam khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133km/h), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông biển Đông từ chiều và tối nay (26/9) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận - Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Đường đi và vị trí cơn bão Ketsana (ảnh: nchmf.gov.vn)

 

** Khắc phục hậu quả mưa lũ và tiếp tục ứng phó diễn biến thời tiết

Trong 2 ngày qua, tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình có mưa to, làm 7 người chết, 2 người mất tích và 15 người bị thương, hàng trăm hécta lúa và hoa màu bị ngập úng. Hiện chính quyền và ngành chức năng các địa phương đang triển khai biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với diễn biến thời tiết xấu tiếp tục có thể xảy ra.

** Tại tỉnh Nghệ An, mưa bão làm 6 người chết và 1 người mất tích. Trong đó, huyện Quỳnh Lưu 1 người, Nghĩa Đàn 2 người, Diễn Châu 1 người và  huyện Thanh Chương có 2 người chết và 1 người mất tích. Mưa bão còn làm hơn 3.600 ha lúa, ngô bị ngã đổ; hơn 1.500 ha rau màu bị mất trắng; gây ách tắc giao thông một số tuyến đường. Tỉnh Nghệ An trích ngân sách, ủng hộ các gia đình có người chết và mất tích mỗi người 3 triệu đồng. Đồng thời, chuẩn bị ngô giống để giúp bà con khôi phục, ổn định sản xuất sau mưa bão.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các huyện ven biển phòng chống nước dâng và triều cường, không để tàu thuyền ra khơi; các huyện miền núi và ven sông sẵn sàng phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, chống vỡ hồ đập và úng ngập. Đặc biệt, phải đảm bảo cho học sinh tới trường an toàn.

Ông Lê Đình Long, Phó chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay, thời tiết ở Nghệ An đang diễn biến hết sức phức tạp. Địa phương đang khắc phục hậu quả lũ lụt do vùng áp thấp gây ra và đang triển khai phương án để đối phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Các ngành chức năng của tỉnh Nghệ An đã xuống kiểm tra tình hình cụ thể của từng địa bàn, nắm thiệt hại và yêu cầu trước mắt phục vụ sản xuất và cứu trợ các gia đình gặp khó khăn, thiếu đói trong thời gian ngắn.

** Tính đến chiều 25/9, Quảng Bình đã có 1 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương do mưa lũ. Toàn tỉnh có trên 5.000 ngôi nhà của người dân bị ngập nước, trong đó có trên 1000 nhà bị ngập sâu từ 1 đến 1,5 mét, tập trung ở các xã vùng ven sông Gianh. Mưa lũ cũng làm gần 1.300 héc ta lúa hè thu muộn và hoa ở 2 huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch bị ngập; hàng ngàn gia cầm bị lũ cuốn trôi; nhiều tuyến giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng. Với phương châm “ 4 tại chỗ”, trong 3 ngày qua, cấp ủy chính quyền các địa phương đã kịp thời chỉ đạo nhân dân chủ động phòng chống lũ. Trước mắt là đảm bảo lương thực và nước uống.

Ông Bùi Đức Nam, Chủ tịch UBND xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện tại nhân dân đã chủ động về lương thực và nước uống. Mỗi hộ gia đình đảm bảo 7 ngày lương thực khi thiên tai lũ lụt xảy ra.

** Còn ở Hà Tĩnh, mực nước sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ là 12,45m, xấp xỉ báo động 3. Mực nước Sông La tại Linh Cảm là 3,56m, xấp xỉ báo động 1. Hà Tĩnh tập trung di dời các hộ dân sống ven sông suối, vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Ông Trần Đức Thịnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tại thời điểm này, ở Hà Tĩnh đang còn mưa to và gió khoảng cấp 5, cấp 6.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã cử các đoàn kiểm tra xuống các địa phương để chủ động phòng chống với lũ. Hiện nay, mực nước các sông đang tiếp tục lên; đã tiến hành di dời các hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đến nơi an toàn. Việc sơ tán chủ yếu tập trung huy động tại chỗ. Lương thực, nhu yếu phẩm các địa phương đã lo một phần để cho người dân nếu phải ở trú lâu dài. Còn địa điểm cho người dân, đặc biệt là người già và trẻ em chủ yếu là công trình công cộng, trụ sở Uỷ ban nhân dân xã.

Trước tình hình mưa bão biến phức tạp, Bộ tư lệnh Quân 4 có công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị lực lượng vũ trang các tỉnh cùng chính quyền và ngành chức năng địa phương giúp nhân dân thu hoạch nhanh diện tích lúa và khôi phục nhiều diện tích hoa màu bị ngã đổ. Trung tá Lê Sỹ Trung, Trưởng Ban cứu hộ cứu nạn Quân khu 4 cho biết, trong ngày 25, lực lượng bộ đội địa phương tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã cứu được 3 tàu khi vào tránh bão bị chìm. Đồng thời tiếp tục thông báo cho các chủ phương tiện đang trú ở khu vực dự kiến báo sẽ đi vào, đi qua để  tìm cách neo đậu an toàn; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ lực, cơ động đảm bảo phương tiện, tập kết sẵn tại các khu vực mà bão có thể đổ vào, bộ phận hậu cần tại chỗ đảm bảo cho lương thực cho khoảng 15 ngày.

Chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới

Để chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, chiều 25/9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 43/CĐ-TW điện Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; Các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành:

- Thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển về bờ tránh bão; thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

- Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

- Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

- Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và UBQG Tìm kiếm cứu nạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên