Bà Bảy vé số- người thương binh tận tâm vì đồng đội

Tại Hội nghị người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2012 vừa tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, câu chuyện của Bảy khiến nhiều người rưng rưng…

Ở xã Long Hưng A có một Nghĩa trang Liệt sĩ độc đáo- mộ của 144 liệt sĩ thời chống Mỹ đang an nghỉ tại đây xanh màu ngọc giữa bốn bề tươi tốt của cây trái miệt vườn. Người đóng góp công trình này là thương binh hạng 1/4- bà Đặng Thị Bảy.

Xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp là một trong 3 xã được đầu tư kinh phí chỉnh trang Nghĩa trang Liệt sĩ có từ kháng chiến chống Mỹ. Gần 2 năm trước, vào dịp Tết Tân Mão, bà Bảy đã khiến chính quyền xã Long Hưng A bất ngờ khi mang 72 triệu đồng, xin đóng góp xây nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà.

Bà Bảy bên mộ liệt sĩ Võ Thị Thư - một trong những đồng đội được kết nạp Đảng vào năm 1964 (ảnh: Lao động)
Thoạt đầu, mọi người thuyết phục bà Bảy giữ lại số tiền để dưỡng già, nhưng sau phải đồng ý ước nguyện của người nữ du kích năm xưa dùng số tiền ốp gạch men toàn bộ 144 ngôi mộ liệt sĩ trong nghĩa trang.

Gánh nặng tuổi tác và 3 mảnh đạn vĩnh viễn nằm lại trong đầu, liên tục hoành hành bà Bảy mỗi khi trái gió trở trời, vậy mà bà vẫn luôn tâm niệm: “Tôi luôn có quyết tâm xây mộ cho các anh, làm tròn nghĩa tình đồng chí đồng đội. Tôi đi bán vé số kiếm tiền, cộng với đồng lương để tiết kiệm bỏ ống, đến khi đủ thì làm tất cả các mộ”.

Năm 1958, khi vừa tròn 13 tuổi, vóc người nhỏ thó nhưng bà Đặng Thị Bảy đã theo người anh ruột đi làm cách mạng. Tròn tuổi 18, bà Bảy vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau lễ kết nạp, 20 đảng viên mới hứa với nhau: “Đến ngày độc lập, ai còn sống sẽ xây mồ, làm mả cho người nằm xuống”. Đã có lúc bà tưởng mình không bao giờ thực hiện được lời hứa này. Khi chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ở giai đoạn khốc liệt, sau trận đánh đồn Gò Dầu ở xã Tân Mỹ, bà Bảy bị thương ở vùng đầu kèm di chứng tổn thương thần kinh khiến nửa cơ thể bất động.

Ngày thống nhất đất nước, người nữ thương binh đơn thân Đặng Thị Bảy cùng 3 người con cũng là cháu ruột của mình sống trong căn nhà cất tạm trên nền đất được địa phương giải quyết.

Nguồn sống duy nhất của gia đình 4 miệng ăn này là đồng lương thương binh. Hàng tháng, bà chia lương thành 5 phần bằng nhau, 4 cho gia đình, 1 cho vào nuôi “heo đất”.

Tâm nguyện quyết thực hiện lời hứa năm xưa, dù cơ thể mang thương tật 89%, đã ngót 15 năm qua, bà Bảy rong ruổi khắp nơi bán từng tờ vé số cộng với số tiền trợ cấp thương binh nặng dành dụm, chắt góp để làm đẹp cho những ngôi mộ đồng đội đã khuất.

Ông Lê Thành Sỹ- Trưởng Phòng Người có công, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Bà Đặng Thị Bảy là tấm gương thương binh tiêu biểu ở Đồng Tháp. Tôi nghĩ rằng nên lấy đây làm tấm gương giáo dục thế hệ trẻ để họ tiếp tục phấn đấu và rèn luyện bản thân và tham gia tốt hơn trong công tác xã hội, nhất là công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương”.

Bất chấp thương tật, ngày nắng cũng như mưa, bà vẫn lặn lội khắp xóm, tích cóp từng đồng tiền lẻ từ việc bán vé số... Bà Đặng Thị Bảy tâm sự: “Bây giờ tôi thấy lòng thanh thản khi thực hiện được lời hứa với đồng đội năm xưa. Ngày ngày, bà Bảy theo lối cũ rong ruổi ở ấp trên, xóm dưới bán từng tấm vé số bằng niềm vui của tuổi già, và tiếp tục bỏ ống nuôi heo đất để sửa lại căn nhà tình nghĩa đã xuống cấp”.

Làm được những việc tưởng chừng như không thể, song bà Bảy chỉ mong muốn giản dị mọi  người cùng góp công, góp của tiếp tục giúp đỡ người có công cách mạng, gia đình liệt sĩ vượt khó, vươn lên thoát nghèo để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên