Ba Lan khát lao động, nhắm tới thị trường Việt Nam và châu Á
VOV.VN - Tuyển dụng lao động lành nghề của Việt Nam tới làm việc tại Trung Âu, đặc biệt là Ba Lan, đang là xu hướng mới.
Đây là khẳng định của ông Pawel Kulaga, CEO (Giám đốc Điều hành) của Tập đoàn nhân lực Greygoose Outsourcing, có trụ sở ở Ba Lan và Ukraine. Giới thiệu về Greygoose Outsourcing, ông Pawel Kulaga khẳng định đây là công ty hàng đầu trong lĩnh vực tìm kiếm và cung cấp nguồn nhân lực tại Ba Lan và cả khu vực Trung Âu, với đối tác chính là những tập đoàn quốc tế lớn như Samsung, Philips, LG...
CEO Tập đoàn nhân lực Greygoose Outsourcing tại Ba Lan- Pawel Kulaga trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV.VN.
Trao đổi với PV VOV.VN, ông Pawel Kulaga cho biết, hiện tại, nhiều công ty Trung Âu, đặc biệt là tại Ba Lan thực sự muốn tuyển dụng người lao động có trình độ từ châu Á cho các ngành nghề như vận hành máy, thợ hàn, thợ mộc, lái xe… Theo đó, các nhà tuyển dụng đang bắt tay vào nghiên cứu thị trường lao động tại các nước như Việt Nam, Philippines, Bangladesh, Nepal và Ấn Độ. Đó cũng là lý do CEO Pawel Kulaga tới Việt Nam lần này.
Trung Âu và Ba Lan khát lao động
Các nhà nghiên cứu thị trường lao động tại Trung Âu cho biết nguồn lao động trước đây cho khu vực này nói chung và cho Ba Lan nói riêng phần lớn đến từ Ukraine và khu vực láng giềng Đông Âu. Song sự dịch chuyển lao động đang diễn ra rõ rệt và nhanh chóng khi các nước Tây Âu mở cửa rộng hơn để đón các người lao động Ukraine.
“Dòng chảy lao động” từ Ba Lan và một nước Trung Âu như Slovakia, CH Séc, Romania, Hungary… đến các nước giàu có ở Tây Âu như Đức, Na Uy hay Anh đã khiến thị trường lao động tại Trung Âu bị thiếu hụt lớn.
Nói riêng về thị trường Ba Lan, CEO Pawel Kulaga cho biết, nền kinh tế Ba Lan đang phát triển nhanh chóng đặt ra thêm nhu cầu về lao động, đặt biệt là lao động có trình độ.
“Tôi cho rằng với xã hội của Ba Lan và các nước Trung Âu, chúng tôi đánh giá cao những người lao động châu Á tới đây làm việc. Với riêng người lao động Việt Nam, tại Ba Lan có một cộng đồng người Việt rất lớn và họ có mối quan hệ tốt với người dân bản địa. Do đó, đây cũng là lợi thế tích cực khi người lao động Việt Nam tới Ba Lan làm việc. Phía Ba Lan luôn tạo điều kiện và chào đón những lao động có tay nghề”, ông Pawel Kulaga khẳng định.
Tất nhiên, để thu hút lao động từ Việt Nam và các nước khác trong khu vực châu Á, Ba Lan cũng khẳng định có những điều kiện tuyển dụng hấp dẫn, như đối xử công bằng với tất cả người lao động nước ngoài, thậm chí, sẵn sàng trả lương cao hơn và quan tâm nhiều hơn để thu hút lao động lành nghề.
CEO Greygoose Outsourcing lên trang bìa Tạp chí thị trường Ba Lan. |
Lao động Việt Nam trong mắt chuyên gia
Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2018 có hơn 102.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 10,19% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường xuất khẩu lao động “truyền thống” của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh, khẳng định “thương hiệu” lao động Việt Nam trong mắt các nhà tuyển dụng.
Sau chuyến công tác tìm hiểu thị trường lao động Việt Nam trong tháng 10, nhà tuyển dụng uy tín của Ba Lan và Trung Âu ông Pawel Kulaga cũng khẳng định điều này. Ông cho biết, bản thân ông đã bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu và tất cả các chuyên gia trong thị trường lao động Ba Lan đều rất quan tâm đến nguồn lao động tại châu Á, trong đó có Việt Nam.
“Theo đánh giá của tôi, người lao động Việt Nam có trình độ và có tay nghề. Trong khi lao động Philippines có thể nói tiếng Anh tốt hơn, nhưng một số lao động Việt Nam lại sử dụng được tiếng Nga, ngôn ngữ cũng phổ biến tại Ba Lan. Chúng tôi cũng có giải pháp cho vấn đề rào cản ngôn ngữ vì những đối tác chúng tôi làm việc cùng đều có những chuyên gia có thể nói thông thạo tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh. Do đó, người lao động sẽ không gặp nhiều khó khăn tại nơi làm việc. Các công ty tại Ba Lan và Trung Âu thật sự cần những lao động lành nghề và Việt Nam hay các nước khu vực thì người lao động đều có tay nghề tương đương”, ông Pawel Kulaga nhấn mạnh.
Sẽ có sàn giao dịch chung, tránh lừa đảo khi xuất khẩu lao động?
Có thể nói Pawel Kulaga là chuyên gia đầu tiên của Ba Lan tới tìm hiểu cụ thể thị trường lao động châu Á, với mục tiêu thực sự là mời gọi người lao động tới làm việc tại Ba Lan và Trung Âu. Do vậy, những kết quả chuyến công tác và những đánh giá của ông Pawel Kulaga sẽ có sức nặng để các nhà tuyển dụng châu Âu cân nhắc.
“Chúng tôi tập trung vào người lao động Việt Nam, Philippines, Bangladesh, Nepal, và Ấn Độ. Tại Việt Nam, tôi đã làm việc với Đại sứ quán Ba Lan cũng như kết nối với các đối tác để tìm hiểu rõ hơn… Chuyến làm việc tại châu Á lần này của tôi kéo dài trong khoảng một tháng. Tôi ở Việt Nam khoảng 2 tuần và cảm nhận rằng con người Việt Nam rất thân thiện, linh hoạt và có trình độ phù hợp nhu cầu tuyển dụng tại Ba Lan và Trung Âu. Tôi tin rằng cũng có rất nhiều chuyên gia tại Ba Lan quan tâm tới chuyến đi tìm hiểu thị trường lao động châu Á của tôi lần này và họ sẽ theo chân tôi tới đây. Theo đó, sẽ có thêm cơ hội tích cực cho người lao động Việt Nam muốn làm việc tại Ba Lan hay các nước Trung Âu”, CEO của Greygoose Outsourcing Pawel Kulaga khẳng định.
Cơ hội lớn đi kèm với yêu cầu chuyên nghiệp
Số liệu xuất khẩu lao động thực tế vô cùng kiêm tốn từ thị trường Việt Nam tới Ba Lan là 42 người đến hết quý III năm 2018, tới Hungary 23 người hay tới Romania và khả quan hơn là hơn 1.000 lao động. Song theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam, Đông Âu cũng có xu hướng tăng dần quy mô tiếp nhận lao động Việt Nam.
“Tôi cho rằng, nhân lực có đào tạo ở Việt Nam sẽ rất phù hợp với nền kinh tế Ba Lan bởi chúng tôi có một cộng đồng người Việt rất lớn ở Ba Lan và quan hệ của hai nước vốn luôn vô cùng tốt đẹp. Đây cũng là một cơ hội tốt để người Việt Nam được trải nghiệm môi trường làm việc quốc tế”, ông Pawel Kulaga nói về nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam với thị trường Ba Lan nói riêng.
Hiện nay, quy trình tuyển dụng lao động hoàn toàn tuân thủ theo luật pháp Việt Nam. Với Ba Lan - một thành viên EU, Ba Lan cũng tuân thủ các nguyên tắc chung. Những lao động được tuyển dụng và được cấp visa tới làm việc tại Ba Lan sẽ được đối xử công bằng với những chính sách và các điều kiện như người lao động Ba Lan. Theo đó, các nhà tuyển dụng luôn cố gắng xây dựng môi trường làm việc đáng tin cậy cho người lao động khi tới Ba Lan, từ đảm bảo an ninh đến chăm sóc y tế. Tại Ba Lan điều kiện sống cơ bản cũng ngày càng tốt hơn và tôi cho rằng đây sẽ là yếu tố giúp thu hút người lao động nước ngoài đến với Ba Lan.
“Chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về các vị trí tuyển dụng để người lao động lựa chọn được công việc phù hợp nhất. Sau đó sẽ là những bước đào tạo và kiểm tra đánh giá tay nghề lao động. Khi người lao động vượt qua các bài kiểm tra tay nghề, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra sức khỏe…quá trình này có thể mất một năm. Sau khi chúng tôi có đầy đủ hồ sơ về người lao động, chúng tôi sẽ làm việc với Đại sứ quán để làm thủ tục cấp visa. Quá trình phỏng vấn và lấy visa mất khoảng 2 tuần, sau đó người lao động sẽ lên đường tới Ba Lan. Sau một năm đầu làm việc tại Ba Lan, nếu cả nhà tuyển dụng và người lao động đều cảm thấy hài lòng, chúng tôi sẽ tiếp tục gia hạn thời gian làm việc cho các lao động nước ngoài tại Ba Lan. Nếu các bạn là một lao động giỏi, chắc chắn các nhà tuyển dụng sẽ không muốn để vuột mất bạn”, Pawel Kulaga nói./.
Doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị phạt mức kỷ lục
Có nên xuất khẩu lao động chất lượng cao khi trong nước vẫn thiếu?