Bác Hồ với Đài TNVN:

Bác để tình thương cho chúng con

VOV.VN - Thế rồi có một ngày không ai dám nghĩ đến đã đến. Giọng nghệ sỹ phát thanh viên Tuyết Mai rưng rưng đọc Thông cáo: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần

Một ngày đầu năm 1995, tôi đến nhà số 5 Trần Phú nhận bản thảo từ tay nguyên Tổng Biên tập Trần Lâm đã nghỉ hưu viết về Đài Tiếng nói Việt Nam 50 năm phát triển.

Ông vẫn thế, thoạt đầu đưa ánh mắt sắc lẻm xoáy vào người đối thoại như dò hỏi rồi hạ giọng:

Cậu hôm nay có rỗi không? Nếu bận việc thì thôi, nếu không thì nói chuyện lâu lâu nhé.

Tôi hơi ngạc nhiên vì ông bỗ bã mà hồi đương chức hiếm thấy. Thứ nữa trước đây, hiếm hoi lắm tôi mới có dịp báo cáo với Tổng Biên tập về tình hình Công nghiệp, phân phối lưu thông hay Thư bạn nghe đài, mà mỗi lần khoảng mươi phút đổ lại. Tôi cười:

Dạ, hôm nay là chủ nhật ạ.

Ông cười xòa:

Ừ nhỉ. Nghỉ hưu lâu quá nên ngày nào cũng như ngày nào.

Bà Ý pha sẵn ấm chè nóng. Ông xởi lởi:

Chè Thái, móc câu đấy. Mình nghỉ hưu rồi người ta mới biếu nên không sợ “của đút”. Yên tâm nhé.

Bà Ý nguýt chồng: “Anh khi nào cũng đùa được” Tôi hiểu, ông đang là cố vấn của Thủ tướng về chống tham nhũng. Ông đặt lên bàn ba tập bản thảo còn tươi màu mực:

“Nói thật nhé, mình nói thì dài bao nhiêu cũng được, cứ tuồn tuột, càng nói càng hứng, còn viết thì chật vật lắm, phải rặn từng chữ một. Lời nói gió bay chứ in sách, văn bia mà. Nhỡ một cái là người đời cười cho. Khó thế đấy. Ban đầu định viết những bài học về đài Quốc gia sau nửa thế kỷ trưởng thành cùng cách mạng, cùng dân tộc, nhưng khi đặt bút viết thì kỷ niệm ùa về, tràn cả trang giấy. Mình đặt tên bài viết là “50 năm – Đài Tiếng nói Việt Nam -  Chặng đường gian nan và kỳ thú” Càng viết, càng suy ngẫm, càng thấy Đài ta thật hồng phúc, được vị Lãnh tụ tối cao của Dân tộc sáng lập, chăn ươm từ thời còn trứng nước. Bác còn là thính giả,  là vị khách mời đầu tiên nói trên làn sóng, vừa chỉ đạo cụ thể, uốn nắn từng đường đi nước bước”.

Bia tưởng niệm Bác Hồ đến thăm Đài TNVN vào đầu năm 1955, tại 56-58 Quán Sứ, Hà Nội.

Ông kể tiếp: năm 1946, trong dịp thăm nước Pháp, bà con Việt kiều tặng Bác chiếc máy ghi âm bằng đĩa mềm, Bác bảo bác sỹ Nguyễn Tấn Ghi Trọng mang về cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Chiếc máy này đã kịp ghi lại lời xướng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” và nhạc hiệu Diệt phát xít trước khi rời Thủ đô đi kháng chiến 20 tháng 12 năm 1946. Bà con Việt kiều ở Thái Lan tặng Bác chiếc đồng hồ đeo tay, Người cũng tặng lại cho Đài phát thanh Quốc gia. Bác bảo làm đài mà không có đồng hồ thì làm sao đúng giờ được.

Biên dịch và đọc tiếng Anh lúc bấy giờ là anh Trần Văn Chương (biệt hiệu là Billy) Anh chị em trong cơ quan nói vui là anh có hai nỗi khổ: Một là thời buổi kháng chiến khó khăn mà anh có khổ người cao to, trắng trẻo, trốn ở đâu cũng dễ nhìn thấy. Thứ hai, đã thế lại còn đẹp trai nên tập trung sự chú ý của chị em. Nhưng hai cái khổ ấy không bằng nỗi “thống khổ” là anh chàng được tiếng đẹp mã, nhưng quanh năm chỉ có một tấm quần. Một buổi trưa nóng bức, Billy ra suối tắm, giặt quần, phơi lên cành cây cao cho nhanh khô, rồi ngồi thu lu bên bờ suối chờ…Ai dè, ngồi lâu quá, anh ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Bỗng ngọn gió hoang ào qua, anh tỉnh dậy thì chiếc quần đã bay xuống dòng suối tự lúc nào. Anh loay hoay tìm mãi mà chả thấy quần, khi áng chừng giờ lên chương trình phát thanh tiếng Anh đầu giờ chiều đã đến. Không còn cách nào khác, anh thả chùng vạt áo sơ mi xuống co người lại, lò dò đi vào phòng thu trước con mắt e ngại và “xoi mói” của mọi người, nhất là cánh chị em. Biết chuyện, mỗi người góp một câu văn vần tặng Billy:

“Gió nhè nhẹ, gió mơn man

Với ta, sao mi quá phủ phàng?

Thổi bay luôn chiếc quần độc nhất

Lấy gì che thân đây, hỡi chàng?”

Câu chuyện này được đăng lên tờ “báo liếp” của cơ quan. Có anh cán bộ Nội vụ đến Đài Tiếng nói Việt Nam công tác đọc được về kể lại với Bác Hồ nghe. Bác không cười mà trầm ngâm, rơi nước mắt. Bác cũng biết cán bộ, nhân viên Đài ở chiến khu quá thiếu thốn, ba anh lãnh đạo chỉ có một bộ quần áo lành lặn, dành để cho người đi họp với cơ quan bên ngoài mặc, Bác đã ủy quyền cho bác sỹ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Hà Nội đến thăm Đài và trao quà của Người là vải và thuốc chữa bệnh.

Bác thường xuyên nghe đài, có bài hay Bác khen liền, tin bài nào chưa đúng, chưa hay Người góp ý luôn, phê bình thẳng thắn.

Có bài học mà Tổng biên tập Trần Lâm nhớ suốt đời là vào năm 1948 ở Việt Bắc. Một ngày mưa rừng giăng giăng, ông cùng một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cơ quan tuyên truyền vượt suối chảy xiết, đường rừng trơn tuột đến nghe đồng chí Trường Chinh truyền đạt ý kiến của Hồ Chủ tịch về viết và tuyên truyền điển hình trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Về cơ quan, ông Trần Lâm lục tung hết các tờ báo mà không tìm thấy một điển hình tăng gia sản xuất nào. Phóng viên hiếm hoi mà cơ sở thì quá xa xôi, cách trở. Trong tình thế ấy, ông Trần Lâm bàn với nhà văn Hoài Thanh, lúc ấy đang làm biên tập cho Đài “dựng lên” câu chuyện bịa y như thật. Đó là hình ảnh lão nông chi điền Nguyễn Danh Đạm quê ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. Nhà văn Hoài Thanh chấp bút là dân xứ Nghệ gốc nên thêm thắt làng xã, dòng họ, lời ăn tiếng nói y như thật. Ông không chỉ sản xuất giỏi, làm ra lúa, ngô khoai sắn có năng suất cao mà còn bảo ban con cháu, vận động bà con trong dòng họ, thôn xóm cùng làm theo để có nhiều thóc gạo, lợn gà cho bộ đội ăn no đánh thắng. Ông còn hăng hái tham gia Mặt trận Liên Việt. Đúng là một điển hình tiên tiến.

Bác nghe Đài, biết tin này, rất phấn khởi liền cho kiểm tra lại, nếu đúng thì tặng huy hiệu của Người. Khi biết chuyện “hư cấu” Bác phê bình Đài là “dối cha lừa chú”. Ông Trần Lâm nhận hết khuyết điểm về mình.

Hồ Chủ tịch bận bao nhiêu công việc kháng chiến, kiến quốc, đối nội, đối ngoại, nhưng hàng ngày vẫn dành chút thì giờ xem lại tin, bài của Đài gửi đến Văn phòng Chủ tịch Nước, theo quy chế. Có lần Đài nhận được phong bì từ Văn phòng Chủ tịch Nước, trong đó là bản tin của Đài đã phát nói về đoạn đường sắt Yên Bái – Phố Lu đã được khai thông. Ngoài lề bản tin có bút phê của Bác bằng mực đỏ, nét to đậm: “dại” . Đài được thêm một bài học về bảo mật kinh tế. Không phải sự thật nào cũng đưa công khai lên đài, lên báo.

Trong một lần nói chuyện với cán bộ tuyên truyền, Bác nhắc lại những vụ việc này và căn dặn: viết, nói làm sao để cho người dân bình thường hiểu, nhớ và làm theo? Trước hết phải nói đúng sự thật, nói nhiều đến người tốt việc tốt, nói nhiều đến những điển hình tiên tiến trên mức bình thường, chứ đừng cao siêu quá, số đông không bắt chước, làm theo được. Bác thường xuyên nhắc nhở là không nên gieo tâm lý “lạc quan tếu” hay “bi quan dại”. Chiến thắng 10 chỉ nên nói đến 7, đề phòng lạc quan tếu dẫn đến chủ quan, khinh địch.

Những tài liệu lưu giữ ở Đài có bút phê của Bác là “Được”, “Tốt”,  “Dại”, “Thưởng huy hiệu”. Bác không đao to búa lớn, quy chụp quan điểm này, tư tưởng nọ mà nhẹ nhàng khuyên bảo như Cha với con, Ông dạy cháu.

Ông Trần Lâm tâm sự: nhận được lời phê bình của Bác không quá hoảng hốt, lo sợ mà ngẫm nghĩ và tìm cách sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ. Giọng ông trở nên trầm lắng: “Nói thật là không ai thương Đài như Bác Hồ. Nếu nói đến người thứ hai là đồng chí Phạm Văn Đồng, học trò xuất sắc của Người.”

Ông bảo tôi đây là những cảm nhận từ đáy lòng mà chưa kịp viết vào sách.

Đáp lại tình cảm sâu nặng của Bác, năm 1947, anh chị em cán bộ, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã viết bức thư tâm huyết gửi cho Người, nhưng đến bây giờ không biết bức thư nằm ở đâu.

Tôi đem băn khoăn này trao đổi với nhiều người thuộc thế hệ đầu tiên xây nền đắp móng cho Đài phát thanh Quốc gia mà lớp hậu duệ trân trọng gọi là thế hệ “dựng nghiệp phát thanh”.

Mải đến ngày 24 tháng 10 năm 2000, tại 58 Quán Sứ, Hà Nội, tôi nhận được bức thư của ông Trần Sinh, một trong những biên tập viên, phát thanh viên tiếng Quảng Đông đầu tiên của Đài.

Bức thư viết:

“Tôi xin gửi tới anh bức thư Bác gửi cán bộ Nhà nước năm 1947. Toàn thể cán bộ đài TNVN đã họp và nghe đọc thư Bác tại thị xã Bắc Cạn và đã có thư gửi Bác hứa thực hiện những lời Bác dặn. (Thư do Nhà văn Hoài Thanh dự thảo và toàn thể cán bộ của Đài ký tên.) Tài liệu này do đồng chí Lê Văn Tấn, cán bộ Đài TNVN trong kháng chiến ghi lại trong tập nhật ký của mình”.

Dưới đây là toàn văn thư của Bác Hồ gửi các nhân viên cơ quan Chính phủ:

“Cùng các nhân viên các cơ quan Chính phủ.

Những anh chị em ở tiền phương, đem xương máu giữ gìn Tổ quốc, là chiến sỹ.

Những anh chị em ở hậu phương, đem tài năng giúp việc Chính phủ, cũng là chiến sỹ.

Những chiến sỹ ở tiền phương, ăn gió nằm sương, xung phong hãm trận, chết sống bao giờ không biết, là hy sinh.

Những chiến sỹ ở hậu phương, lên dốc xuống đèo, ăn túng mặc thiếu, ốm khỏe bao giờ không biết, cũng là hy sinh.

Tôi vẫn biết các bạn đều hăng hái, đều kiên quyết. Nhưng tôi cũng biết rằng: ngày trước các bạn có một cách sinh hoạt và một cách làm việc khác hẳn với bây giờ. Ngày trước, làm việc có thời giờ nhất định. Ngoài giờ làm thì có bạn bè và có thú vui giải trí. Sinh hoạt thì yên tĩnh và tương đối phong lưu.

Ngày nay, người ít mà việc nhiều, lúc làm việc xong thì ngoài tiếng chim kêu vượn hót, ngoài cảnh núi rừng rậm, suối sâu, chắng có thú vui gì khác. Sinh hoạt thì thường nay đây mai đó, thường thường thiếu thốn. Dù Chính phủ giúp đỡ, nhưng cũng chỉ đỡ một phần nào thôi. Nói tóm lại là: bây giờ ai cũng khó nhọc và cực khổ.

Chúng ta, người tuy đông, cơ quan tuy nhiều, song từ trên xuống đưới đều đoàn kết chặt chẽ, đồng cam cộng khổ, như trong một nhà. Vậy tôi xin lấy địa vị là như một người anh, và đem kinh nghiệm của cá nhân khuyên gắng các bạn:

Người mà chịu được khổ, thì việc to lớn, khó khăn mấy cũng làm được.

Ta đã biết cần phải chịu khổ, thì ta chịu một cách vui vẻ, dần dần ta sẽ không lấy làm khổ.

Chúng ta đem tinh thần mà chiến thắng vật chất, chúng ta vì nước, vì dân mà chịu khổ, một cái khổ rất có giá trị, thì vật chất càng khổ tinh thần càng sướng.

Chiến sỹ ở tiền phương, đã khổ mà lại luôn luôn ở đưới mưa bom sóng đạn. So với họ thì ta ở hậu phương không khổ mấy.

Khổ tận thì cam lai. Khổ này chỉ là khổ tạm thời, kháng chiến thành công thì sẽ hết khổ.

Trường kỳ kháng chiến là một viên đạn thử vàng dối với mỗi một quốc dân, đồng thời là một trường học để rèn luyện cho cán bộ. Vì vậy, chúng ta:

Phải tuyệt đối giữ kỷ luật.

Phải tuyệt đối giữ bí mật.

Đối với đồng sự, phải đoàn kết chặt chẽ, khuyên nhau, giúp nhau.

Đối với dân chúng phải thân cận, phải giúp đỡ họ mọi việc, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.

Chớ bao giờ ngồi không. Lúc rảnh việc, thì nên nghiên cứu các vấn đề, hoặc theo sức mình mà tăng gia sản xuất. Như thế đã bổ ích cho thân thể lại vui cho tinh thần.

Chớ tắm nước lã nhiều quá. Chớ uống nước lã, chớ ăn no quá, chớ ngủ trưa nhiều.

Đó là những lời thô thiển, nhưng mà thiết thực. Mong rằng do sự lãnh đạo của các Bộ trưởng và Thứ trưởng, các bạn sẽ làm đúng, để giữ vững và nâng cao tinh thần và lực lượng của mọi người, để giúp sức cho cuộc kháng chiến cứu quốc mau đi đến thắng lợi.

Chúc các bạn hạnh phúc và gắng sức.

Chào thân ái và quyết thắng.

HỒ CHÍ MINH.

Toàn văn bức thư của cán bộ nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam gửi Hồ Chủ tịch:

“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm thứ III

Ngày 16 tháng 6 năm 1947.

Kính gửi Hồ Chủ tịch.

Thưa Cụ

Nhận được bức thư của Cụ gửi cho nhân viên các cơ quan Chính phủ, anh em chúng tôi trong đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã họp lại cùng đọc với nhau.

Đọc bức thư chứa chan tình thân ái, chúng tôi ai nấy đều cảm động. Những nỗi vất vả của chúng tôi, những nỗi lo lắng của chúng tôi trong cuộc sống nay đây mai đó, lắm khi tuyệt nhiên không có tin tức của những người thân, tất cả những điều ấy đã được Cụ biết đến cho. Nội chừng ấy cũng đã khiến chúng tôi thấy nhẹ nhàng như trút được gánh nặng. Nhất là chúng tôi lại biết đây không phải là những lời khách sáo của một người bề trên chưa trải qua cảnh khổ bao giờ. Đây là lời tâm sự của một người từng sống lâu năm trong những cảnh trăm nghàn lần nguy nan hơn, chật vật hơn, cô quạnh hơn. Lời của một người anh nói với em, hay đúng hơn của một người Cha nói với đàn con thơ dại: “Chớ uống nước lã, chớ ngủ trưa nhiều”, những lời khuyên bình dị mà thiết thực và đượm tình âu yếm, phảng phất cái hương vị những lời Nguyễn Phi Khanh khuyên con.

Chúng tôi xin hứa với Cụ sẽ một lòng tuân theo những lời khuyên ấy để giữ gìn sức khỏe, để phấn khởi tinh thần, để góp một phần nhỏ mọn vào công cuộc giành Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Bức thư của Cụ đã nâng đỡ chúng tôi, đã kích thích chúng tôi và đọc thư xong chúng tôi thấy vững lòng hơn, kiên quyết hơn trên con đường tranh đấu để chiến thắng thực dân, điều ấy chúng tôi trong những buổi phát thanh đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Bức thư của Cụ còn khiến chúng tôi nhận thấy rằng càng đi song song với cuộc thử sức vĩ đại của dân tộc có cuộc thử sức riêng đối với mỗi người, và nếu chúng tôi hiện giờ chưa phải là “vàng” chúng tôi cũng xin nguyện tự đào luyện lấy mình để cho đủ khả năng chịu được cuộc thí nghiệm của viên đá “Trường kỳ kháng chiến”.

Kính chúc Cụ khỏe để lãnh đạo toàn dân.

Trân trọng đôi lời để gọi là tỏ tấm lòng biết ơn và ái mộ không bờ bến của chúng tôi.

Chào quyết thắng.

Nhân viên Đài phát thanh TNVN

Trần Chí Bình (tức Trần Công Tường)

Trần Văn Chương

Hứa Thành Công

Ngô Xuân Diệu (tức Xuân Diệu)

Hoàng Gia Du

Trịnh Văn Hải

Bùi Xuân Hoàn

Nguyễn Kim (tức Hoài Thanh)

Lê Quang Lân

Dương Thị Ngân

Nguyễn Văn Nghiêm

Hoàng Khâm Sen

Lê Văn Tấn

Nguyễn Văn Thân (tức Nhất)

Đinh Xuân Thảo

Nguyễn Văn Thu (tức Thái)

Trần Quang Vân (tức Trần Sinh)

Trần Quảng Vận (tức Trần Lâm.

T.B – Một điều chúng tôi lấy làm bối rối trong khi viết thư này là không tìm được một danh từ nào cho đúng. Hai tiếng “Chủ tịch”, xa vời quá, tiếng “Cụ” cũng vô tình, nhạt nhẽo quá, không đủ tả tấm lòng của chúng tôi. Tiếng “Cha” có lẽ hợp hơn, nhưng lại sổ sàng, trơ trẽn. Thư bất tận ngôn.

Xin Cụ lượng thứ.”

Mặc dù Nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình Hoài Thanh đã lựa chọn nhiều từ để bày tỏ đúng tấm lòng người nhà Đài với Bác Hồ kính yêu mà vẫn chưa thỏa. Những thế hệ sau này gọi đây là “Bức tâm thư gửi Cha”

Tôi báo với cựu Tổng biên tập Trần Lâm là đã tìm thấy nội dung “Tâm thư gửi Bác”, nhưng chưa tìm thấy bản viết bằng tay. Ông hỏi đi hỏi lại nhiều lần vì lúc này tai ông nặng hơn, quên nhiều hơn nhớ. Khi nghe ra, mắt ông sáng lên, nhìn xoáy vào tôi, nói to: “ Cố tìm ra bản viết tay nhé. Quý lắm đấy. Nếu có thì để ở phòng Truyền thống của Đài. À mà này, nhớ gửi vào Bảo tàng HỒ CHÍ MINH nhé”.

Tôi “Vâng ạ” thật to đủ cho ông nghe, như một lời hứa, còn ông thì hạ giọng. Nói là hạ giọng cho có cung bậc, chứ ông nói to hơn bình thường. Hình như người nặng tai thường nói to, sợ người khác không nghe được, không hiểu được.

Này, cậu phải biết là trong phòng ngủ, Bác luôn luôn mở Đài để nghe tin tức, mà theo như ông Vũ Kỳ, thư ký của Người nói lại là “Bác không có gia đình riêng nên luôn mở đài cho có tiếng người”. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh Bác vẫn nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác còn gửi lời khen “Diễn ca Điều lệ Hợp tác xã bậc cao” phát trên đài như thế là “tốt”.

Ông chậm rải kể lại:

Các đồng chí ở Ban Nông nghiệp Trung ương và Ban Quản lý Hợp tác xã Nông nghiệp là hai cơ quan chủ chốt được giao nhiệm vụ dự thảo Điều lệ Hợp tác xã Nông nghiệp bậc cao cho biết là Bác Hồ, ngay từ đầu rất quan tâm đến công việc vô cùng quan trọng này. Thỉnh thoàng Người gọi điện xem bản thảo đã viết đến đâu và nhắc nhở: trình độ văn hóa của bà con ta còn rất thấp, hàng ngày lại phải quần quật ngoài đồng, trên nương nên Ban soạn thảo phải viết thật giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Viết xong phải tìm cách phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân góp ý. Khi xuất bản thì phải in khổ nhỏ, bỏ túi tiện lợi, nhưng chữ phải to, đậm cho dễ đọc. Cuối cùng Bác căn dặn là phải soạn lời Điều lệ bằng văn vần, thơ ca, hò về cho bà con dễ thuộc lòng.

Đồng chí Hà Xuân Trường lúc ấy là trưởng ban Văn hóa, Văn nghệ Trung ương bàn bạc với Tổng biên tập Trần Lâm và giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam nhiệm vụ này. Tổng biên tập Trần Lâm mời nhà báo Chu Chử là Tổ trưởng Biên tập phát thanh Nông nghiệp lên bàn và trực tiếp giao nhiệm vụ cho hai nhà báo Cao Đức Cẩn và Nguyễn Đình Lương thực hiện. Tổng biên tập nhắm hai phóng viên này vì Cao Đức Cẩn cùng quê với Bác, còn Nguyễn Đình Lương thường soạn lời cho dân ca. Hai anh cùng học Tổng hợp Văn Hà Nội.

Hơn 40 năm rồi, nhớ lại ngày ấy, nhà báo Đình Lương, nay đã nghỉ hưu vẫn không quên hai trạng thái tình cảm đan xem nhau lúc ấy: xúc động và lo lắng.

Xúc động vì được tín nhiệm làm công việc theo ý tưởng, tình cảm của Bác với bà con nông dân.

Quê anh ở Nam Ngạn, Hàm Rồng, Thanh Hóa, lớn lên với ruộng đồng,  lăn lóc trên từng luống cày nên thấu hiểu tấm lòng của Bác. Lo lắng vì nhiệm vụ quá lớn lao mà phải hoàn thành trong thời gian ngắn.

Hai nhà báo trẻ bàn bạc và phân công: anh Cao Đức Cẩn soạn theo thể song thất lục bát để ngâm thơ, còn anh Đình Lương đặt lời cho dân ca, chèo. Đặt cuốn Điều lệ Hợp tác xã Nông nghiệp màu xanh lúa ngô lên bàn, Đình Lương ngẫm nghĩ mãi bao nhiêu lời hay, ý đẹp, nhưng rồi cuối cùng ngòi bút lại viết nên lời dung dị:

“Nhớ câu Hợp tác là nhà

Xã viên tất cả ta là chủ nhân…”

Bản thảo cuối cùng “Diễn ca Điều lệ Hợp tác xã Nông nghiệp bậc cao” hoàn thành khi trời Hà Nội sầm sập đổ mưa, mà Đình Lương thường ví là “tháng bảy mưa gảy cành đa/Tháng tám mưa sa cành bàng”. Hai anh phải thuê chiếc xe xích lô “đặc biệt” trùm kín vải bạt đến Khu tập thể Quân đội ở phố Nam Đồng đón nghệ sỹ ngâm thơ Trần Thị Tuyết, rồi đến số nhà 60 Đào Duy Từ rước nghệ sỹ khiếm thị, đệm đàn Kim Sinh đến phòng E, 58 Quán Sứ để thu diễn ca theo thể song thất lục bát. Trong khi đó ở phòng tập Đoàn Ca nhạc của Đài, các nghệ sỹ Kim Đức, Minh Tâm, Như Hoa đang cùng dàn nhạc dân tộc khớp nhạc các điệu: cò lả, trống quân, sa mạc. Ai cũng được phổ biến là diễn ca làm theo mong muốn của Bác nên trổ hết tài năng, tâm huyết để được tác phẩm chất lượng nhất.

Thế rồi, ngày ngày, cứ đầu giờ phát thanh Nông nghiệp lại vang lên “diễn ca điều lệ Hợp tác xã. Nhiều tờ báo địa phương in lại diễn ca cho bà con nông dân được đọc, dễ thuộc.

Nhà báo Đình Lương trầm ngâm:

Có ngờ đâu trong những ngày đất trời Hà Nội tuôn mưa, chúng tôi miệt mài chuyển thể, dàn dựng diễn ca điều lệ thì Bác Hồ lâm bệnh nặng. Giữa những cơn đau, Bác vẫn nghe đài, và nghe được diễn ca điều lệ Hợp tác xã. Bác bảo đồng chì Hà Xuân Trường nói với Đài là cung cấp văn bản và băng thu thanh diễn ca điều lệ cho Bác nghe, góp ý kiến, sửa chữa cho hoàn hảo.

Thế rồi có một ngày không ai dám nghĩ đến đã đến. Giọng nghệ sỹ phát thanh viên Tuyết Mai rưng rưng đọc Thông cáo: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Chúng tôi sững sờ, quặn thắt từng cơn đau. Tôi chợt nghĩ không biết Bác đã kịp cho ý kiến sửa chữa diễn ca hay chưa?... Và cảm động vô cùng khi Tổng biên tập Trần Lâm thông báo là Bác đã nghe và khen Diễn ca Điều lệ Hợp tác xã Nông nghiệp. Bác còn dặn lại lãnh đạo Đài có phần thưởng cho soạn giả diễn ca.

Hai anh Cao Đức Cẩn và Nguyễn Đình Lương được Đài thưởng 100 đồng. (Lương tốt nghiệp đại học lúc ấy khoảng 60 đồng)

Khi viết lại những dòng này, tôi gọi điện cho nhà báo Đình Lương, hỏi anh cảm xúc viết diễn ca Điều lệ trong anh như thế nào khi thời gian đi qua 44 năm. Anh đã tuổi 73, sức đã sút giảm, nhưng giọng nói vẫn rành rọt, xúc cảm: “35 năm công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, có biết bao nhiêu kỷ niệm, nhưng với tôi, những ngày làm diễn ca điều lệ Hợp tác xã Nông nghiệp theo ý của Bác Hồ đã khắc sâu vào tâm khảm.”

Hiện nay nhà báo Đình Lương còn giữ đĩa thu thanh “diễn ca điều lệ Hợp tác xã Nông nghiệp bậc cao” theo thể song thất lục bát và dân ca, chèo như một báu vật của cuộc đời làm báo phát thanh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lần thứ tư thăm Đài TNVN, Bác dặn: “Đề phòng ăn đạn bọc đường”
Lần thứ tư thăm Đài TNVN, Bác dặn: “Đề phòng ăn đạn bọc đường”

VOV.VN - Bác nói: Nhiệm vụ cách mạng còn lâu dài, gian khổ, cán bộ phải giữ vững ý chí cách mạng, đề phòng những viên đạn bọc đường

Lần thứ tư thăm Đài TNVN, Bác dặn: “Đề phòng ăn đạn bọc đường”

Lần thứ tư thăm Đài TNVN, Bác dặn: “Đề phòng ăn đạn bọc đường”

VOV.VN - Bác nói: Nhiệm vụ cách mạng còn lâu dài, gian khổ, cán bộ phải giữ vững ý chí cách mạng, đề phòng những viên đạn bọc đường