Bắc Trung bộ ngập trở lại, Trung Trung bộ sạt lở đất, Nam Trung bộ hứng xả lũ

VOV.VN - Tại các tỉnh Nam Trung bộ, các thủy điện vẫn xả lũ, mưa lan rộng ra các tỉnh Bắc Trung bộ, các tỉnh Trung Trung bộ lại đang đối diện với nỗi lo sạt lở đất.

Chiều nay (11/11), tại các tỉnh Nam Trung bộ, trời tạnh ráo nhưng các thủy điện vẫn xả lũ, nhiều nơi vẫn còn ngập lụt. Trong khi đó, mưa lan rộng ra các tỉnh Bắc Trung bộ khiến nhiều địa phương ngập lụt trở lại. Tại các tỉnh Trung Trung bộ lại đang đối diện với nỗi lo sạt lở đất.

Tại tỉnh Phú Yên, hôm nay tạnh mưa nhưng do các thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, K”Rông Năng xả lũ tần suất từ 4500 đến 5900 mét khối/giây nên nhiều nơi nước rút chậm. Mưa lũ làm một người mất tích, nạn nhân là anh Hồ Ngọc Bung (35 tuổi) trú xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa; 62 nhà hư hỏng và tốc mái; Một số Quốc lộ bị hư hỏng mặt đường, ách tắc giao thông.

Đến chiều 11/11, một số xã như Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn và Bắc Xuân Long, huyện miền núi Đồng Xuân vẫn bị cô lập do nước ngập sâu. Ông Phạm Tuân Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết: Trên địa bàn huyện mất điện hoàn toàn; địa phương đã sơ tán hơn 2 ngàn hộ dân với trên 4 ngàn nhân khẩu ở vũng thấp trũng, vùng có nguy cơ lũ quét đến nơi an toàn. Chiều nay, chính quyền huyện Đồng Xuân tổ chức đoàn cứu trợ bằng ghe, xuồng hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, mì tôm giúp bà con vùng bị cô lập.

Ông Chánh cho biết: "Tới giờ phút này nước khu vực thị trấn đã rút ra rồi còn một số xã vẫn còn cô lập. Giao thông đi được một tuyến thôi, tuyến ĐT 644 còn các tuyến còn lại bị chia cắt cho nên chưa đi được. Hệ thống liên lạc bây giờ chỉ có gọi điện thoại. Cũng không chủ quan những hộ mà già vẫn giữ họ lại chỗ an toàn, nếu bão số 13 trở lại, chúng tôi vận động người dân tiếp tục vào những nơi an toàn. Trước mắt phương châm “4 tại chỗ”, địa phương thì vẫn dùng xuống đi hỗ trợ cho  các hộ bị cô lập.”

Chiều nay tại tỉnh Bình Định, trời đã hửng nắng, nước lũ rút nhanh. Đến khoảng 14 giờ, hầu hết các điểm ngập lụt ở phường Nhơn Bình, Nhơn Phú và trên đường Hùng Vương ở thành phố Quy Nhơn nước đã rút hết, người dân đang tranh thủ dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa.

Hoàn lưu bão số 12 gây mưa lớn, gây sạt lở chia cắt ở địa bàn các huyện miền núi như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân và thị xã Hoài Nhơn. Tại xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh có 33 điểm sạt lở kéo dài khoảng 8km, nhiều tảng đá lớn sạt xuống chắn ngang đường khiến giao thông tê liệt. Còn tại huyện Hoài Ân có gần 12km đường giao thông bị sạt lở, chia cắt, 45 đập bổi, đập tạm bị nước lũ cuốn trôi, nhiều mố cầu bị sạt lở khiến việc đi lại 1 số xã bị chia cắt.

Trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Chúng tôi đã thành lập 1 đoàn công tác liên ngành để triển khai việc kiểm tra tình hình thiệt hại ở các địa phương có thiệt hại nặng, đặc biệt là huyện Hoài Ân, An Lão và huyện Vĩnh Thạnh. 3 huyện này có nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng. Qua kiểm tra thực tế ở Hoài Ân hiện nay thì nổi lên một số điểm rất đáng lo. Trong tuần này thì UBND tỉnh sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho 3 huyện này để khắc phục, đặc biệt là huyện Hoài Ân.”

Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn những ngày qua làm nhiều tuyến đường lên các huyện miền núi bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Nhiều khu vực miền núi xuất hiện những điểm sạt lở mới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét. Sáng nay, đường Trường Sơn Đông qua địa bàn xã Sơn Long, huyện Sơn Tây bị sạt lở nặng, hàng ngàn mét khối đất đá đổ ra mặt đường. Mưa lớn gây sạt lở nhiều điểm trên Tỉnh lộ 623 khiến giao thông lên huyện Sơn Tây bị chia cắt. Các lực lượng đang khẩn trương thông tuyến. Huyện Sơn Tây đã di dời hơn 900 hộ dân ra khỏi những điểm nguy cơ sạt lở.

Tối qua, anh Đặng Như Ý và Trần Phú Vinh (quê ở tỉnh Quảng Nam) đi xe máy trên đường Trường Sơn Đông. Khi hai người đến địa phận xã Sơn Long, dù đã có rào chắn cảnh báo nhưng vẫn cố vượt qua. Đến đoạn không đi được, hai người này vào trú một nhà dân, gặp lúc đất đá trên núi đổ xuống vùi lấp khoảng nửa mét gây thương tích. Lực lượng địa phương kịp thời có mặt đưa đi cấp cứu.

Ông Đinh Quang Ven, Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Ngay trên đường Trường Sơn Đông, tại địa điểm sạt lở cũ nay tiếp tục sạt lở gấp 3, 4 lần, chia cắt toàn bộ giữa tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kontum, một nửa của xã Sơn Long hiện nay không đi được. Trụ điện đổ ngã hết, hiện nay không có điện. Địa phương đã rào chắn cảnh báo 2 bên. Cục Quản lý Đường bộ 3 chờ trời tạnh mưa để bố trí phương tiện sớm khắc phục.”

Mưa lớn, kết hợp thủy điện xả lũ đã khiến một số nơi thấp trũng thấp ở thành phố Hội An, huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngập sâu. Từ đêm qua đến nay, nước từ thượng đổ về khiến mực nước sông Hoài dâng cao, ngập sâu một số tuyến đường trong phố cổ như: Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi… Để chủ động ứng phó, người dân đã di chuyển lên những ngôi nhà cao hơn. Đây là lần thứ 6 trong vòng một tháng qua, nước lũ từ sông Hoài dâng lên ngập lụt nhà dân.

Bà Nguyễn Thị Hoa, 60 tuổi, số nhà 78, đường Nguyễn Thái Học, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam lo lắng: “Nước lên từ 5 giờ sáng, thấy nước lên là tôi sợ lắm. Tôi không hiểu lắm về mực lên bao nhiêu, cơ quan chức năng dự báo nước sẽ dâng lên báo động 3, nhưng hiện nay nước lên khoảng 40 cm và có có thể dâng lên nữa. Hiện tôi mang ít đồ khô đi sơ tán, nếu nước lớn quá thì phải tìm chỗ ở lại chứ ở dưới thấp thì sợ”.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bắc Trà My, một người bị thương gãy 2 chân, đã được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Một người di chuyển từ Nam Trà My về Bắc Trà My bị lở núi vùi lấp chưa xác định được danh tính. Lực lượng cứu hộ đang tiếp cận hiện trường.

Mưa rất lớn ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã gây ra tình trạng ngập lụt cục bộ. Một số khu dân cư vùng trũng thấp ở thành phố Huế, các huyện Quảng Điền, Phú Lộc ngập đến nửa mét. Đặc biệt, Quốc lộ 1A qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc bị ngập một số điểm, gây khó khăn việc đi lại. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Phú Lộc đã ứng trực cảnh báo các phương tiện nhỏ như ô tô con, xe gắn máy không lưu thông qua đoạn đường này. Mưa lớn đã làm sạt lở trở lại tại Km76+500 Quốc lộ 49A từ Huế đi A Lưới.

Hiện các lực lượng đang tập trung phương tiện cơ giới để thông tuyến. Các địa phương trong tỉnh cũng đang sơ tán, di dời hơn 5.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất, sạt lở núi, bờ biển, ven sông, ven phá, vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Đến chiều nay các huyện  Phú Lộc, Quảng Điền, thị xã Hương Trà… chủ động cho học sinh ở vùng trũng nghỉ học tránh ngập lụt và bão số 13.

Ông Nguyễn Thái Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục và Đạo tạo huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn đang có mưa rất lớn cho nên hiện nay các trường cũng đang ngập lụt. Về phía ngành cũng đã chỉ đạo cho các trường tập trung về công tác phòng chống. Đặc biệt là kê các dụng cụ, các thiết bị của nhà trường lên cao, rồi chuẩn bị cho công tác phòng chống bão. Rồi chỉ đạo cho các trường cắt các lực lượng của nhà trường, túc trực tại trường để bảo đảm cho vấn đề an toàn con người cũng như về cơ sở vật chất”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sẵn sàng ứng phó với bão Vàm Cỏ (VAMCO) giật cấp 15
Sẵn sàng ứng phó với bão Vàm Cỏ (VAMCO) giật cấp 15

VOV.VN - Để chủ động ứng phó với bão, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động thực hiện 6 nội dung chính.

Sẵn sàng ứng phó với bão Vàm Cỏ (VAMCO) giật cấp 15

Sẵn sàng ứng phó với bão Vàm Cỏ (VAMCO) giật cấp 15

VOV.VN - Để chủ động ứng phó với bão, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động thực hiện 6 nội dung chính.

Bão Vamco duy trì gió giật cấp 15
Bão Vamco duy trì gió giật cấp 15

VOV.VN - Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Bão Vamco duy trì gió giật cấp 15

Bão Vamco duy trì gió giật cấp 15

VOV.VN - Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.