Bất cập chi quỹ BHYT:

Bài 1: Bệnh viện đau đầu vì “chi lố” quỹ Bảo hiểm y tế

VOV.VN -Các bệnh viện tại TP HCM và một số tỉnh Đông Nam bộ như ngồi trên đống lửa vì đã chi “lố” quá nhiều kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Mới đầu quý 4/2019, các bệnh viện tại TP HCM và một số tỉnh Đông Nam bộ như ngồi trên đống lửa vì đã chi “lố” quá nhiều kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) được giao. Thậm chí, nhiều cơ sở y tế đã hết sạch tiền dự toán, đang tìm cách xoay xở để tạm ứng.

Vấn đề đặt ra là, số tiền dự toán được giao đó có được chi đúng, hợp lý hay chưa vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ khi mà tại một số nơi có sự chi tăng đột biến, bất thường. Để làm rõ vấn đề này, nhóm phóng viên thường trú tại TP HCM có loạt bài “Bất cập chi quỹ BHYT”.  

Bài 1: Bệnh viện đau đầu vì chi lố quỹ BHYT

Tại Đồng Nai, câu chuyện chi vượt dự toán BHYT đang làm đau đầu các bệnh viện. Năm 2018, các bệnh viện chi vượt dự toán hơn 400 tỷ đồng nhưng chỉ được BHXH chấp nhận thanh toán hơn 200 tỷ, số còn lại phải đợi Thủ tướng đồng ý duyệt chi. Còn năm nay, mới đến hết tháng 8, các cơ sở y tế đã sử dụng 74% dự toán chi BHYT của cả năm.

Bệnh nhân tăng hơn năm 2018 khiến cho các bệnh viện chi vượt dự toán.

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết: “Ngành Y tế đang rất lo lắng vì kinh phí hoạt động của bệnh viện sẽ bị ảnh hưởng. Nếu vượt dự toán chi nhiều thì bảo hiểm ngưng không trả, ví dụ như chúng tôi còn một trăm mấy chục tỷ bảo hiểm chưa hoàn trả, phải chờ ý kiến của Chính phủ. Mỗi bệnh viện thiếu vài chục tỷ thì hoạt động rất là khó khăn, nhất là các bệnh viện nhỏ”.

Năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai đã chi quỹ BHYT vượt gần 86 tỷ đồng nhưng năm nay bệnh viện được giao còn thấp hơn cả năm ngoái đến 19 tỷ đồng.

Theo Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, việc cấp dự toán thấp là một nguyên nhân khiến cho quỹ khám chữa bệnh BHYT có nguy cơ hết sớm hơn năm ngoái. Trong khi đó, thời gian qua bệnh viện tăng cường triển khai những kỹ thuật mới, đòi hỏi giá thành thực hiện cao hơn dẫn đến chi phí thanh toán BHYT lớn hơn.

Bệnh viện cũng là tuyến tỉnh hạng 1 nên đối tượng đăng ký khám chữa bệnh đa số là những người mắc bệnh nan y, thời gian điều trị dài, cần áp dụng nhiều kỹ thuật cao… nên chi phí cũng cao hơn nhiều so với các cơ sở y tế tuyến dưới.

Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm cho biết thêm: “BHXH yêu cầu bệnh viện tiết kiệm. Nhưng bệnh viện khẳng định rằng dù tiết kiệm nhưng cái nào cần thiết để điều trị cho bệnh nhân thì mình vẫn phải thực hiện. Làm sao tiết kiệm nhưng phù hợp với người bệnh chứ không phải vì tiết kiệm mà làm giảm chất lượng điều trị”.

Một phòng khám BHYT tại quận Bình Thạnh TP HCM.

Bà Nguyễn Thị Quy, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai nhìn nhận rằng, một trong những nguyên nhân chi “lố” dự toán BHYT là nhiều cơ sở y tế trên địa bàn đưa vào sử dụng các dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, lượt khám chữa bệnh cũng tăng theo từng năm. Song, cơ quan BHXH cũng phát hiện tình trạng chỉ định điều trị nhiều hơn năm trước. Đặc biệt, nhiều trường hợp chỉ định thuốc không đúng quy định tại thông tư 30/2018 của Bộ Y tế về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

“Ngành Y tế, các cơ sở y tế có thể sốt ruột, nhưng thực tế mà mình phân tích ra thì nhiều cơ sở không phải tăng dịch vụ kỹ thuật mới. Cả ngành y tế và bảo hiểm xã hội có sự phối hợp theo chỉ đạo của UBND tỉnh để làm sao chi ra hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh mà tiết kiệm, hiệu quả chứ không phải cắt giảm quyền lợi của người bệnh”.

Còn tại TP HCM, trong 8 tháng của năm 2019, tổng số chi BHYT trên địa bàn là 13.099 tỷ đồng, chiếm 72% so với dự toán được Chính phủ giao cả năm, trong đó có 40 cơ sở khám chữa bệnh chi trên 70% dự toán. Đặc biệt, có 10 cơ sở khám chữa bệnh tính hết ngày 31/8/2019 đã chi từ 80% dự toán trở lên như: Bệnh viện Tân Hưng, Mắt Việt Hàn, Mắt Phương Nam, Phòng khám Hòa Hảo…

Bên cạnh các cơ sở y tế tư nhân thì một số bệnh viện công lập cũng vượt chi nhiều, đơn cử như Bệnh viện huyện Củ Chi.

Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang – Giám đốc Bệnh Viện huyện Củ Chi cho biết, năm 2019 bệnh viện được cấp dự toán 72 tỉ đồng, nhưng đến nay số tiền đã hết và bệnh viện đã phải ứng từ nguồn khác chi cho khám chữa bệnh BHYT. Nguyên nhân tiêu “lố” BHYT do số lượng bệnh nhân ở các địa phương lân cận đến khám chữa bệnh ngày càng đông. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, lượng bệnh nhân đã tăng khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, bệnh viện cũng mới đưa vào triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới như mổ thần kinh sọ não, phẫu thuật cột sống, thay khớp… nên khoản chi tăng. Hiện bệnh viện đang làm giải trình xin cấp kinh phí bổ sung.

“Kiểm soát quỹ thì mình tuân thủ theo các khuyến cáo và phác đồ điều trị của Bộ Y tế và Sở Y tế đã hướng dẫn. Mình kiểm soát chặt lắm, kiểm tra thông tuyến của bệnh nhân, coi có khám chỗ này rồi qua chỗ kia hay không, tuân thủ theo kiểm tra thông tuyến trên phần mềm BHYT, để xác định xem có bệnh nhân một ngày đi khám mấy chỗ hay không”, bác sĩ Trường Giang nói.

Theo Sở Y tế TP HCM, tính đến cuối tháng 8/2019, số người đăng ký thẻ BHYT đã tăng khoảng 490.000 người so cùng kỳ năm ngoái. Từ nay cho đến cuối năm, dự kiến con số này sẽ tăng tăng thêm khoảng 200.000 người. Bên cạnh đó, các chính sách mới có liên quan đến khám chữa bệnh BHYT như: tăng lương cơ sở tác động đến số người bệnh có chi phí dưới 15% lương cơ sở và người bệnh có chi phí vật tư y tế trên 45% lương cơ sở; tăng giá viện phí…là những lý do khiến bệnh viện chi vượt dự toán.

Thế nhưng, cũng chính cơ quan BHXH lại phát hiện ra nguyên nhân vượt chi dự toán BHYT còn có yếu tố trục lợi bằng các hành vi lạm dụng chỉ định khám chữa bệnh, thu gom bệnh nhân BHYT… Cho nên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào kiểm soát các cơ sở y tế để không lạm dụng chính sách để “đục khoét” quỹ bảo hiểm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chính sách tiền lương, bảo hiểm y tế có hiệu lực trong tháng 12/2018
Chính sách tiền lương, bảo hiểm y tế có hiệu lực trong tháng 12/2018

Nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 12/2018 như: quy định mới về tiền lương ngày nghỉ lễ, xếp lương công chức quản lý doanh nghiệp Nhà nước.

Chính sách tiền lương, bảo hiểm y tế có hiệu lực trong tháng 12/2018

Chính sách tiền lương, bảo hiểm y tế có hiệu lực trong tháng 12/2018

Nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 12/2018 như: quy định mới về tiền lương ngày nghỉ lễ, xếp lương công chức quản lý doanh nghiệp Nhà nước.

Thẻ bảo hiểm y tế số 01 và chuyện về những người bán thẻ đầu tiên
Thẻ bảo hiểm y tế số 01 và chuyện về những người bán thẻ đầu tiên

VOV.VN -Ông Đào Xuân Thạo, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) là người sở hữu tấm thẻ bảo hiểm y tế đầu tiên của cả nước.

Thẻ bảo hiểm y tế số 01 và chuyện về những người bán thẻ đầu tiên

Thẻ bảo hiểm y tế số 01 và chuyện về những người bán thẻ đầu tiên

VOV.VN -Ông Đào Xuân Thạo, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) là người sở hữu tấm thẻ bảo hiểm y tế đầu tiên của cả nước.

Công bố quyết định thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế
Công bố quyết định thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế

VOV.VN - Thanh tra Chính phủ công bố Quyết định về thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc...

Công bố quyết định thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế

Công bố quyết định thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế

VOV.VN - Thanh tra Chính phủ công bố Quyết định về thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc...