Khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài:

Bài 1: Cơ chế bất cập, quản lý lỏng lẻo

(VOV) -5 năm qua nội dung khiếu nại của công dân chủ yếu liên quan đến đất đai, chiếm trên 70%

Nhiều năm gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, có lúc, có nơi diễn ra gay gắt, biểu hiện rõ nhất là số đoàn đông người gia tăng, thái độ khiếu kiện thiếu kiềm chế, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Đáng lưu ý sau khi Thanh tra Chính phủ rà soát, cả nước còn 528 vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, tồn đọng, có vụ kéo dài đã hàng chục năm, rất khó khăn trong giải quyết. Loạt bài của phóng viên Đài TNVN đề cập nguyên nhân và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo trong thời gian tới.

Một vụ khiếu kiện đông người.

Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ: trong 5 năm qua nội dung khiếu nại của công dân chủ yếu liên quan đến đất đai, chiếm trên 70%; tập trung nhiều nhất là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ngoài những bất cập về cơ chế chính sách thì nhiều địa phương tiến hành thu hồi đất để giao cho các nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhưng chính sách liên quan đến lợi ích của người sử dụng đất còn nhiều bất cập.

Trong khi đó, chính sách đền bù, hỗ trợ chưa nhất quán nên khó thực hiện; có sự chênh lệch giữa giá đất bồi thường so với giá thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế, nên một số người dân bị thu hồi đất không nhất trí với phương án bồi thường.

Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng: “Chúng ta thực hiện quy trình công khai dân chủ không tốt từ khâu quy hoạch tới chủ trương thu hồi đất, các thủ tục thu hồi đất, giải phóng đền bù mà hiện nay khiếu nại trong lĩnh vực đất đai là trên 70% ,rất gay gắt, rất phức tạp. Trong rà soát 528 vụ tồn đọng thì có 79% là đất đai, nhiều hơn cả bình quân chung của khiếu nại thường xuyên. Vừa qua chúng ta rất đơn giản vấn đề thủ tục, công khai dân chủ vì vậy mà người dân tiếp tục khiếu kiện kéo dài gây bức xúc. Tất nhiên là cũng có những người ngộ nhận về quyền lợi và nghĩa vụ nhưng cũng phải xem xét lại nhiều sai sót của chúng ta”.

Một nguyên nhân nữa là công tác quản lý về đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo, nhiều cán bộ lợi dụng, tham nhũng tiêu cực, trục lợi. Việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm có lúc, có nơi làm chưa tốt, còn xảy ra thiếu sót, sai phạm hoặc thực hiện thiếu công khai, dân chủ, công bằng, dẫn đến công dân không chấp nhận, phát sinh khiếu nại đòi quyền lợi, có trường hợp còn bức xúc dẫn đến tố cáo việc làm sai của cán bộ hoặc tập hợp đông người khiếu nại gay gắt.

Đáng chú ý là có nhiều dự án thu hồi đất của người dân rồi để hoang hóa, hoặc nhu cầu và khả năng sử dụng đất thì ít nhưng thu hồi đất với diện tích lớn hơn, nên lãng phí đất đai. Tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch không đồng bộ, tính khả thi chưa cao xảy ra ở nhiều địa phương.

Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phân tích: “Thành phố tập trung để nghiên cứu làm rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại tố cáo nói chung và nguyên nhân để xảy ra khiếu nại tố cáo tồn đọng, tập trung đông người. Trong những nguyên nhân như vậy thì có những nguyên nhân rất là cơ bản đó là trong quá trình quản lý nhà nước của các cơ sở thì cũng có những nơi có khiếm khuyết, chúng ta thực thi công vụ chưa tốt gây thiệt thòi đối với quyền lợi của một số công dân, một số tổ chức. Trong quá trình chỉ đạo cũng có nơi là làm chưa quyết liệt, chưa dứt điểm, đáng ra sự việc đó giải quyết ở cơ sở nhưng mà cơ sở giải quyết chưa hết thẩm quyền, chưa đến nơi đến chốn hoặc là kết luận chưa có chất lượng cho nên là công dân tiếp tục khiếu kiện lên cấp trên”.

Một số vụ việc khiếu nại về nhà, đất do lịch sử để lại như: đòi lại đất nông nghiệp đưa vào các Hợp tác xã, Tập đoàn sản xuất, sau đó giải thể, trả lại đất cho nông dân, đất sản xuất của dân nhưng sau đó đưa vào các nông - lâm trường quốc doanh và nay cổ phần hóa phát sinh trong những năm trước đây, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Số vụ việc này không nhiều nhưng thường có tính chất gay gắt, phức tạp và rất khó áp dụng pháp luật để giải quyết.

Bên cạnh đó ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nên có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng hoặc vượt quá quy định pháp luật. Có những vụ việc đã được giải quyết nhiều lần cơ bản là đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình nhưng người khiếu nại vẫn không chấp nhận kết quả, thậm chí có những phản ứng tiêu cực, cố chấp, gây rối trật tự hoặc bị các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước lợi dụng kích động, khiếu nại kéo dài, bức xúc.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, ở Tây Ninh lượng đơn thư người dân đến khiếu nại tố cáo đông người liên quan tới đất đai ở các nông lâm trường xảy ra trong thời gian vừa qua do lịch sử để lại. Nhìn chung trong những năm trước đây chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm từ các cấp Trung ương hỗ trợ giải quyết xong. Tuy nhiên khi giải quyết như vậy thì người dân vẫn chưa đồng thuận lắm, họ cũng đến và đầu tiên thì không nhiều nhưng do họ thấy người dân các tỉnh thành khác khiếu nại kéo về đông người tại Hà Nội như thế thành ra họ bắt chước để đi theo.

Trong báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2012 tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 13 vừa qua, Chính phủ dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2013 vẫn diễn biến phức tạp. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền cần có giải pháp cụ thể, thiết thực hơn trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là giải quyết dứt điểm 528 vụ khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài nhiều năm qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cần Thơ: Dân vận tốt, khiếu kiện giảm
Cần Thơ: Dân vận tốt, khiếu kiện giảm

(VOV) -Thành phố cũng đã vận động sửa chữa, xây mới gần 4.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Cần Thơ: Dân vận tốt, khiếu kiện giảm

Cần Thơ: Dân vận tốt, khiếu kiện giảm

(VOV) -Thành phố cũng đã vận động sửa chữa, xây mới gần 4.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

143 vụ khiếu kiện không còn cách để giải quyết
143 vụ khiếu kiện không còn cách để giải quyết

(VOV) -Số vụ việc này đã được xem xét giải quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý nhưng dân vẫn tiếp khiếu.

143 vụ khiếu kiện không còn cách để giải quyết

143 vụ khiếu kiện không còn cách để giải quyết

(VOV) -Số vụ việc này đã được xem xét giải quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý nhưng dân vẫn tiếp khiếu.