Bài học sau thảm kịch tại Khánh Hòa: Tăng cường cảnh báo, ứng phó sớm
VOV.VN - Cảnh báo và ứng phó thiên tai sớm là bài học rút ra sau thảm kịch sạt lở và lũ quét tại Nha Trang, Khánh Hòa vừa qua.
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 19/11, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cập nhật con số mới nhất là 18 người chết và mất tích tại tỉnh Khánh Hòa, sau khi hứng chịu thiệt hại vô cùng nghiêm trọng vì áp thấp nhiệt đới trước đó một ngày.
Ông Nguyễn Trường Sơn (giữa), Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai tại cuộc họp báo chiều 19/11. |
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, thảm kịch xảy ra tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa với nhiều lý do, trong đó là hoàn lưu cơn bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn kỷ lục tại Nha Trang trong 20 năm qua.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Trường Sơn cũng nêu vấn đề trong công tác dự báo định lượng mưa vẫn rất khó khăn. Dữ liệu ghi được cho thấy, mưa cục bộ quá lớn tại Nha Trang (trong 12 giờ lượng mưa vượt hơn 300mm). Đây là tình trạng mưa cực đoan, tập trung với lượng lớn tại khu vực hẹp và dốc, gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng dẫn chứng tình hình quy mô, tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng từ năm 2008-2018 tại khu vực núi Hòn Rớ, thành phố Nha Trang - nơi vừa xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, vấn đề phát triển kinh tế xã hội nếu không lồng ghép với giảm rủi ro thiên tai sẽ dẫn đến rủi ro thiên tai mới.
“Vấn đề lồng ghép công tác phòng ngừa thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương đã được quy định trong luật. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế đang có rất nhiều vấn đề. Để làm được điều này đòi hỏi sự vào cuộc một cách nghiêm túc của các địa phương, các bộ ngành”, ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Theo ông Sơn, ứng phó, phòng chống thiên tai phải đi theo hướng quản lý rủi ro (chính là điều mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong Nghị quyết 16). Với những khu vực không bố trí sắp xếp lại được dân chỉ, thì phải có những công trình để giảm thiểu rủi ro thiên tai. Giải pháp được quan tâm nhất hiện nay là công tác dự báo sớm, ứng phó sớm, đồng thời nâng cao nhận thức và đào tạo, phổ biến kỹ năng cho người dân thông qua truyền thông tuyên truyền tới người dân. Tổ chức diễn tập thường xuyên hàng năm.
Cả chính quyền địa phương và người dân phải coi trọng không lơ là trong vấn đề ứng phó với thiên tai./.
Khánh Hòa: Lũ cuốn sạt lở nhiều nơi, Nha Trang ngập trong biển nước