Bài học từ vụ cháy chung cư cao tầng làm chết 2 người

Tại Hà Nội, tính đến hết năm 2009, có 364 nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên) đã đưa vào sử dụng, trong đó có 247 nhà qua rà soát được kết luận có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các vụ cháy

>> Hà Nội: Cháy nhà cao tầng, 2 người chết  >> Sẽ khởi tố vụ án cháy ở chung cư 18 tầng  >> Có chất gây cháy trong hầm rác chung cư 18 tầng

Vụ cháy tòa nhà chung cư JSC 34, cao 18 tầng thuộc Công ty công trình 34, ngõ 164, đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội xảy ra vào hồi 18 giờ ngày 10/3.

Ban đầu, lửa, khói mù lan tỏa lên các tầng nhà phía trên. Lúc này có rất nhiều người trở về nhà, nhiều gia đình đang ăn tối. Khói tràn ngập toàn bộ hệ thống cầu thang đi bộ, hệ thống điện của tòa nhà bị tê liệt, người dân sống từ tầng 15 trở lên đã không thể xuống dưới.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là cháy hệ thống xả rác của tòa nhà. Hai mẹ con nạn nhân đã không thể thoát kịp, để lại hậu quả đau lòng.

Ông Lưu Tất Thắng, Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân cho biết: Đây không phải là vụ cháy lớn vì có 6 xe cứu hỏa đến ứng cứu nhưng nhiều xe không phải sử dụng tới. Trong vụ này, khói là nguyên nhân chính gây ra cái chết của hai mẹ con chị Vương Lan Phương. Ông Lưu Tất Thắng nói: “Khói rất nguy hiểm nhưng việc hút khói hoặc làm cho nó tỏa ra được thì lại chưa có biện pháp. Khi khói đặc ở các tầng trên, những người cấp cứu ở trên kêu gọi thì cũng chỉ đưa cái xe thang lên cao tầng để đưa người xuống, còn khói hầu như để nó lan tỏa tự nhiên… Đấy là vấn đề về chuyên môn cần phải suy nghĩ để có những biện pháp tốt hơn”.

Chưa có giải pháp thoát khói hoặc ít ra là giảm lượng khói trong các toà nhà chung cư khi xảy ra cháy là một thực tế ở nhiều toà nhà chứ không riêng gì ở chung cư JSC. Phải chăng các nhà thiết kế chung cư mới chỉ nghĩ tới lối thoát hiểm cầu thang, mà chưa tính đến “đường thoát” cho khói?. Chưa tính đến việc chỉ cần sặc khói trong ít giây là sẽ không thể cứu được tính mạng.

Cũng có mặt tại hiện trường khi đám cháy xảy ra, bà Nguyễn Thị Huyền Mùi, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Nhân Chính băn khoăn thêm về việc lối thoát hiểm trong khu chung cư. Khi xảy ra cháy, nguồn điện bị cắt khiến cả toà nhà tối om và người dân không thể dễ dàng tìm thất lối thoát hiểm, nhất là khi khói mù dày đặc như thế. Bà Nguyễn Thị Huyền Mùi kể: “Việc cứu nạn rất khó khăn. Khi thấy cháy thì bao giờ việc đầu tiên là người ta cắt điện, nhưng tối quá bà con chẳng tìm thấy đường chạy. Cũng có chỗ thang máy không chạy được nữa và thang kia thì khói ra mù mịt, người ta không nhìn thấy được. Chính vì thế theo tôi, phải xây dựng một quy chế nghiêm ngặt khi mà có cháy nổ. Mặc dù, có trang bị những phương tiện phòng cháy nhưng những vụ cháy thế này bình bọt không thể chữa nổi được”             

Nhìn lại vụ cháy tòa nhà chung cư cao tầng JSC 34 cũng cho thấy có rất nhiều vi phạm bộc lộ, từ công tác phòng chống cháy nổ đến quản lý xây dựng. Thứ nhất, hệ thống điện phụ của tòa nhà không hoạt động khi nguồn điện chính bị cắt, chính điều này khiến người dân bị kẹt lại, không thể nhìn thấy đường để chạy đến cửa thoát hiểm khi khói lan tỏa. Thứ hai, tình trạng buông lỏng quản lý và chính sự thiếu hiểu biết của người dân trong việc tự ý xây dựng khu vực lan can, trong các căn hộ cũng là nguyên nhân làm cho lực lượng cứu hỏa không tiếp cận được khi xảy ra cháy. Và nữa, thiếu sót quan trọng nhất của toà nhà này là điểm xuất phát của đám cháy lại chính từ khu vực kỹ thuật- nơi được quy định là phải có van chống cháy, cửa chịu nhiệt để tránh việc cháy lan tỏa.

Sau nhiều vụ cháy ở chung cư, vụ cháy tại chung cư JSC 34 tiếp tục là một hồi chuông cảnh tỉnh về công tác phòng chống cháy nổ. Nó đang bị buông lỏng trên nhiều phương diện, kể cả trang bị kiến thức cần thiết tối thiểu cho cư dân chung cư nếu xảy ra cháy. Vẫn biết khi xảy ra cháy, người ta không thể bình tĩnh như bình thường, nhưng thử hỏi bao nhiêu người biết được, nếu có chăn, có áo thấm đẫm nước mà trùm vào mặt thì cơ hội thoát nạn cao hơn khi băng qua màn khói dày đặc, tử thần ấy?.

Đáng lưu tâm hơn là tại Hà Nội, tính đến hết năm 2009, có 364 nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên) đã đưa vào sử dụng, trong đó có 247 nhà qua rà soát được kết luận có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các vụ cháy. Việc ban hành nội quy tại nhiều tòa nhà đều có, những khẩu hiệu, hướng dẫn phòng chống cháy cũng khá nhiều nhưng xem ra nó chưa thực sự được chú trọng. Còn với lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ thì vẫn còn những bất cập muôn thủa như lực lượng mỏng, chưa được huấn luyện đầy đủ, thiếu những trang thiết bị cần thiết khi tiếp cận các đám cháy lớn trên tầng cao. Vẫn là những bài học đau thương được rút ra, được trả giá bằng chính mạng sống của con người, nhưng nó chỉ thực sự là bài học cần thiết nếu mọi người thực sự quan tâm và ý thức được từng việc mình làm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên