Bãi tắm Cửa Tùng kêu cứu
VOV.VN - Nhiều năm nay, bãi tắm này bị xói lở nghiêm trọng, ngày một thu hẹp và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Bãi tắm Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị từng được người Pháp mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi biển” vì bãi cát mịn với những ngầm đá nhô ra biển tuyệt đẹp. Nhiều năm nay, bãi tắm này bị xói lở nghiêm trọng, ngày một thu hẹp và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Bãi tắm Cửa Tùng bị xói lở một phần do xây dựng kè chắn sóng ở phía bờ Nam.
Đang vào mùa cao điểm du lịch biển nhưng bãi tắm Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị vẫn thưa bóng người. Các dãy nhà hàng, khách sạn dọc bãi biển lèo tèo khách. Bà Lê Thị Thảo, hơn 15 năm mở nhà hàng hải sản và dịch vụ tắm biển tại đây kể, trước đây bãi tắm dài rộng và thoải ra ngoài xa. Mùa hè, khách du lịch gần xa, trong đó khách nước ngoài về tắm biển, nghỉ dưỡng nườm nượp. Từ 10 năm lại đây, bãi biển hẹp dần, nước biển khoét sâu vào bờ, tạo dòng xoáy rất nguy hiểm cho người tắm biển.
Bà Lê Thị Thảo lo lắng, bãi biển ngày càng mất dần nhưng bên ngoài tàu vẫn ngang nhiên hút cát: “Ở ngoài biển, đối diện với bãi tắm có tàu lấy cát, yêu cầu cấp trên cấm lấy cát trước bãi biển. Nếu như lấy càng ngày càng không còn bãi tắm nữa vì biển sâu hẳn đi. Sợ bãi biển mất dần, khách càng ngày càng ít, dịch vụ buôn bán ngày càng khó khăn”.
Cửa Tùng - "Nữ hoàng của các bãi tắm" một thời giờ trở nên hoang vắng. |
Dọc bãi tắm Cửa Tùng, hàng loạt nhà hàng, khách sạn một thời đông khách giờ phải đóng cửa vì buôn bán ế ẩm. Nhiều dự án về du lịch nghỉ dưỡng đầu tư tại bãi biển Cửa Tùng cũng bỏ dở, không triển khai.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh tiếc nuối một thời bãi tắm sầm uất nay đứng trước nguy cơ xóa sổ do tác động của con người. Năm 2005, khi đầu tư xây dựng đê kè chắn sóng kết hợp cầu cảng Nam Cửa Tùng dòng chảy đã thay đổi. Phía bãi tắm bị xói lở, ăn mòn, còn phía bên kia là cửa sông Bến Hải ngày một bồi lấp, cạn dần, tàu thuyền không ra vào được.
Cứu “nữ hoàng bãi tắm” Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng kè dọc bãi biển chống triều cường xâm thực. Thế nhưng, sau mỗi mùa gió bão, sóng biển cuốn phăng xói lở sâu vào bờ. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đề xuất: “Bây giờ nếu tháo cái kè thì ảnh hưởng đến cảng cá, còn nếu để kè cát từ bên phía Gio Linh bị chặn lại, không bồi đắp sang bãi tắm Cửa Tùng. Vì vậy, có một giải pháp vừa nạo vét bên này để bồi đắp lại cho bên kia, thực hiện được 2 chức năng là hút cát ở cảng cá bồi đắp lại cho bãi tắm Cửa Tùng, đồng thời tạo luồng lạch cho tàu thuyền ra vào được”.
Đang vào mùa cao điểm du lịch nhưng hàng quán tại bãi tắm Cửa Tùng vắng khách. |
Từ những năm 2009 - 2010, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với tỉnh Quảng Trị thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá xâm thực bãi tắm Cửa Tùng” và khuyến nghị một số giải pháp cứu bãi tắm Của Tùng.
Theo đó, kiến nghị tỉnh làm thêm đê chắn sóng ngoài khơi để giảm sóng hướng Đông, tăng tuổi thọ bãi; Cải tạo kè tường đứng bảo vệ đường, có thêm thềm nghiêng để giảm sóng; Tăng cường kiểm soát và hạn chế khai thác cát, đặc biệt là ở khu vực sông Bến Hải… Đến nay, tỉnh Quảng Trị vẫn loay hoay chưa triển khai được gì. Trong khi đó, bãi tắm ngày một mất dần.
Bãi tắm Cửa Tùng bị thu hẹp dần. |
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị mới đây, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị đề nghị UBND tỉnh sớm nghiên cứu, triển khai giải pháp khôi phục bãi tắm Cửa Tùng: “Các nhà khoa học đã đưa ra rằng, nguyên nhân chính và nguyên nhân chủ yếu làm sạt lở và xâm thực bãi tắm Cửa Tùng có một phần chính là do xây dựng kè ở bờ Nam. Đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tiếp tục làm rõ hơn các luận cứ này để có giải pháp sắp tới. Đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ nhằm phục hồi bãi tắm đẹp được mạnh danh là "nữ hoàng bãi tắm".
Bãi biển Cửa Tùng nằm trong Tam giác du lịch Cửa Tùng- Cửa Việt- Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị. Đây là vùng động lực phát triển du lịch trên Hành lang kinh tế Đông – Tây của địa phương này. Tiếc thay, một bãi tắm đẹp nổi tiếng một thời đang ngày một xấu đi trước hiện tượng triều cường xâm thực gây xói lở và cơ nguy mất dần./. Không khai thác cát trái phép khi nạo vét cửa biển Cửa Tùng