Bạn đọc cùng ông Nguyễn Thiện Nhân mổ xẻ: Vì sao Việt Nam nghèo
VOV.VN -“Nước nào cũng có tham nhũng nhưng Việt Nam thuộc diện nghiêm trọng; bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả; xử lý sai phạm chưa mạnh tay.”
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội năm 2014, nhiệm vụ 2015, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Giang đã bày tỏ thẳng thắn về vấn đề năng suất lao động thấp- khiến Việt Nam nghèo.
Những lý do được vị đại biểu Quốc hội này đề cập, phân tích cho thấy chúng ta cần hành động một cách mạnh mẽ, có chiến lược và lộ trình cụ thể để đưa đất nước phát triển trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập sâu rộng- cơ hội luôn đi cùng với áp lực cạnh tranh cao.
Ngay sau khi VOV.VN đăng tải ý kiến của người đứng đầu Mặt trận nơi nghị trường, rất nhiều độc giả phản hồi ý kiến bày tỏ đồng tình cũng như “mổ xẻ” nguyên nhân vì sao Việt Nam nghèo.
Bạn đọc Trung Nguyen nhấn mạnh nạn tham nhũng tràn lan. Cùng quan điểm, bạn đọc Lại Như Nam cho rằng tham nhũng ngày càng nhức nhối làm cho một phần ngân khố bị chiếm dụng. Cán bộ địa phương có trình độ thấp. Có huyện, tỉnh có số cán bộ đại học chính quy chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một độc giả khác thì cho rằng có 4 lý do khiến Việt Nam dù có vị trí địa chính trị thuận lợi nhưng vẫn nghèo: Nước nào cũng có tham nhũng nhưng Việt Nam thuộc diện nghiêm trọng; lợi ích nhóm; bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả; xử lý sai phạm chưa mạnh tay. Do đó, độc giả này cho rằng, việc thực hiện nghiêm tinh thần Nghị quyết TW4 chính là giải pháp để khắc phục tình trạng hiện nay.
Bạn đọc tên LIÊU nêu thực tế, khi các công ty công ích Nhà Nước, đội ngũ lao động được 5 triệu/tháng, trong khi lãnh đạo "ngồi mát ăn bát vàng", lương 50 đến 60 triệu/tháng, điều hành theo kiểu "quan liêu tiêu xài", thì nhân viên thiếu động lực làm việc.
Cũng có ý kiến cho rằng ngay trong các quyết định của nhiều người chỉ thích dự án to, tiền ngân sách đền bù lãng phí trong khi nhiều dự án bỏ hoang hóa, dở dang... “Thế có khác nào tiền tiêu như muối bỏ biển, làm sao năng suất lao động tăng được. Đó là chưa nói tỉnh, huyện, xã nay chia mai tách phình ra cồng kềnh, miệng ăn núi lở!”.
Độc giả Bùi Quang Phú thì chia sẻ, hiện tại năng suất lao động của Việt Nam còn kém, tuy nhiên sự thật này đã tồn tại nhiều năm. Cứ cho chúng ta nhận thức được vấn đề từ năm 2008, tức thời điểm thoát nghèo, vậy trong 6 năm qua trình độ của lao động đã cải thiện để đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế chưa? Nếu quá trình đào tạo con người là dài hạn thì liệu với tốc độ này ta có thể có đủ nhân lực cho thời gian tới, theo lộ trình Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020?.
Ở một góc độ khác, độc giả Nguyễn Văn Hiện bức xúc về nạn con ông cháu cha, thiếu công bằng trong khâu tuyển dụng: “Hiện nay không phải cứ học giỏi là ra trường kiếm được việc tốt, lương cao mà quan trọng là con, cháu ông nào và ông đó làm to đến mức nào. Điều này cũng ảnh hưởng đến động lực học của sinh viên, với suy nghĩ học giỏi ra trường cũng thất nghiệp”.
Còn theo bạn đọc Bùi Quang Phú, điều quan trọng bây giờ là “làm toàn diện, làm thực sự với nền giáo dục”. Đồng quan điểm, bạn Quang Phú cho rằng nguyên nhân bản chất là chất lượng giáo dục.
“Theo cách nhìn của tôi, giáo dục còn tràn lan, thừa thầy kém, thiếu thợ giỏi; học sinh, sinh viên được đào tạo không sâu, thiếu định hướng dẫn đến làm trái nghề. Cái sai đó bắt nguồn từ nhiều hệ lụy nhưng có thể sửa được. Để giải quyết vấn đề thì cần làm nhiều, làm chắc,...”, độc giả viết./.