Băng giá xuất hiện ở đỉnh Phan Xi Păng: Liệu Sapa có tuyết rơi?
VOV.VN - Chuyên gia dự báo tình hình thời tiết sau khi xảy ra hiện tượng băng giá ở vùng núi cao Sapa cuối tuần qua.
Với tình hình thời tiết ấm nóng của mùa đông năm nay, hiện tượng băng giá xuất hiện ở vùng núi cao Sapa vào sáng 8/1 đang được rất nhiều người quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Lào Cai.
Hiện tượng băng giá gần khu vực đỉnh Phan Xi Păng. |
- Đêm 7, rạng sáng 8/1, băng giá đã xuất hiện ở gần đỉnh Phan Xi Păng. Vậy những sắp tới hiện tượng này có còn tái diễn?
Sáng hôm qua và sáng nay, hiện tượng băng giá bắt đầu xuất hiện gần khu vực đỉnh Phan Xi Păng. Sáng nay vẫn còn hiện tượng băng giá nhưng đã mỏng hơn vì nhiệt độ ở đây đã tăng lên. Nhiệt độ thấp nhất đo được ở Sapa hôm qua là 7,9 độ C, sáng nay tăng lên 8,5 độ C.
Chiều nay (9/1/2017) có đợt không khí lạnh tăng cường yếu nhưng đến 12/1 thì có đợt tăng cường mạnh. Theo dự báo thì khoảng ngày 13, 14/1 sẽ tiếp tục xảy ra hiện tượng băng giá ở khu vực lưng đỉnh Phan Xi Păng, còn ở thị trấn Sapa thì không có.
Nếu nhiệt độ ở thị trấn Sapa xuống mức từ 5 đến 7 độ C thì khả năng trên khu vực gần đỉnh Phan Xi Păng sẽ xảy ra băng giá.
- Vậy tức là nhiệt độ dưới 7 độ C sẽ xảy ra hiện tượng băng giá?
Không hẳn cứ nhiệt độ thấp là xảy ra băng giá, băng giá chỉ xảy ra khi trời quang mây. Nếu nhiều mây thì nhiệt độ lại tăng lên, trời ấm lên thì không thể hình thành băng giá được.
- Với tình hình thời tiết như năm nay thì Sapa liệu có tuyết rơi?
Chắc là sẽ không có. Như mọi năm, thời điểm này đã là rét đậm rét hại nhưng năm nay vẫn còn ấm nóng. Bởi vậy, khả năng Sapa sẽ không có tuyết rơi.
Năm nay, Sapa dự báo không có tuyết rơi. (Ảnh minh họa) |
Theo dự báo của tôi, đợt rét đậm sẽ xảy ra đúng vào dịp Tết âm lịch.
Như năm trước, tuyết rơi nhiều nhất trong 2 ngày 24, 25/1 nhưng năm nay hiện tượng này rất khó xảy ra, chỉ có hiện tượng băng giá là chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.
- Băng giá và tuyết rơi, ông có thể giải thích rõ hơn về 2 hiện tượng thời tiết đặc trưng này?
Tuyết là từ trên trời rơi xuống còn hiện tượng băng giá là do nước ở trên các vũng nước hoặc ao, hồ. Hơi nước gặp lạnh đọng lại, ngưng kết thành băng giá hoặc sương muối.
Đối với trên đất khô thì gọi là sương muối còn dưới nước hoặc dưới đất ẩm thì tạo thành băng giá.
Băng giá xảy ra nhiều hơn hiện tượng tuyết rơi. Năm nào ở các vùng núi cao cũng có vài 3 trận băng giá, ngay thị trấn Sapa hay một số xã vùng cao ở huyện Bát Xát cũng xảy ra.
Sapa có khi xảy ra 4, 5 đợt/năm, năm nào ít thì 1, 2 đợt. Riêng năm nay do thời tiết ấm nóng nên chưa thấy có.
Ảnh: Tuyết rơi ở sa mạc Sahara tạo cảnh tượng hiếm thấy
- Băng giá gây trở ngại gì cho người dân?
Băng giá là hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Khi nước đóng thành băng, bám vào cây, đặc biệt là rau màu non làm cho nước ở trong cây cũng băng kết lại khiến sự vận chuyển chất dinh dưỡng của cây không còn. Nếu hiện tượng này kéo dài, chỉ vài ngày sau là cây chết rũ như dội nước sôi. Nó gây bất lợi cho bà con sản xuất nông nghiệp.
- Hiện tượng thời tiết miền Bắc đang diễn biến như hiện tại có phải bất thường? Điều này đã từng xảy ra trong lịch sử quan trắc chưa?
Đây không phải là lần đầu tiên mùa Đông Xuân ở miền Bắc lại ấm nóng như vậy. Cách đây 19 năm (mùa Đông Xuân năm 1998) cũng đã từng xảy ra hiện tượng thời tiết tương tự như thế này.
Theo ghi chép của tôi, thời điểm cách đây 19 năm, vào tháng 11, 12 thời tiết miền Bắc nhiệt độ đo được ở mức khá cao so với các năm. Rét đậm rét hại thì rơi vào đúng dịp Tết âm lịch nhưng ra Tết thì hiện tượng rét đậm không kéo dài. Tháng 2, 3 thời tiết lại bắt đầu ấm nóng.
Nếu tình hình thời tiết năm 2017 đi theo diễn biến đó thì chính là lặp lại diễn biến thời tiết cách đây 19 năm.
- Xin cảm ơn ông!/.