Báo chí và dư luận quốc tế: Việt Nam là “hình mẫu kiềm chế đại dịch”

VOV.VN - Không chỉ là các biện pháp ứng phó dịch Covid-19, cộng đồng quốc tế còn đánh giá sự nhân văn, chia sẻ của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó, đặc biệt là các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ ngoài về. Đây là những phản ứng nhanh, đi trước so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, chiều 7/4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đã trao tượng trưng số hàng hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 cho Chính phủ và nhân dân các nước Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh.

Tại cuộc họp trực tuyến về tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 chiều 10/4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, trước diễn tiến nhanh của tình hình dịch bệnh trên thế giới, Việt Nam đã phản ứng kịp thời. Trong quá trình triển khai, bên cạnh mục tiêu cao nhất là phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe của người dân, Việt Nam vẫn phải cân đối, làm sao giữ được quan hệ hợp tác hữu nghị, kinh tế, đồng thời tính đến yếu tố về chính trị, đối ngoại và chiến lược an ninh quốc phòng của đất nước.

“Ngay khi dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc, chúng ta đã thành lập Ban chỉ đạo. Và đến khi dịch bùng phát tại Vũ Hán, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên triển khai các biện pháp mạnh mẽ liên quan đến các kiểm soát đường biên, ngừng thị thực và chuyến bay… Với tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc, chúng ta cũng đã có ứng phó kịp thời”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết.

Theo diễn tiến của tình hình dịch bệnh, Bộ Ngoại giao đã báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ và họp Ban chỉ đạo quốc để cân nhắc các biện pháp ứng phó thế nào. Sau khi có các biện pháp ứng phó với dịch bệnh tại Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam tiếp tục ngừng miễn thị thực với Italy và Iran. Đối với châu Âu, ít ngày sau Việt Nam cũng dừng miễn thị thực.

“Với Italy, chúng ta đã ngừng miễn thị thực từ ngày 1/3 và với 8 nước châu Âu từ 18/3. Sau đó, chúng ta ngừng tiếp với Nga, Nhật Bản - những nước có quan hệ đối tác lớn. Đến 22/3, Chính phủ quyết định ngừng nhập cảnh với người nước ngoài và hạn chế các đường bay. Các bước đi của Việt Nam rất kịp thời, theo kịp diễn biến dịch bệnh”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Ban chỉ đạo cũng đã có những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước châu Âu, tạo ra tiếng vang. Quốc tế đánh giá sự nhân văn, cách ứng xử, sự chia sẻ của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn. 

Báo chí và dư luận quốc tế đến nay đã đánh giá cao nỗ lực phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, ghi nhận hành động dứt khoát, mạnh mẽ và minh bạch của Chính phủ Việt Nam là “hình mẫu kiềm chế đại dịch”.

Liên quan đến vấn đề bảo hộ công dân, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là luôn quan tâm. Quan các cơ quan đại diện ở nước thường xuyên thăm hỏi, nắm tình hình, đồng thời đề xuất Chính phủ và chính quyền các nước có biện pháp hỗ trợ chữa trị cho công dân Việt Nam ở nước ngoài hay gia hạn thị thực. Bộ Ngoại giao cũng khuyến cáo bà con yên tâm ở lại, không di chuyển nhiều vì có thể bị lây nhiễm bệnh.

Với những bà con có nhu cầu cần thiết về nước, Bộ Ngoại giao lên kế hoạch ưu tiên là sinh viên trường học và ký túc xá đóng cửa, những người cao tuổi, người có bệnh, các trường hợp mắc kẹt tại các sân bay các nước… để đưa về nước./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên